Dù tình hình tiêu thụ ảm đạm nhưng thị trường vật liệu xây dựng với hàng trăm sản phẩm từ sắt thép, xi măng cho đến các loại vật liệu hoàn thiện vẫn chịu nhiều áp lực tăng giá trong năm 2023.

Giá vật liệu “nhảy múa”

2023 là năm chứng kiến diễn biến tăng giá mạnh của các loại vật liệu, nhất là cát xây dựng. Bình quân mỗi tháng, giá mặt hàng này tăng 1,5% do thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu xây dựng tăng cao.

Trước tình trạng thiếu nguồn cung, giá cát xây dựng cao đột biến, ngay từ đầu năm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình trạng thiếu cát, vật liệu san lấp và đề xuất các giải pháp cụ thể.

Tình hình biến động giá vật liệu trong năm nay đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư xây dựng

Bộ Xây dựng cho biết, tình hình biến động giá vật liệu trong năm nay đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư xây dựng. Ghi nhận thực tế cho thấy một số loại vật liệu liên tục tăng giá, trong đó, biến động mạnh nhất là mặt hàng thép xây dựng, có thời điểm giá thép lên đến gần 16 triệu đồng/tấn.

Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này trải qua gần 30 lần điều chỉnh. Hiện giá thép xây dựng trong nước đang dừng ở mức 14 triệu đồng/tấn, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Trong khi đó, giá xi măng cơ bản giữ ổn định sau các đợt tăng giá liên tiếp trong năm 2022.

Bộ Xây dựng cho biết, giá xi măng tại các tỉnh khu vực phía Nam có xu hướng cao hơn các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Trung bởi ít nhà máy sản xuất và do chi phí vận chuyển.

Theo các chuyên gia, chi phí vật liệu thường chiếm khoảng 60% chi phí xây dựng. Do đó, khi giá vật liệu xây dựng tăng, giá bất động sản đương nhiên sẽ tăng theo.

Mặt khác, việc các loại vật liệu biến động giá cũng sẽ làm gián đoạn tiến độ của các công trình vì đội vốn, khi đó chủ đầu tư và nhà thầu phải tính lại bài toán xây dựng nếu tiếp tục triển khai dự án.

Tham khảo: Giá VLXD mới nhất 2024

Gặp khó từ sản xuất tới tiêu thụ

Bộ Xây dựng cho biết, ngành sản xuất vật liệu xây dựng hàng năm đang đóng góp khoảng 6,5-7% GDP cả nước, đóng vai trò quan trọng đối với phát triển chung của ngành xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Sản xuất và tiêu thụ nhiều loại vật liệu xây dựng giảm sâu

Nhưng trong thời gian qua, thị trường bất động sản giảm sâu, giải ngân đầu tư công chậm, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm nên ngành sản xuất vật liệu xây dựng tắc đầu ra, tiêu thụ vật liệu xây dựng gặp khó cả trong và ngoài nước.

Sản xuất và tiêu thụ nhiều loại vật liệu xây dựng giảm sâu, hàng tồn kho ngày càng tăng cao.

Đối với mặt hàng xi măng, Bộ Xây dựng ghi nhận sản lượng sản xuất năm 2023 dự kiến đạt 89,4 triệu tấn, giảm 5,45% so với năm 2022; lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu tấn, giảm 6%. Trong đó, tiêu thụ nội địa ở mức 57 triệu tấn, giảm khoảng 10%; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker khoảng 32,6 triệu tấn với giá trị xuất khẩu ước đạt 1,23 tỷ USD.

Hiện có 8 dây chuyền sản xuất xi măng phải ngừng hoạt động trên cả nước.

Đối với gạch ốp lát, sản lượng sản xuất trong năm 2023 đạt khoảng 386 triệu m2, giảm 15%; sản lượng tiêu thụ ở mức 291 triệu m2, giảm 25% so với năm trước.

Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm 25%; tiêu thụ mặt hàng này đạt khoảng 11 triệu sản phẩm.

Với mặt hàng kính xây dựng, sản lượng sản xuất đạt khoảng 211 triệu m2, giảm 2% so với năm 2022; tiêu thụ năm 2023 khoảng 168 triệu m2.

Một số vật liệu khác có sản lượng sản xuất giảm như sản lượng sản xuất và tiêu thụ vôi đạt 2,5 triệu tấn, giảm 2,5%; đá ốp lát đạt khoảng 12 triệu m2; tấm lợp fibro xi măng đạt khoảng 24 triệu m2, giảm khoảng 8% so với năm 2022.

Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng vật liệu sụt giảm do thị trường bất động sản

Bộ Xây dựng lý giải, trong năm 2023, nhiều dự án, công trình chậm triển khai, giãn tiến độ, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hết sức khó khăn, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho tăng cao, phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất.

Theo đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đều không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2022, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận bị giảm sâu, khối sản xuất, kinh doanh vật liệu bị thua lỗ.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu.

Nghiên cứu rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý việc đầu tư phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực. Đồng thời, rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước.

Đồng thời, tăng cường rà soát, quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã ban hành theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.