CafeLand - Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu CBRE mới đây đã cho biết phân khúc bất động sản thương mại đang dần phục hồi. Doanh số bán bất động sản trên toàn thế giới tăng 23%. Mặc dù vậy, khối lượng đầu tư lại ghi nhận sự sụt giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Châu Á, nơi ghi nhận sự kiểm soát đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất cũng là nơi chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, châu Âu và châu Mỹ lại có những sự bất ổn bất chấp việc nền kinh tế đang dần dần phục hồi.

Châu Mỹ

Khối lượng đầu tư vào châu Mỹ tăng 30% trong quý 3, đạt mức 64 tỷ USD. Mỹ là thị trường chính của khu vực khi chiếm tới 96% khối lượng đầu tư. Tuy nhiên, châu Mỹ cũng chứng kiến sự sụt giảm 59% trong tổng khối lượng đầu tư so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà ở là phân khúc phục hồi mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực bất động sản. Đây cũng là phân khúc có sự ổn định và phổ biến nhất tại châu Mỹ từ năm 2017. Tính từ đầu năm đến nay, phân khúc bất động sản công nghiệp & logistics có khối lượng đầu tư giảm thấp nhất, ở mức 25%. Giá trị của các tài sản cũng phục hồi nhanh chóng. Bên cạnh đó, lợi suất đầu tư vẫn tương đối ổn định.

Ngược lại, phân khúc cho thuê văn phòng có mức phục hồi chậm nhất do các công ty thay đổi về hình thức và địa điểm làm việc cũng như sự không chắc chắn của thị trường hiện nay. Lĩnh vực khách sạn và bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với lượng đầu tư giảm lần lượt là 73% và 46% trong năm 2020.

Châu Âu

Khối lượng đầu tư vào các nước thuộc khu vực châu Âu tăng 11% trong quý 3, đạt mức 57 tỷ USD. Mặc dù vậy, con số này vẫn thấp hơn 37% so với năm 2019. Khối lượng đầu tư tính đến thời điểm hiện tại cũng thấp hơn 11% so với quý 1.

Anh, Pháp và Ireland là ba quốc gia chứng kiến sự phục hồi nhanh nhất nhờ các chính sách thúc đẩy đầu tư của chính phủ. Khối lượng đầu tư tại Anh trong quý 3 đã tăng tới 104% so với quý 2, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong phân khúc bất động sản dân cư và công nghiệp. Đức, Thụy Sĩ và Bỉ cũng là những thị trường chứng kiến sự phục hồi tích cực với mức tăng lần lượt là 10%, 26% và 41%.

Trong khi đó, một số quốc gia lại chứng kiến sự ảm đạm của thị trường bất động sản, trong đó bao gồm Hà Lan và Thụy Điển. Đại dịch Covid-19 đã đe dọa nghiêm trọng tới tốc độ phục hồi ở một số quốc gia.

Ở cấp độ ngành, bất động sản công nghiệp & logistics (tăng 60%) và văn phòng ( tăng 20%) là những phân khúc ghi nhận khối lượng đầu tư lớn nhất trong quý 3.

Thị trường nhà ở tại châu Âu ghi nhận mức tăng 4% so với thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Sự tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục xảy ra trong trường hợp nguồn cung nhà ở tăng lên. Thị trường bán lẻ có mức giảm đầu tư thấp hơn dự kiến (17% so với cùng kỳ năm ngoái) và chiếm 16% tổng khối lượng giao dịch. Nhu cầu đối với phân khúc bán lẻ vẫn ổn định một cách đáng ngạc nhiên ở một số quốc gia như Đức, Thụy Sĩ. Ngoài ra, khối lượng đầu tư vào lĩnh vực khách sạn ở Anh giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Châu Á

Khối lượng đầu tư vào thị trường châu Á tăng 38% so với quý 2, qua đó trở thành khu vực có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất toàn cầu trong quý 3. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như sự suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư giờ đây đã chọn lọc kỹ càng và có nhiều chiến lược đầu tư đa dạng hơn.

Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ là ba quốc gia dẫn đầu trong khu vực. Bằng những biện pháp ngăn chặn và kiểm soát đại dịch hiệu quả cũng như những chính sách mở, Hàn Quốc và Đài Loan đã tạo được sự thu hút với nhiều nhà đầu tư. Trong khi đó, bất chấp số lượng ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng cao, Ấn Độ vẫn là điểm đến hàng đầu cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Hai cường quốc của châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc lại ghi nhận mức giảm nhỏ, lần lượt là 15% và 26%. Một số thị trường phụ thuộc nhiều hơn vào dòng vốn quốc tế, ví dụ như Hồng Kông, Singapore và Úc, phải đối mặt với những thách thức lớn hơn. Tốc độ phục hồi của những thị trường này phụ thuộc nhiều vào việc nghiên cứu phát triển vắc xin phòng chống virus corona.

Quy mô đầu tư công nghiệp tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đầu các phân khúc trong lĩnh vực bất động sản tại châu Á, đặc biệt là ngành logistics. Lĩnh vực cho thuê văn phòng vẫn chiếm thị phần lớn nhất trong tổng vốn đầu tư. Lượng đầu tư vào thị trường này đã tăng 30% so với quý 2. Một số thị trường lớn nhất, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư có thể kể đến như Seoul, Thượng Hải, Bắc Kinh, Sydney và Tokyo.

Mặt khác, khối lượng đầu tư vào thị trường bán lẻ giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi con số tương tự với ngành khách sạn là 65%. .

Dự đoán về đầu tư thương mại

Khối lượng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng ở mức thấp. Do việc nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin phòng chống Covid-19 khó có thể xảy ra trong năm nay, các chuyên gia của CBRE ước tính rằng tổng mức đầu tư trong quý 3 sẽ không cao, dẫn đến mức giảm cả năm rơi vào khoảng 38%. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn tốt hơn so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong trường hợp đại dịch Covid-19 được ngăn chặn và kiểm soát thành công, sự phục hồi là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Lãi suất và lợi tức trái phiếu kho bạc sẽ ở mức thấp, mang lại lợi nhuận cho lĩnh vực bất động sản. Nhiều nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các cơ hội trong năm tới để tránh những rủi ro tiềm ẩn trong thời điểm cuối năm 2020.

Anh Nguyễn (World Property Journal)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.