Ấn bản thứ 17 của Báo cáo Xu hướng mới nổi trên thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương, dự báo về bất động sản trong khu vực do Viện Đất đai Đô thị (ULI) và PwC công bố cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã đi xuống do lo ngại về chi phí nợ tăng, lạm phát cao hơn, và một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra.

Báo cáo lần thứ 17 được phát hành năm nay dựa trên cuộc khảo sát với 233 chuyên gia bất động sản và 101 cuộc phỏng vấn với các nhà đầu tư, nhà phát triển, đại diện công ty bất động sản và các nhà môi giới tại châu Á – Thái Bình Dương (APAC).

Sự sụt giảm về khối lượng giao dịch trong khu vực là điều đã được nhìn thấy, với số lượng giao dịch bất động sản trong quý III ở APAC giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 32,6 tỷ USD, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có mức sụt giảm lớn nhất với mức giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

David Faulkner, Chủ tịch ULI APAC cho biết: "Lãi suất tăng và nền kinh tế toàn cầu chậm lại đang bắt đầu tác động đến việc định giá bất động sản trong khu vực và thay đổi cách các nhà đầu tư đánh giá các giao dịch tiềm năng. Ngành bất động sản cũng có thể sẽ trải qua những thay đổi đáng kể trong những năm tới do môi trường kinh tế đang phát triển và những thay đổi trong cách mọi người sử dụng bất động sản".

Singapore, Tokyo và Sydney tiếp tục được các chuyên gia đánh giá là ba thị trường bất động sản tiềm năng nhất APAC. Với cuộc khủng hoảng thanh khoản đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc, Singapore đã được hưởng lợi từ việc các nhà đàu tư chuyển hướng nguồn vốn mà trước đó được cho là rót vào thị trường nhà ở Trung Quốc và Hong Kong. Tokyo cũng được hưởng nhờ môi trường lãi suất gần bằng 0, qua đó đảm bảo chi phí đi vay thấp hơn và mức chênh lệch chi phí nợ tích cực hơn.

Trong khi đó, dù đã nới lỏng các lệnh kiểm dịch Covid-19 nghiêm ngặt, Hong Kong vẫn duy trì vị thế là thị trường thương mại và dân cư đắt đỏ nhất ở khu vực APAC. Điều này đã khiến Hong Kong dễ bị tổn thương trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay.

Stuart Porter, Asia Pacific Real Estate Tax Leader cho biết: “Sự tồn tại của điều kiện thị trường phân mảnh đã cho phép Singapore và Tokyo giữ được vị trí là những thị trường bất động sản hàng đầu trong khu vực. Khi khám phá cơ hội trong khu vực, các nhà đầu tư nên có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với việc mua tài sản mới ở một số thị trường châu Á và chuyển trọng tâm của họ từ các loại tài sản thông thường sang nhiều lĩnh vực thích hợp mang lại triển vọng tươi sáng hơn”.

Các nhà đầu tư đã bắt đầu thiết kế lại chiến lược đối với các bất động sản có khả năng bảo vệ danh mục đầu tư, chống chịu tốt hơn trước các áp lực kinh tế bất thường và hướng tới các tài sản có thể cung cấp các tính năng như chỉ số thuê, thời hạn thuê ngắn hơn và tạo ra dòng tiền ổn định hơn.

Các phân khúc như nhà ở, khách sạn và logistics được coi là “thiên đường phòng thủ”. Trong khi đó, các phân khúc mới như trung tâm dữ liệu, kho lạnh, khoa học đời sống và không gian tự lưu trữ ngày càng được chú ý như các phương tiện đầu tư chống suy thoái nhờ tính phù hợp với xu hướng của thị trường hiện nay.

Năm 2022, với 16 tỷ USD vốn mới huy động được cho các chiến lược cơ hội trên các phân ngành này ở APAC, gấp hơn 3 lần tổng số vốn huy động được cho năm 2021, bất động sản logistics vẫn có khả năng sẽ tiếp tục thu hút giới đầu tư cho tới năm 2023.

Văn phòng cho thuê vẫn là phân khúc bất động sản lớn nhất trong khu vực. Các tài sản chính trong các khu vực kinh doanh và các quận luôn thiếu nguồn cung và liên tục là mục tiêu của các quỹ cốt lõi trong khu vực cạnh tranh để rót vốn. Đồng thời, chênh lệch giá rộng giữa người mua và người bán dự kiến ​​sẽ còn tồn tại trong một thời gian.

Anh Nguyễn (Yahoo Finance)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.