Hình minh họa
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích nguyên nhân lãi suất cho vay vẫn cao
Đầu tiên là lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh, trong nước lạm phát năm 2022 tăng. Đặc biệt nửa cuối 2022 lạm phát có xu hướng tăng nhanh từng tháng. Chính vì vậy, điều hành không thể chủ quan với lạm phát. Bên cạnh đó, áp lực mất giá đồng Việt Nam rất lớn trong 2022, khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng USD mất giá cũng mạnh. “Thời điểm tháng 10 đồng Việt Nam mất giá 9 - 10%, nếu không có giải pháp linh hoạt và đồng bộ thì cuối năm đồng Việt Nam không chỉ mất giá có 3,5%”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Về tín dụng cho bất động sản, bà Hồng cho biết thường tăng trưởng tín dụng vào bất động sản thường cao hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhưng với những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay có đến 70% khó khăn của bất động sản là pháp lý. Cho nên giải pháp phải tập trung gỡ vướng từ pháp lý, cộng với việc các doanh nghiệp cần rà soát để điều chỉnh giá bất động sản. Từ đó kích thích tín dụng cho cả doanh nghiệp cũng như người mua nhà.
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm sâu
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại Vietcombank giảm từ 0,3-0,5% so với kỳ trước. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 4,1%/năm – bỏ xa mức trần 5%/năm; từ 6-9 tháng về mức 5,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm về 6,8%/năm. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại VietinBank cũng giảm kỳ hạn 1-3 tháng về 4.1%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng về 5,5%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm về 6,8%/năm.
Tại BIDV, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng cũng được đưa về 4,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng được về 4,6%/năm, kỳ hạn từ 6-9 tháng xuống còn 5,5%/năm và từ 12 tháng trở lên về mức 6,8%/năm. Tại Agribank, lãi suất tiền gửi cao nhất là 6,8%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi các kỳ hạn trên 12 tháng lãi suất giảm sâu về 6,6%/năm. Các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng cũng được ngân hàng giảm về mức tương đương với 3 ngân hàng nói trên.
Bình Định thúc tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa chỉ đạo triển khai một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Đối với dự án Nhà ở xã hội Pisico tại phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng chủ trì, thông báo, yêu cầu nhà đầu tư dự án thực hiện đầy đủ, kịp thời các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 130/TB-UBND ngày 24/04/2023.
Với dự án Nhà ở xã hội Hàng Hải Bình Định tại số 78 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng chủ trì, thông báo, yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo đưa dự án vào sử dụng chậm nhất trong năm 2025
Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc Khu vực 01, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn và dự án Nhà ở xã hội Long Vân tại phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng chủ trì, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.
Đối với Dự án Nhà ở xã hội tại khu đất số 1006 Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án Nhà ở xã hội theo quy định như đề xuất của Sở Xây dựng.
Hà Nội sắp có thêm dự án nhà ở xã hội gần 1.200 tỉ ở Hoàng Mai
Dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng tại số 4-6-8 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Dự án được thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng 4.516 m2 thuộc ô quy hoạch F1/HH6 theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6499 ngày 27.11.2015 để xây dựng công trình nhà ở xã hội cao tầng. Theo đó, mật độ xây dựng khối đế khoảng 66%, khối tháp khoảng 60%, tầng cao khoảng 31 tầng với quy mô dân số tối đa khoảng 1.154 người.
Dự kiến, vốn đầu tư của dự án Nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng khoảng 1.183,4 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư khoảng 256,7 tỉ đồng, chiếm 21,69% tổng vốn đầu tư, còn lại là vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác, chiếm 78,31% tổng vốn đầu tư. Dự án có tổng cộng 2.000 căn hộ, mỗi căn hộ có từ 1 đến 3 phòng ngủ, diện tích tối thiểu mỗi căn 25m2, tối đa 70m2. Dự án dự kiến hoàn thành vào quý 4.2025.
Đã có 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120 nghìn tỷ
Báo cáo trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội, ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cho biết sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này.
Đồng thời Bộ Xây dựng đã ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo,xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.
Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đã giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030. Qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120 nghìn tỷ. Các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn như Bình Định 1.832 tỷ, Phú Thọ 441 tỷ, Đà Nẵng 545 tỷ, Trà Vinh 420 tỷ, Bắc Giang 4.527 tỷ, Hải Phòng 3.892 tỷ. Thực tế, các địa phương mới triển khai được hơn một tháng và gói 120 nghìn tỷ cho cả giai đoạn và các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố nên chỉ mới có kết quả bước đầu. Trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án tham gia gói tín dụng này.
Danh sách, vị trí cụ thể 36 khu đất đấu giá trong năm 2023 tại Đồng Nai
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023 với mục tiêu từ nay đến hết năm 2023, tỉnh sẽ đấu giá quyền sử dụng 36 khu đất, diện tích hơn 77ha và giá trị ước tính khoảng 781 tỷ đồng.
Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai thực hiện đấu giá 3 khu đất, diện tích hơn 58,5ha và giá trị ước tính khoảng 639,5 tỷ đồng. UBND các huyện, thành phố tổ chức đấu giá 33 khu đất, diện tích hơn 18ha và giá trị ước tính hơn 142 tỷ đồng. Việc tính giá trị những khu đất nêu trên căn cứ theo bảng giá đất của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2024. Dự kiến, sau đấu giá, số tiền thu được từ các khu đất sẽ lớn hơn rất nhiều.
Nguồn thu từ đấu giá đất được dùng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Hầu hết các khu đất đấu giá đều nằm ở vị trị thuận lợi, tiếp giáp với các trục đường giao thông, có thể xây dựng nhà ở, phát triển thương mại, dịch vụ. Trong số này có 3 khu đất lớn với diện tích trên 58ha, giá trị khoảng 640 tỷ đồng ở huyện Cẩm Mỹ và huyện Trảng Bom.
-
Nóng trong tuần: Chi tiết kế hoạch phát triển, khu vực đầu tư 66 dự án nhà ở xã hội tại Đồng Nai
Đồng Nai công bố danh sách, vị trí 66 dự án nhà nhà ở công nhân, nhà ở xã hội; Đơn giá bồi thường cho Vành đai 3 qua Bình Dương lên tới 42 triệu đồng/m2; Hơn 3.100 căn hộ và 120 biệt thự tại Khu Đông TP.HCM đủ điều kiện mở bán; Lâm Đồng “cởi trói” cho việc tách thửa đất... là những thông tin nóng trong tuần qua.