Sản lượng tiêu thụ lên cao nhất 2 năm
Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG), trong tháng 4 vừa qua, doanh nghiệp sản xuất được 738.000 tấn thép thô, giảm nhẹ so với tháng trước.
Sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép đạt 805.000 tấn, tăng 16% so với tháng 3/2024 và tăng 76% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là sản lượng bán hàng cao nhất của nhà sản xuất này kể từ tháng 3/2022.
Đáng chú ý, bán hàng thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát trong giai đoạn này đạt 471.000 tấn, tăng 24% so với tháng trước.
Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, sản lượng bán hàng thép xây dựng tăng đáng kể so với tháng sau Tết Nguyên đán nhờ nhu cầu xây dựng dân dụng và dự án đầu tư công có tín hiệu tăng trở lại. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho ở các đại lý, nhà phân phối đã xuống thấp trong tháng 4/2024, thúc đẩy các đơn vị phân phối thép nhập thêm hàng phục vụ thị trường.
Thị trường xây dựng phục hồi đã giúp tiêu thụ thép xây dựng của doanh nghiệp này tăng ở cả 3 miền, trong đó miền Bắc ghi nhận tăng 73%, miền Trung tăng 37% so với tháng trước.
Trong tháng 4, bán hàng thép cán nóng HRC đạt 252.000 tấn, giảm 4% so với tháng 3 vừa qua. Ngoài ra, nhà sản xuất này đã cung cấp nhiều sản phẩm hạ nguồn HRC, bao gồm 70.000 tấn ống thép và 48.000 tấn tôn mạ các loại ra thị trường trong và ngoài nước.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường 2,65 triệu tấn thép xây dựng, phôi thép, thép cuộn chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo (rút dây, làm đinh ốc vít, tanh lốp ô tô, thép dự ứng lực…). Riêng kênh xuất khẩu đóng góp 952.000 tấn trong giai đoạn này.
Doanh nghiệp này cho rằng xuất khẩu hỗ trợ cho việc tiêu thụ sản phẩm trong thời điểm thị trường trong nước chưa thực sự khởi sắc, đồng thời đa dạng hóa kênh bán hàng.
Ngoài các mặt hàng thép xây dựng và thép chất lượng cao, Hòa Phát còn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 201.000 tấn ống thép, giảm 4% so với cùng kỳ. Tôn mạ các loại sau 4 tháng đạt 146.000 tấn.
Sản lượng tiêu thụ của Hoà Phát lên cao nhất hai năm. Nguồn: HPG
Hiện tại, doanh nghiệp này đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương với công suất đạt 8,5 triệu tấn/năm, dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép của cả nước với lần lượt là 37% và 25%.
Bên cạnh các nhà máy đang hoạt động, lãnh đạo Hòa Phát cho biết đang đẩy mạnh tiến độ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với quy mô 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.
Được biết, dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 18/6/2021 với tổng diện tích 279 ha, tổng vốn đầu tư hoảng 85.000 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tính đến thời điểm tháng 4/2024, dự án này đã đạt trên 50% toàn bộ các hạng mục chính. Hạng mục nhà máy luyện gang, nhà máy luyện thép, nhà máy cán thép HRC đã thành hình, hoàn thành khoảng 50-70% về kết cấu.
Vay nợ lên cao kỷ lục
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, tổng tài sản của Hòa Phát tính đến ngày 31/3 là 201.940 tỉ đồng, tăng thêm 14.000 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm nay.
Trong đó, tài sản cố định chiếm tỉ trọng hơn 35%, tương ứng với giá trị 71.000 tỉ đồng và là khoản mục lớn nhất. Hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang là những khoản mục chiếm tỉ trọng lớn thứ 2 và thứ 3 trong cơ cấu tài sản của nhà sản xuất thép này.
So với ngày đầu năm 2024, hàng tồn kho tăng mạnh 24%, lên 42.700 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí xây dựng cơ bản tăng thêm 4.000 tỉ đồng lên hơn 30.000 tỉ đồng, chủ yếu do doanh nghiệp này đầu tư mở rộng dự án Dung Quất giai đoạn 2.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2
Tính đến tháng 3/2024, Hòa Phát có đến hơn 22.000 tỉ tiền gửi ngân hàng (ngắn hạn), không thay đổi nhiều so với đầu năm. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có gần 6.500 tỉ tiền mặt và 6.000 tỉ tương đương tiền.
Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp này tăng thêm hơn 11.000 tỉ đồng, lên mức 96.315 tỉ đồng. Tổng giá trị nợ vay là hơn 77.500 tỉ đồng, tăng hơn 12.000 tỉ đồng so với đầu năm và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Trong đó, vay ngắn hạn là 64.500 tỉ đồng, chiếm 83% tổng nợ vay và còn lại là hơn 16.000 tỉ đồng vay dài hạn. Nợ vay lớn khiến nhà sản xuất này phải gánh chi phí lãi vay rất lớn lên đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỉ đồng mỗi quý.
Quý 1/2024, Hòa Phát chịu chi phí lãi vay 636 tỉ đồng, giảm 354 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này phải trả hơn 7 tỉ đồng tiền lãi vay.
Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, dư nợ vay tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2023 do hoạt động mua sắm vật tư và giải ngân cho dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2. Cụ thể, doanh nghiệp này đã rót thêm vào dự án Dung Quất 2 gần 4.250 tỉ đồng, qua đó nâng tổng vốn đầu tư lũy kế đã giải ngân đến cuối quý 1/2024 lên 26.800 tỉ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 1/2024, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 31.092 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 2.869 tỉ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ năm trước.
-
Chuyện chưa từng có trong lịch sử đang xảy ra tại nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam
Tại thời điểm cuối quý 1/2024, nợ phải trả của Tập đoàn Hòa Phát hơn 96.000 tỉ đồng, trong đó nợ đi vay là 77.000 tỉ đồng, cao nhất lịch sử. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này phải trả hơn 7 tỉ đồng tiền lãi vay.
-
2 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 575.000 tấn thép xây dựng và thép chất lượng cao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
-
Các đơn hàng thép cuộn cán nóng HRC đặt trước của Hòa Phát trong quý 4/2023 đạt 100% công suất toàn hệ thống sau khi nhà sản xuất này đóng cửa 1 lò cao ở Hải Dương.
-
Thị trường kim loại quý phục hồi nhờ đâu?
Theo MXV, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến tích cực với sự phục hồi của bạc và bạch kim, một phần là nhờ lực mua kỹ thuật của giới đầu cơ.
-
Nguồn vật liệu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện ra sao?
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu cố gắng tối đa sử dụng cát biển tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Những vị trí cấp thiết, không dùng được cát biển thì mới sử dụng cát sông....
-
UBND tỉnh Bình Định vừa có chỉ đạo quan trọng về việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các mỏ đá làm vật liệu trên địa bàn tỉnh.