CafeLand - Nhà đầu tư nhỏ “sấp mặt” vì Covid; Tháo chạy ồ ạt khỏi khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng; TP.HCM tăng cường kiểm soát Covid-19 đối với chung cư; 24.400 tỉ đồng đầu tư hạ tầng kết nối TP.HCM với Long An... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Ảnh: Nguyễn Văn

Tháo chạy ồ ạt khỏi khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng

Nhiều khu phố vốn sầm uất, nhộp nhịp cả ngày lẫn đêm tại khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) nay xơ xác, đìu hiu do ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid - 19. Tình hình kinh doanh ế ẩm, nhiều chủ kinh doanh phải đồng loạt trao trả mặt bằng.

Khu phố Hàn Quốc là một trong những địa điểm nổi tiếng tại Phú Mỹ Hưng. Những tuyến phố ở đây tập trung dày đặc các cửa hàng ăn uống, làm đẹp, thời trang… phục vụ cho nhu cầu của cộng động người Hàn, cũng như người dân và du khách khi đến Phú Mỹ Hưng.

Khách sạn 5 sao những đêm “khát” ánh đèn

Sheraton, Caravelle hay New World những khách sạn 5 sao đình đám nhất trung tâm TP.HCM đang phải trải qua chuỗi ngày có lẽ chưa từng có trong lịch sử do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Khách sạn là một trong những phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề và dễ thấy nhất dưới tác động của Covid-19. Ngay tại trung tâm TP.HCM, trong khi loại hình khách sạn vừa và nhỏ đang xuất hiện làn sóng bán tháo do kinh doanh ế ấm, gánh nặng mặt bằng thì những ông lớn 5 sao cũng đang phải gồng mình trải qua những ngày buồn hiu hắt.

Nhà đầu tư nhỏ “sấp mặt” vì Covid

Thu nhập từ công việc chính bị giảm sút, những ảnh hưởng không lường trước được từ đại dịch Covid-19 đang đẩy nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vào cảnh dở khóc dở cười. Chị Như Mai - nhân viên của một công ty truyền thông tại quận 3, TP.HCM - cũng đành chấp nhận bán tháo căn hộ chung cư mình mua tại quận 7 từ cuối năm 2018.

Giá mua tại thời điểm đó đã là 2,1 tỉ đồng. Chị Mai có vay ngân hàng hơn phân nửa, lên kế hoạch chờ đến khi bàn giao nhà sẽ bán chốt lời. Nhưng sau hơn một năm rưỡi chờ đợi, chị Mai đành rao bán vì không đủ khả năng để đóng tiếp theo tiến độ khi thu nhập sụt giảm hơn 30% do ảnh hưởng dịch bệnh.

TP. HCM tăng cường kiểm soát Covid-19 đối với chung cư

Theo Trung tâm báo chí TP.HCM, Sở Du lịch thành phố vừa có công văn đề nghị chính quyền các quận huyện phối hợp giám sát đối với khách lưu trú tại các khu chung cư, căn hộ cho thuê, các cơ sở lưu trú kinh doanh.

Theo đánh giá, các loại hình này là nhóm có nguy cơ dễ lây dịch bệnh ra cộng đồng nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ để ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch Covid-19. Tuy nhiên hành lang pháp lý điều chỉnh loại hình kinh doanh lưu trú này vẫn chưa được ban hành.

24.400 tỉ đồng đầu tư hạ tầng kết nối TP.HCM với Long An

Tuyến đường Nguyễn Văn Bứa (Hóc Môn) - ĐT824 (Đức Hòa), Quốc lộ 50 qua Bình Chánh - Cần Giuộc hay đường Long Hậu (Nhà Bè) - ĐT826E (Cần Giuộc)… là 3 trong số 7 dự án hạ tầng giao thông cửa ngõ TP.HCM – Long An sẽ được đầu tư, mở rộng trong thời gian sắp tới.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đang phối hợp với Sở GTVT Long An rà soát, lập thủ tục đầu tư, mở rộng 7 dự án giao thông kết nối giữa hai khu vực có tổng vốn đầu tư 24.400 tỉ đồng.

Cụ thể, các dự án gồm: Nguyễn Văn Bứa (Hóc Môn) - ĐT824 (Đức Hòa), tổng vốn 2.800 tỷ đồng. Quốc lộ 50 qua Bình Chánh - Cần Giuộc, tổng vốn gần 1.500 tỉ đồng. Đường Lê Văn Lương (Nhà Bè) - ĐT826C (Cần Giuộc), vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng. Đường Long Hậu (Nhà Bè) - ĐT826E (Cần Giuộc) 5.100 tỉ đồng.

Cây cầu “bò” 20 năm vẫn chưa đến đích ở Sài Gòn

Dự án cầu Long Kiểng (Nhà Bè, TP.HCM) được phê duyệt xây dựng từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang. Tiến độ ì ạch của dự án không chỉ ảnh hưởng giao thông mà khiến cuộc sống của nhiều hộ dân gặp khó khăn.

Nằm trên tuyến đường Lê Văn Lương, dự án xây dựng cầu Long Kiểng là một trong những hạ tầng trọng điểm của TP.HCM. Cây cầu này không chỉ kết nối hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức của huyện Nhà Bè mà còn góp phần cải thiện tình hình giao thông kết nối giữa TP.HCM với Long An.

Có nên cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch?

Bán bất động sản cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một hình thức xuất khẩu bất động sản tại chỗ. Vì vậy, nới lỏng thêm chính sách cho phép những đối tượng này mua bán và sở hữu bất động sản du lịch là việc nên làm.

Quan điểm trên được tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam đưa ra sau khi Bộ Xây dựng đề xuất và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam. Khẳng định việc thu hút thêm dòng vốn ngoại vào bất động sản du lịch Việt Nam là cần thiết, song ông Khương chỉ ra ba điểm then chốt để đảm bảo việc hiện thực hóa chủ trương này của Nhà nước trong việc khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào bất động sản du lịch.

  • Nóng trong tuần: Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo, đánh tráo sổ đỏ

    Nóng trong tuần: Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo, đánh tráo sổ đỏ

    CafeLand - Chuyên gia lo “thành phố ma” xuất hiện khi phát triển đô thị vùng ven; Mất tiền tỷ vì sập bẫy sổ đỏ thật - sổ đỏ giả: Những chiêu trò tinh vi đến khó ngờ; Ế ẩm mặt bằng kinh doanh ở khu “phố nhà giàu”; TP.HCM điều chỉnh quy hoạch khu tái định cư cho dân Thủ Thiêm... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.