Theo dữ liệu mới từ CBRE, tổng giá trị đầu tư bất động sản trên toàn cầu trong quý III giảm 51% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 142 tỷ USD, trong đó việc lãi suất tăng làm giảm đáng kể hoạt động đầu tư ở nhiều thị trường lớn.

Lãi suất tăng làm hoạt động đầu tư tại Mỹ trì trệ

Khối lượng đầu tư bất động sản thương mại tại Mỹ trong quý III giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 86 tỷ USD, phần lớn là do lãi suất tăng, môi trường cho vay thắt chặt hơn và dự báo về suy thoái kinh tế.

CBRE cho biết bất động sản dân cư là phân khúc dẫn đầu thị trường với tổng vốn đầu tư đạt 30 tỷ USD trong quý III, song vẫn giảm 61% so với quý III/2022. Vốn đầu tư cho loại hình bất động sản đa gia đình dự kiến sẽ vẫn có khả năng phục hồi vì lãi suất thế chấp cao hơn có lợi cho việc thuê nhà thay vì mua nhà.

Đầu tư vào phân khúc bất động sản công nghiệp giảm 43% trong quý III tại Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 21 tỷ USD. Dù vậy, nhu cầu về không gian công nghiệp vẫn tiếp tục tăng mạnh, dự kiến sẽ thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Trong khi đó, khối lượng đầu tư vào phân khúc văn phòng giảm 63% so với cùng kỳ, xuống còn 12 tỷ USD. Tại Mỹ, nguồn tín dụng cho phân khúc văn phòng bị thắt chặt nhất so với các phân khúc khác. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại về việc người lao động sẽ làm việc theo hình thức linh hoạt trong tương lai, do đó không cần quá nhiều không gian văn phòng.

Một phân khúc khác trên thị trường bất động sản Mỹ cũng chứng kiến đà sụt giảm trong hoạt động đầu tư trong quý III là mặt bằng bán lẻ, giảm 31% so với cùng kỳ, xuống còn 16 tỷ USD.

Khối lượng đầu tư bất động sản tại châu Âu giảm trong quý thứ 7 liên tiếp

Báo cáo của CBRE chỉ ra rằng khối lượng đầu tư bất động sản thương mại ở châu Âu đã giảm 54% so với cùng kỳ trong quý III, xuống còn 36 tỷ USD, phần lớn là do lãi suất tăng và tăng trưởng kinh tế chậm hơn.

Đầu tư vào phân khúc văn phòng ở châu Âu đã giảm 66% so với cùng kỳ trong quý III, xuống còn 9 tỷ USD. Mặc dù tỷ lệ người lao động tại châu Âu quay trở lại văn phòng làm việc cao hơn Mỹ, nhiều công ty châu Âu vẫn đang cân nhắc lại về nhu cầu sử dụng không gian của họ, điều này đã làm giảm nhu cầu về tài sản văn phòng cấp thấp, song nhu cầu về tài sản văn phòng cao cấp vẫn tương đối lớn.

Tổng khối lượng vốn đầu tư vào phân khúc bất động sản công nghiệp tại châu Âu trong quý III giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 7 tỷ USD. Tỷ lệ tuyển dụng công nghiệp tổng thể tăng nhẹ do tốc độ mở rộng của các công ty thương mại điện tử chậm lại. Tuy nhiên, giá thuê bất động sản công nghiệp phân khúc trung bình vẫn tiếp tục tăng.

Đầu tư vào mặt bằng bán lẻ ở châu Âu giảm 52% so với cùng kỳ trong quý III, xuống còn 6 tỷ USD. Lạm phát dai dẳng và tăng trưởng kinh tế chậm hơn sẽ làm giảm niềm tin của người tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà bán lẻ.

Đầu tư vào thị trường nhà ở tại châuu Âu trong quý III đã giảm 49% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 6 tỷ USD, qua đó ghi nhận tổng vốn đầu tư trong một quý đối với phân khúc này ở mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Hoạt động đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương đi xuống

Khối lượng đầu tư vào thị trường bất động sản châu Á – Thái Bình Dương (APAC) trong quý III giảm 30% so với cùng kỳ, xuống còn 20 tỷ USD. CBRE cho biết khối lượng đầu tư chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng hoạt động mua lại trong ngành bán lẻ và khách sạn.

Đầu tư văn phòng tại APAC trong quý III giảm 61% so với cùng kỳ, xuống còn 6 tỷ USD, mức thấp nhất trong một quý kể từ năm 2011. Dự kiến, tài sản văn phòng sẽ tiếp tục được định giá lại trong thời gian tới, đặc biệt là ở khu vực Thái Bình Dương và Hong Kong.

Đầu tư vào phân khúc công nghiệp ở APAC trong quý III giảm nhẹ 9% so với quý III/2022, xuống còn 4 tỷ USD. Trong khu vực APAC, hợp đồng thuê dài hạn bắt đầu được ưu tiên hơn so với hợp đồng thuê ngắn hạn. Trong khi hoạt động đầu tư công nghiệp dự kiến sẽ trầm lắng trong quý IV, các quỹ cốt lõi sẽ tiếp tục nhắm đến các thị trường có triển vọng tăng trưởng giá thuê mạnh hơn, chẳng hạn như Úc và Singapore.

Đầu tư vào mặt bằng bán lẻ tại APAC giảm 15% trong quý III so với cùng kỳ năm trước, ở mức 4 tỷ USD. Việc mua lại tài sản lớn ở Nhật Bản, Úc và Singapore đã thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực này.

Dự báo cho năm 2024

Các chuyên gia của CBRE dự báo lãi suất cao và điều kiện tín dụng chặt chẽ sẽ tiếp tục hạn chế hoạt động đầu tư bất động sản thương mại trong nửa đầu năm 2024. Dù vậy, họ cũng dự báo tổng khối lượng đầu tư bất động sản thương mại toàn cầu trong năm tới sẽ bằng tổng khối lượng đầu tư trong năm 2023, với mức giảm 5% ở Mỹ, tăng 5% ở châu Âu và tăng 5% đến 10% ở APAC.

Anh Nguyễn (World Property Journal)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.