Cao tốc TP.HCM – Trung Lương mở rộng lên 10 làn xe, yêu cầu kinh phí gần 10.000 tỉ đồng; Hà Nội “khai tử” tổ hợp công viên giải trí 3ha tại Tây Hồ; Sắp sửa khởi công, dự án Vành đai 3 – TP.HCM sẽ có hình hài ra sao; Quảng Trị ưu tiên đầu tư 267 dự án... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Cần khoảng 420.000 tỉ đồng phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030

Thời kỳ 2021 - 2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 02 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành 30 cảng hàng không bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc. 16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa, Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng.

Về hệ thống bảo đảm hoạt động bay, đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay tại tất cả các cảng hàng không. Theo kế hoạch được phê duyệt, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đối với số vốn trên, trong một hội thảo cuối năm 2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đưa ra mức kinh phí cần thiết để đầu tư kết cấu hạ tầng 28 sân bay trong thời kỳ 2021 – 2023 là 403.000 tỉ đồng. Cơ quan hiện mới chỉ huy động được 275.000 tỉ đồng (ACV tham gia khoảng 265.000 tỉ đồng và Bộ GTVT cân đối 9.800 tỉ đồng). Vẫn còn thiếu hơn 130.000 tỉ đồng. Hiện nay đã có thêm 2 sân bay được bổ sung vào quy hoạch, nâng tổng số sân bay cần đầu tư lên 30, số vốn nhu cầu cũng tăng hơn 17.000 tỉ đồng.

Đồng Nai “chạy đua” đảm bảo tiến độ khởi công cao tốc, Vành đai 3

Theo báo cáo của Sở GTVT, công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 - TP.HCM, UBND huyện Nhơn Trạch đã ban hành thông báo thu hồi đất. Với dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, UBND tỉnh đã có quyết định về việc phê duyệt tiểu dự án thành phần 1. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án hiện đang bị chậm, đặc biệt là 2 khu tái định cư trên địa bàn TP.Biên Hòa.

Cùng với đó, các khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vật liệu san lấp phục vụ thi công các dự án hiện chưa được tháo gỡ. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu huyện Nhơn Trạch tiếp tục triển khai nhanh công tác giải phóng mặt bằng dự án Đường Vành đai 3 - TP.HCM. Đối với khu vực tổ chức lễ khởi công dự án phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 15/6.

Cao tốc TP.HCM – Trung Lương mở rộng lên 10 làn xe, yêu cầu kinh phí gần 10.000 tỉ đồng

Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) mới đây đã làm việc với UBND tỉnh Long An về dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương. Cao tốc TP HCM - Trung Lương hiện có 4 làn xe, hai làn khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h, khai thác từ năm 2010. Từ 2019, lượng xe lưu thông qua tuyến cao tốc tăng mạnh, ghi nhận hơn 50.000 lượt xe mỗi ngày dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra.

Thời gian qua các cơ quan đã nhiều lần trao đổi về việc đầu tư mở rộng dự án nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất phương án mới nhất. Theo tư vấn của Ban Quản lý dự án 7, dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Dự án đi qua địa bàn TP.HCM, Long An và Tiền Giang với chiều dài khoảng 39,6km. Về quy mô đầu tư, sẽ mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 2 thêm 4 làn xe để đạt quy mô 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp. Tốc độ thiết kế 120km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9,765 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 của Bộ Giao thông vận tải. Về thời gian thực hiện, theo Ban Quản lý dự án 7, chủ đầu tư sẽ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2023.

Sắp sửa khởi công, dự án Vành đai 3 – TP.HCM sẽ có hình hài ra sao?

Dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM đi qua 4 tỉnh TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An với tổng chiều dài 76,34 km, kinh phí thực hiện lên tới 75.300 tỉ đồng. Dự án sẽ khởi công trong tháng 6 này trong đó TP.HCM sẽ là địa phương khởi công sớm nhất vào ngày 18/6. Đoạn tuyến qua TP.HCM của tuyến vành đai dài 47km, đi qua địa bàn các địa phương TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Đến nay đã có tổng cộng 335 ha/410 ha đất cần thu hồi phục vụ thi công dự án vành đai 3 đã được 4 địa phương thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư (đạt tỉ lệ 81.5%). Tỉ lệ này đã cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 70%.

Giai đoạn 1, dự án vành đai 3 TP.HCM được xây dựng 6 nút giao lớn, 4 vị trí kết nối ra, vào đường cao tốc. Trong đó, các nút giao Bến Lức - Long Thành; Tân Vạn; Bình Chuẩn; Tỉnh lộ 10 được xây mới. Nút cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 2 nút bổ sung hạng mục.

Quảng Trị ưu tiên đầu tư 267 dự án

Theo tờ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đến năm 2030 phát triển tỉnh Quảng trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước. Đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; một trong những trung tâm năng lượng sạch của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước;…

Không gian phát triển toàn tỉnh Quảng Trị sẽ được tổ chức thành bốn hành lang phù hợp với điều kiện sinh thái, tiềm năng phát triển của mỗi tiểu vùng. Các vùng trọng điểm phát triển bao gồm hành lang phát triển trung tâm và Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị. Tại tỉnh Quảng Trị cũng sẽ có 3 vùng chức năng không gian biển, gồm vùng chú trọng bảo tồn, bảo vệ và phát triển kinh tế (vùng I); Vùng phát triển kinh tế (vùng II); Vùng khai thác thủy sản (vùng III).

Hà Nội “khai tử” tổ hợp công viên giải trí 3ha tại Tây Hồ

Được biết, Dự án "Tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ tại số 151, 153 phố Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội" có quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP Hà Nội vào ngày 16.6.2018, nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển dịch vụ vui chơi giải trí Hà Nội. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, lý do chấm dứt hoạt động dự án là do nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong Theo Quyết định 231 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, nhà đầu tư dự án có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư và thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Khu vực Yên Phụ (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) được đánh giá là khu vực có vị trí đắc địa bậc nhất hiện nay, nằm cạnh hồ Tây, cách không xa trung tâm Hà Nội và gần các khách sạn nổi tiếng như Sheraton, Intercontinental Hanoi Westlake. Tuy nhiên, lô đất tại 151 – 153 Yên Phụ đã bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Các địa phương đang quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư, đảm bảo sớm đưa đất vào sử dụng, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu rà soát, thống kê số lượng các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn. Qua đó phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, đồng thời chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa cập nhật, bổ sung vào quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy hoạch tỉnh để xem xét cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng lưu ý không hợp thức hóa các sai phạm trong việc phân lô, tách thửa trước đây,…

Tương tự, UBND tỉnh Bình Định vừa lên kế hoạch triển khai thực hiện một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Mục tiêu của kế hoạch này nhằm tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản đã và đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường.

  • Nóng trong tuần: Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, lãi cho vay vẫn neo cao?

    Nóng trong tuần: Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, lãi cho vay vẫn neo cao?

    Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích nguyên nhân lãi suất cho vay vẫn cao; Danh sách, vị trí cụ thể 36 khu đất đấu giá trong năm 2023 tại Đồng Nai; Đã có 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120 nghìn tỷ; Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm sâu... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.