CafeLand - Mặc dù trải qua một 2020 đầy sóng gió bởi những ảnh hưởng mà đại dịch Covid-19 gây ra, thị trường nhà ở tại nhiều nơi trên thế giới vẫn ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể.

Mới đây, công ty bất động sản toàn cầu Knight Frank đã công bố bảng báo cáo về giá thị trường nhà ở toàn cầu trong năm vừa qua. Cụ thể, kết quả từ bảng báo cáo cho thấy giá bất động sản toàn cầu trong năm 2020 đã chứng kiến mức tăng nhanh nhất trong ba năm trở lại đây. Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ được Knight Frank phân tích, có tới 89% số quốc gia ghi nhận mức tăng trung bình 5,6% trong năm 2020, cao hơn con số 5,3% trong năm 2019.

Trong suốt năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tiếp đứng đầu trong danh mục quốc gia có tỷ lệ gia tăng giá bất động sản cao nhất với mức tăng 30%. Đứng ở các vị trí tiếp theo trong top 3 lần lượt là New Zealand với mức tăng 19% và Slovakia với mức tăng 16%. Trong khi đó, một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới là Mỹ cũng xếp thứ 7 khi chứng kiến tỷ lệ tăng đạt mức 10% trong năm vừa qua.

Châu Âu là khu vực có nhiều sự biến động nhất trên thị trường nhà ở. Trong khi một số quốc gia như Áo, Đức và Pháp đều chứng kiến mức tăng ổn định lần lượt là 10%, 8% và 6% thì những quốc gia thuộc khu vực Nam Âu vẫn tương đối trì trệ, trong đó đặc biệt phải kể đến Ý và Tây Ban Nha, những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ấn Độ và Ma-Rốc là hai thị trường có mức giảm giá nhà ở lớn nhất trong năm 2020 với con số lần lượt là 3,6% và 3,3%.

Các chuyên gia của Knight Frank nhận định rằng có rất nhiều lý do đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhà ở, đặc biệt là tỷ lệ lãi suất thấp kỷ lục. Những lý do này sẽ tiếp tục khiến giá nhà đất tại nhiều khu vực tăng mạnh trong năm 2021. Bên cạnh đó, nguồn cung hạn chế cũng sẽ khiến nhiều người chi tiêu mạnh tay hơn để sở hữu nhà ở, qua đó gia tăng tính cạnh tranh.

Anh Nguyễn (Forbes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.