26/11/2023 3:23 PM
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo lĩnh vực bất động sản của khu vực đồng Euro (Eurozone) có thể gặp khó khăn trong nhiều năm tới, tạo ra nguy cơ với các ngân hàng và tổ chức tài chính tại đây.

https://www.reuters.com/resizer/sNGNv7Gvp13NpCM4pHjYN3qv6gg=/960x0/filters:quality(80)/cloudfront-us-east-2.images.arcpublishing.com/reuters/MJTWPUAYRNIH5OAKPYBLZVLNYM.jpg

Ngày 21/11, ECB công bố báo cáo cho thấy giá bất động sản thương mại tại Eurozone đã bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của nền kinh tế và lãi suất cao trong năm vừa qua, làm giảm khả năng sinh lời và thách thức mô hình kinh doanh của lĩnh vực này.

Lĩnh vực bất động sản không đủ lớn để tạo ra rủi ro mang tính hệ thống cho các bên cho vay, nhưng có thể làm tăng thêm cú sốc với hệ thống tài chính và tác động lớn đến các công ty tài chính, từ quỹ đầu tư cho đến công ty bảo hiểm, gọi chung là ngân hàng bóng tối.

Trong báo cáo mang tên Đánh giá Ổn định Tài chính, ECB cho biết: “Quy mô danh mục đầu tư bất động sản thương mại tại các ngân hàng còn tương đối hạn chế nên khó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Dẫu vậy, lĩnh vực này vẫn có thể khuếch đại rủi ro đáng kể nếu mức độ căng thẳng của thị trường lan rộng”.

ECB đưa ra báo cáo trên khi những rạn nứt sâu sắc xuất hiện tại thị trường bất động sản của Đức, nền kinh tế hàng đầu khu vực đồng Euro. Lãi suất đảo ngược đột ngột đã khiến một số nhà phát triển mất khả năng thanh toán, làm đình trệ các dự án và hoạt động xây dựng.

Signa Group, tập đoàn bất động sản khổng lồ của Áo và là chủ sở hữu tòa nhà Chrysler ở New York, đã đột ngột ngừng thi công tòa nhà chọc trời Elbtower cao 64 tầng ở Hamburg do chậm thanh toán cho nhà thầu.

Trong báo cáo của mình, ECB cho biết các khoản thế chấp nhà ở tại Eurozone chiếm khoảng 30% tổng các khoản vay tại ngân hàng, trong khi bất động sản thương mại chiếm khoảng 10%. Điều này đe dọa đến các chủ thể khác thuộc hệ thống tài chính, như các quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm.

Giao dịch bất động sản thương mại tại Eurozone đã giảm 47% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Cổ phiếu của các chủ sở hữu bất động sản lớn nhất trong khối đang được giao dịch với mức chiết khấu hơn 30% so với giá trị tài sản ròng, tỷ lệ lớn nhất kể từ năm 2008.

Việc gia tăng lãi suất và chi phí tài chính gần đây cũng có thể khiến tỷ lệ các khoản cho vay dành cho các công ty thua lỗ tăng gấp đôi, lên tới 26%.

Nếu điều kiện tài chính thắt chặt hơn kéo dài trong 2 năm tới và các công ty phải thanh toán tất cả các khoản vay đến hạn, con số này sẽ vọt lên ngưỡng 30%.

ECB cho biết: “Có những lỗ hổng đáng kể trong các khoản vay này, đặc biệt khi xét đến việc cả chi phí tài chính cao hơn và khả năng sinh lời giảm đi đều tồn tại đồng thời trong một số năm. Do đó, các mô hình kinh doanh bất động sản được thiết lập trên cơ sở lợi nhuận trước đại dịch và lãi suất thấp trong dài hạn có thể sẽ không khả thi trong trung hạn”.

  • Châu Âu bắt đầu cuộc khủng hoảng nhà ở

    Châu Âu bắt đầu cuộc khủng hoảng nhà ở

    Nguồn cung nhà ở khan hiếm trong bối cảnh các quy định xây dựng ngày càng thắt chặt có thể đè nặng lên tăng trưởng và gây ra căng thẳng chính trị sâu sắc hơn tại châu Âu.

Lam Vy (RT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.