Phá sản, nợ xấu và giá trị sụt giảm - những biểu tượng khủng hoảng của thị trường bất động sản châu Âu – đã kéo dài từ năm 2023 đến nay và vẫn chưa có hồi kết.

https://static1.businesstimes.com.sg/s3fs-public/styles/magnificpopuplarge/public/articles/2024/03/17/2024-03-13t192925z1532508417rc2qx2aj0ky5rtrmadp3europe-realestate-mipim-germany_0.jpg?itok=UAsigOid

Tại hội nghị bất động sản lớn nhất châu Âu, MIPIM, tổ chức vào giữa tháng 3 ở Cannes (Pháp), số lượng du thuyền được tài trợ chỉ bằng một phần nhỏ so với những năm trước, cho thấy tình trạng ảm đạm của thị trường bất động sản nói chung sau khi chi phí đi vay tăng cao.

Tại châu Âu, Goldman Sachs cho biết định giá bất động sản thương mại đang gần chạm đáy.

Chủ tịch Blackstone Jon Gray cũng nhận định rằng đã đến thời điểm để mua bất động sản. Quỹ này không đơn độc khi nhận thấy mức giảm giá bất động sản đang giảm bớt hoặc dừng hẳn. Quan điểm lạc quan này còn được thúc đẩy bởi hy vọng cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương vào cuối năm nay.

Nhưng khi thị trường hồi phục, cuộc khủng hoảng cung cầu sẽ diễn ra.

Chi phí tăng vọt, giá bán giảm mạnh và chi phí đi vay cực kỳ đắt đỏ đã thu hẹp số lượng dự án được xây dựng và gia tăng tình trạng thiếu nguồn cung bất động sản.

Isabelle Scemama, người đứng đầu toàn cầu của quỹ đầu tư AXA IM Alts, cho biết: “Chắc chắn chúng ta sẽ thiếu những văn phòng có chất lượng. Về mặt nhà ở, mọi thành phố lớn đều đang phải vật lộn với tình trạng khan hiếm nguồn cung”.

Tại Đức, 6 nhà phát triển đang mất khả năng thanh toán lớn nhất sở hữu tới 48 dự án văn phòng với diện tích khoảng 1 triệu mét vuông. Dữ liệu của Colliers International cho thấy 2/3 trong số các dự án này đã bị tạm dừng hoặc chấm dứt.

Một phân tích về các chủ văn phòng được niêm yết công khai ở châu Âu của nhà nghiên cứu Green Street cho thấy các dự án chỉ đạt được khoảng một nửa tiến độ so với năm 2019. Bức tranh tương tự đang diễn ra đối với bất động sản kho vận, nơi giá trị đất đai bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.

Nhưng chính nhà ở mới là thị trường mang lại cơ hội lớn nhất cho những người muốn mua vào lúc này. Thị trường này đã “nổi danh” khắp châu Âu vào năm ngoái khi London chứng kiến số lượng nhà mới được xây dựng thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ và các thành phố trên khắp nước Đức, Pháp và Thụy Điển cấp ít giấy phép xây dựng hơn trước rất nhiều.

Trong bối cảnh này, các chính phủ đều mong muốn giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhà ở còn các nhà đầu tư lại nhìn thấy cơ hội cho thuê mới.

Mark Allnutt, Giám đốc điều hành của Greystar Real Estate Partners, một công ty cổ phần tư nhân chuyên về bất động sản cho thuê, cho biết: “Có vẻ như chúng ta đang tiến đến một bước ngoặt của thị trường. Lãi suất đã lên đến đỉnh điểm. Ngân hàng Trung ương Anh có thể sẽ cắt giảm lãi suất trước cuộc tổng tuyển cử và các nhà đầu tư hiện đang nỗ lực hết sức để bắt đầu mọi việc”.

Nhưng vẫn chưa rõ liệu tình trạng sụt giảm này đã gần kết thúc hay chưa.

Cổ phiếu của Vonovia, chủ đất lớn nhất nước Đức với khoảng 546.000 căn hộ, đã giảm gần 11% vào thứ Sáu (15/3). Công ty này đã chứng kiến ​​giá trị danh mục đầu tư của mình giảm hơn 10,7 tỷ Euro vào năm ngoái, đẩy mức nợ tương đối lên trên ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, tốc độ giảm đang chậm lại ở mức 4,2% trong nửa cuối năm, nhỏ hơn mức giảm 6,6% được ghi nhận trong nửa đầu năm.

Đầu tuần qua, công ty bất động sản LEG Immobileien của Đức cho biết “đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng bất động sản đã qua”.

Nhưng chỉ một ngày sau, một công ty khác, TAG Immobileien, lại nhận định: “Thật khó để trả lời rằng giá nhà tại Đức hiện nay là bao nhiêu vì có rất ít thông tin về giao dịch. Tuy nhiên, số liệu cho thấy khối lượng bất động sản rao bán ở mức khá thấp trong những quý gần đây. Và tất cả những sự không chắc chắn này có lẽ sẽ còn kéo dài trong một thời gian tới”.

Lam Vy (Bloomberg)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.