20/12/2023 11:38 AM
Với kết quả thí điểm thi công cát biển tại cao tốc Hậu Giang - Cà Mau được công bố, các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp mong muốn sớm đưa loại vật liệu này vào thi công để giải quyết khó khăn về nguồn cát hiện nay.

Cát biển đảm bảo yêu cầu kinh tế, kỹ thuật, môi trường

Ngày 19/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức hội thảo khoa học công nghệ đánh giá kết quả thực hiện thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho công trình xây dựng.

Hội thảo khoa học công nghệ đánh giá kết quả thực hiện thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng ngày 19/12

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thành, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho biết, công tác thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đã đạt được một số kết quả tương đối khả quan về việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, môi trường.

Trong đó, cát biển có thể được sử dụng lu lèn đạt độ chặt K95 theo yêu cầu với lu thông thường; kết cấu quan trắc độ lún, biến dạng qua thời gian qua bước đầu cho thấy nền đường ổn định.

Báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho biết, vị trí thi công thí điểm thi công cát biển tại đường hoàn trả ĐT978 (giao với cao tốc Hậu Giang - Cà Mau tại vị trí km 79+820) đã có kết quả kiểm tra chất lượng đáp ứng yêu cầu đối với đường cao tốc.

Việc sử dụng cát biển không ảnh hưởng đến các giá trị quan trắc, không tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

Cát biển khai thác tại mỏ Trà Vinh có các chỉ tiêu cơ lý đáp ứng các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền theo quy định của Tiêu chuẩn TCVN 9436:2012 "Nền đường ô tô - Thi công và nghiệm thu"; công tác thi công đầm nén được thực hiện tương tự cát sông và đạt yêu cầu về độ chặt.

Theo ông Thành, với những kết quả thí điểm được ghi nhận, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT dự kiến báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng cát biển trong giai đoạn trước mắt ở những nơi mặt bằng đã nhiễm mặn.

Phạm vi đắp nền đường giai đoạn đầu nên hạn chế, có thể chỉ dùng cát biển đắp bù cho phần cào bóc hữu cơ, đắp nền đường với chiều cao nhất định, không đắp hết bằng cát biển mà vẫn kết hợp với cát sông.

Ngoài ra, ông Thành cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu việc dùng vải địa kỹ thuật, màng chống thấm hạn chế sự thẩm thấu mặn của cát biển ra môi trường xung quanh.

Còn theo ông Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), vấn đề đặt ra hiện nay là chưa rõ cơ sở để có thể ứng dụng cát biển hoàn toàn.

“Có thể áp dụng theo hướng kết hợp giữa cát biển trộn với cát thông thường theo một tỷ lệ nhất định, đảm bảo về kỹ thuật và an toàn cho môi trường. Đây cũng sẽ là biện pháp có thể giải quyết được những nhược điểm của cát biển”, ông Lê Trung Thành chia sẻ.

Giá cát biển thấp hơn 23% so với cát sông

Liên quan đến công tác xây dựng định mức trong ứng dụng thi công cát biển, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, căn cứ theo hướng dẫn của Thông tư 13/2021 của Bộ Xây dựng, công tác xây dựng định mức mới liên quan đến công tác khai thác, vận chuyển và thi công thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường làm căn cứ xây dựng đơn giá, xác định dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình đã được thực hiện.

Nhiều tín hiệu tích cực trong thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền cao tốc

Đến nay Ban QLDA Mỹ Thuận đã có văn bản trình Bộ Xây dựng, xin hướng dẫn và góp ý về định mức.

Cụ thể, 28 định mức đã được xây dựng. Trong đó, 11 mã định mức được xây dựng mới, gồm: 1 mã khai thác; 7 mã vận chuyển trên sông và trên biển; 3 mã thi công bơm và đắp cát biển.

Ngoài ra, 17 mã được rà soát, áp dụng theo Thông tư 12/2021 của Bộ Xây dựng, gồm: 12 mã vận chuyển bằng ô tô tự đổ; 5 mã bơm cát biển lên bãi tập kết.

"Trên cơ sở kết quả định mức sơ bộ cho dự án thí điểm, giá cát biển đến chân công trình khoảng 245.000 đồng/m3 (đã gồm VAT), thấp hơn 23% so với giá công bố ở địa phương tại thời điểm tháng 12/2022 (tỉnh Bạc Liêu: 320.000 đồng/m3).

Trong đó, chi phí khai thác và vận chuyển cát biển khoảng 132.000 đồng/m3 (chiếm 54%, đảm bảo hiệu quả kinh tế, còn lại là giá mua cát tại mỏ", Viện Chiến lược và phát triển GTVT thông tin.

Thời gian qua, thiếu cát đang là vấn đề “đau đầu” của nhiều dự án xây dựng cao tốc trong cả nước. Không ít dự án đã phải dừng thi công do không có đủ nguồn cát để tiếp tục triển khai.

Trong năm 2023, Bộ GTVT và các địa phương khởi công hai dự án cao tốc lớn là cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (nhu cầu cá 18,5 triệu m3) và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (nhu cầu cát hơn 20 triệu m3).

Tổng nhu cầu cát khoảng 40 triệu m3 phân bổ chủ yếu trong năm 2023, 2024 và một phần vào năm 2025.

Trước đó, tại phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 3 tỉnh khu vực ĐBSCL ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho dự án.

Cụ thể, tỉnh An Giang được giao bố trí 7 triệu m3, hiện đã xác định được nguồn vật liệu có thể cấp 7,3 triệu m3. Tỉnh Vĩnh Long được giao bố trí 5 triệu m3, đến nay đã xác định được nguồn 2,86 triệu m3, còn thiếu 2,14 triệu m3. Tỉnh Đồng Tháp được giao 7 triệu m3, hiện đã xác định nguồn vật liệu với khoảng 7,2 triệu m3.

Theo tính toán, để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án vào cuối năm 2025, việc cung ứng toàn bộ hơn 18 triệu m3 cát đắp cho hai dự án thành phần dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau phải hoàn thành trước ngày 30/6/2024 để chuyển sang giai đoạn chờ lún (thời gian chờ lún từ 12 - 15 tháng).

Đồng thời, các địa phương rà soát để có phương án nâng công suất khai thác các mỏ, đảm bảo hoàn thành việc cung ứng toàn bộ khối lượng đã được Thủ tướng Chính phủ giao trước ngày 30/6/2024.

Tham khảo: Giá VLXD mới nhất 2024

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.