14/04/2025 7:00 PM
Theo đề xuất của chủ đầu tư, vị trí khu đất dự kiến đầu tư xây dựng dự án sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất có quy mô khoảng 18,39ha, thuộc Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, đặc biệt là mạng lưới đường sắt tốc độ cao, việc chủ động sản xuất các vật tư thiết yếu trong nước trở thành yếu tố then chốt nhằm bảo đảm tiến độ và tiết giảm chi phí đầu tư.

Ngày 22/3/2025, Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức đề xuất đầu tư dự án cán thép chuyên biệt phục vụ cho ray đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc.

Sở Xây dựng Quảng Ngãi thông tin về dự án sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt của Hòa Phát- Ảnh 1.

Dự án sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất có quy mô khoảng 18,39ha, thuộc Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Theo đề xuất, dự án sẽ được triển khai tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, thuộc Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

Việc đặt nhà máy tại Dung Quất bởi nơi đây không chỉ có cảng biển nước sâu, đường sắt Bắc - Nam đi ngang, mà còn là nơi Hòa Phát đang sở hữu hệ sinh thái thép quy mô nhất cả nước - giúp họ chủ động hoàn toàn từ nguyên liệu đến đầu ra. Đây là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm chế biến sâu như ray thép chất lượng cao.

Với dự án sản xuất ray đường sắt này, Hòa Phát cho biết cần khoảng 42ha để triển khai ngay giai đoạn 1 của dự án trong năm 2025. Các sản phẩm chính là ray thép dùng cho đường sắt đô thị và cao tốc - loại sản phẩm có giá trị gia tăng cao và ít cạnh tranh nội địa.

Thông tin từ Sở Xây dựng Quảng Ngãi

Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, góp ý về đề xuất đầu tư dự án sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt của Hòa Phát.

Về quy hoạch, theo đề xuất của CTCP Ray và Thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất, vị trí khu đất dự kiến đầu tư xây dựng dự án sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất có quy mô khoảng 18,39ha, thuộc Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

Đối chiếu với đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045; vị trí đề xuất đầu tư xây dựng dự án thuộc khu vực quy hoạch đất công nghiệp, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết vị trí đề xuất đầu tư nêu trên là phù hợp.

Đối chiếu với đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất (điều chỉnh) đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt; vị trí đề xuất đầu tư xây dựng dự án thuộc khu vực quy hoạch đất công nghiệp và đất giao thông.

Hiện nay, Ban Quản lý đang hoàn thiện đồ án Điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất theo ý kiến của Bộ Xây dựng.

Vì vậy, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Ban Quản lý chỉ đạo đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu cập nhật, bổ sung hợp lý đồ án Điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất, đảm bảo phù hợp với đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045; khẩn trương hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Sở Xây dựng Quảng Ngãi thông tin về dự án sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt của Hòa Phát- Ảnh 2.

Thủ tướng đề nghị Hòa Phát nghiên cứu, sản xuất ray thép đường sắt tốc độ cao

Về kết nối hạ tầng giao thông, theo bản vẽ quy hoạch mặt bằng tổng thể, phạm vi dự án dự án sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất dự kiến bao gồm một phần tuyến đường số 5 Đông (hiện hữu) và đấu nối với tuyến Quốc lộ 24C (đường Trì Bình - Dung Quất) tại Km 4 220.

Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất kiểm tra vị trí đấu nối phải phù hợp với quy định. Đối với tuyến đường số 5 Đông hiện trạng được đề xuất làm đường giao thông nội bộ phục vụ sản xuất, đề nghị Ban Quản lý đánh giá kỹ lưỡng sự ảnh hưởng đến năng lực hạ tầng giao thông hiện hữu và khả năng lưu thông hàng hóa tại khu vực Cảng Dung Quất.

Ngoài ra, Ban Quản lý phối hợp, hướng dẫn nhà đầu tư kiểm tra, rà soát ranh giới dự án phải đảm bảo nằm ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ của tuyến đường Quốc lộ 24C và các tuyến đường giao thông khác thuộc đồ án Điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất.

Ngoài ra, trong quá trình thẩm định hồ sơ đề xuất đầu tư, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi hướng dẫn nhà đầu tư, phối hợp với UBND huyện Bình Sơn kiểm tra, xác định khoảng cách an toàn về môi trường, phòng cháy chữa cháy tối thiểu đến khu dân cư, công trình phải đảm bảo theo quy chuẩn, quy định.

Kiểm tra, rà soát các chỉ tiêu kỹ thuật (mật độ xây dựng, tầng cao, tỷ lệ các loại đất xây dựng, cây xanh…) phải phù hợp với các quy hoạch được duyệt và đảm bảo theo đúng quy chuẩn, quy định.

Hòa Phát bắt tay sản xuất ray thép làm đường sắt tốc độ cao

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết đang nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục pháp lý cần thiết của dự án nhà máy sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất.

Dự kiến, trong tháng 4/2025, chủ đầu tư sẽ tổ chức động thổ xây dựng nhà máy nhằm kịp thời sản xuất sản phẩm thép ray đường sắt, thép đặc biệt phục vụ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Để đẩy mạnh sản xuất các dòng thép chất lượng cao, Hòa Phát mới đây đã ký kết hợp đồng cung cấp dây chuyền đúc và cán thép chất lượng cao công suất 500.000 tấn/năm với Tập đoàn Primetals. Theo kế hoạch, dây chuyền cán dự kiến sẽ cung cấp những sản phẩm đầu tiên vào quý 3/2026 và dây chuyền đúc sẽ được đưa vào vận hành vào quý 4/2026.

Theo thỏa thuận, Tập đoàn Primetals sẽ thiết kế, cung cấp, lắp đặt máy đúc phôi cho phép Hòa Phát sản xuất sản phẩm thép làm tanh lốp ô tô (tire cord, bead wire), thép chế tạo, thép vòng bi, thép dự ứng lực và nhiều sản phẩm chất lượng cao khác.

Đặc biệt, dây chuyền còn tích hợp dự chờ cho module đúc phôi khổ lớn để sản xuất thép đường ray (bloom), và phôi beam blank để sản xuất các loại thép hình đến 800mm phục vụ ngành kết cấu thép.

Bên cạnh đó, dây chuyền cán mới sẽ sản xuất thép cuộn chất lượng cao như thép làm bố lốp, tanh lốp ô tô, thép lò xo, thép dập nguội, thép dự ứng lực, thép lò xo không hợp kim, thép làm cáp cẩu, thép làm đinh vít chính xác.

Dây chuyền cũng được tích hợp sản xuất thép thanh tròn trơn và thép thanh dạng cuộn phục vụ cho các ngành chế biến chế tạo, cho công nghiệp quốc phòng.

Theo tiến độ, dự kiến quý 3/2026 dây chuyền cán có thể cung cấp những sản phẩm đầu tiên và quý 4/2026 đưa dây chuyền đúc đi vào hoạt động.

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, tập đoàn tập trung đẩy mạnh sản xuất thép chất lượng cao, thép chế tạo để góp phần thay thế mặt hàng thép cao cấp đang phải nhập khẩu.

“Hòa Phát tự tin sản xuất được các loại thép phục vụ ngành công nghiệp đường sắt, trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Chính phủ cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thị trường thế giới”, ông Long cho biết.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khởi công tháng 12/2026

Tại phiên họp mới đây của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cố gắng khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào tháng 12/2026. Đồng thời quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt.

Theo Thủ tướng, các công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mới có quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, đặc biệt đường sắt tốc độ cao lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam.

Trong số các dự án đường sắt quan trọng đang được xúc tiến, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km từ Hà Nội đến TP.HCM, với tốc độ thiết kế 350km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 1,713 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Thời gian thực hiện từ 2025 - 2035.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, khổ 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa; tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km, tuyến nhánh 27,9km; tổng mức đầu tư 8,369 tỷ USD; giai đoạn 1 đầu tư đường đơn, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi. Thời gian thực hiện từ 2025 - 2030.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; tổng chiều dài khoảng 156km.

Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái kết nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh; kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; tổng chiều dài tuyến khoảng 187km.

Hiện nay, ray đường sắt chất lượng cao tại Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu… Do đó, nếu Hòa Phát làm chủ được công nghệ này, sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm hàng trăm triệu USD mỗi năm, đồng thời giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.

Dự án sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt của Hòa Phát tại Quảng Ngãi là một bước đi chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu hạ tầng giao thông hiện đại của Việt Nam. Với sự ủng hộ từ chính quyền địa phương và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía doanh nghiệp, dự án hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành công nghiệp thép chất lượng cao trong nước.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.