Theo một nhà quản lý danh mục đầu tư, các công ty bất động sản Trung Quốc có thể bị giám sát chặt chẽ hơn đối với việc lách luật môi trường khi chính quyền Bắc Kinh tăng cường nỗ lực củng cố các quy tắc bảo vệ môi trường.

Teresa Kong, người đứng đầu một bộ phận của công ty quản lý đầu tư Matthews Asia cho biết động thái mới nhất của chính quyền Trung Quốc là ra lệnh cho “bom nợ” khổng lồ China Evergrande phá dỡ 39 tòa nhà trong dự án Ocean Flower Island.

“Tôi nghĩ rằng động thái này chắc chắn đã gây ngạc nhiên cho cả công ty và các nhà đầu tư. Chính phủ đã có nhiều lần lên tiếng về các chính sách bảo vệ môi trường”, bà Kong nói trên chương trình “Squawk Box Asia” của kênh CNBC.

Đảo Hoa Dương là một quần đảo nhân tạo ở Đan Châu, Hải Nam, được truyền thông nhà nước Trung Quốc ví như là “đảo nhân tạo lớn nhất thế giới”. Theo The Wall Street Journal, chính quyền Đan Châu vào tháng trước cho biết hòn đảo này đã làm tổn hại đến môi trường biển và phải chịu trách nhiệm một phần về việc gây ra thiệt hại trên diện rộng cho các rạn san hô.

Bà Kong cho biết có thể không chỉ China Evergrande phải tuân theo các quy tắc môi trường mà hàng loạt công ty bất động sản khác cũng cần tuân thủ các biện pháp được chính quyền đưa ra.

“Các vấn đề về môi trường là một điều mà chúng ta nên xem xét, không chỉ đối với các công ty bất động sản, mà còn đối với nhiều ngành công nghiệp khác vì Trung Quốc đang thực sự đẩy mạnh việc bảo vệ môi trường”, chuyên gia của Matthews Asia chia sẻ.

Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc tính theo doanh số bán hàng vào năm 2020, đồng thời là nhà phát triển bất động sản lớn nhất của nước này nếu dựa trên việc phát hành khoản nợ bằng USD ra nước ngoài, ở mức 19 tỷ USD vào năm ngoái. Tính đến hết năm 2021, công ty bất động sản này có khoản nợ tổng cộng lên tới 300 tỷ USD. Sau khi bị Fitch hạ bậc xếp hạng, công ty này đã chính thức phá sản và đứng trên bờ vực sụp đổ.

Bà Kong cho biết luật bảo vệ môi trường của Trung Quốc không hoàn toàn mới. Tuy nhiên, khi chính quyền tăng cường nỗ lực để đảm bảo việc thực hiện, các công ty không tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc sẽ bị giám sát một cách nghiêm ngặt hơn so với thời điểm hiện tại. Thậm chí, bà còn nhấn mạnh rằng các biện pháp mới có thể là những biện pháp giám sát chưa từng có.

Evergrande cũng cho biết sẽ tiếp tục tích cực duy trì liên lạc với các chủ nợ, cố gắng giải quyết rủi ro và bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của tất cả các bên.

Vào tháng 11, S&P Global Ratings đã cảnh báo rằng tình trạng Evergrande vỡ nợ “rất có thể xảy ra” vì công ty không còn khả năng bán nhà mới. Bất chấp những rắc rối của công ty, bà Kong vẫn lạc quan về lĩnh vực bất động sản nói chung của Trung Quốc trong dài hạn.

“Nếu bạn nhìn vào vị trí của Trung Quốc về tỷ lệ đô thị hóa, nước này mới đạt tỷ lệ 60%. Con số này vẫn kém xa Mỹ hay Nhật Bản. Vì vậy, xét về góc độ dài hạn, lĩnh vực bất động sản vẫn còn nhiều tăng trưởng. Đây vẫn là một lĩnh vực quan trọng đối với GDP của Trung Quốc”, bà Kong nói thêm.

Anh Nguyễn (CNBC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.