Không có hợp đồng xây dựng mới và giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với việc khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng trong quý 4.2023.

Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý 4.2023 và dự báo quý 2.2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng giai đoạn cuối năm đã khả quan hơn so với quý 3.2023.

Trong đó, 27,4% doanh nghiệp nhận định hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn; 39,4% doanh nghiệp nhận định hoạt động này đã giữ ổn định và 33,2% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn.

Dự báo trong quý 1.2024 so với quý 4 năm nay, số lượng doanh nghiệp xây dựng tin rằng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên là 20,2% doanh nghiệp. Ngược lại, có tới 38,9% doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh sẽ khó khăn trong trong quý đầu năm 2024 và khoảng 40,9% nhận định giữ ổn định.

Không có hợp đồng xây dựng mới và giá nguyên vật liệu tăng cao ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp xây dựng trong năm 2023

Vướng mắc của doanh nghiệp xây dựng

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xây dựng, trong quý 4 vừa qua, 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh là không có hợp đồng xây dựng mới và giá nguyên vật liệu tăng cao.

Trong đó, có 49,1% doanh nghiệp nhận định không có hợp đồng xây dựng mới là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4, dự báo quý 1.2024 tỷ lệ này tăng lên với 49,4%.

Tương tự, có 47,7% doanh nghiệp cho rằng giá nguyên vật liệu tăng cao là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh quý 4, dự báo quý 1.2024 tỷ lệ này giảm còn 46,7%.

Hơn 70% doanh nghiệp xây dựng không tiếp cận được cái gói vay ưu đãi. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cũng liên quan đến vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp xây dựng, theo Tổng cục Thống kê, trong quý 4.2023 có 75% doanh nghiệp thực hiện vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Theo nguồn vay, có tới 77% doanh nghiệp vay vốn qua ngân hàng; 12% doanh nghiệp vay qua người thân, bạn bè; 6,7% doanh nghiệp vay tổ chức tín dụng khác; 2,8% doanh nghiệp vay nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức và 1,5% doanh nghiệp vay từ các nguồn khác.

Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp có vay vốn ngân hàng, chỉ có 28,4% doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay ưu đãi, trong khi có tới 71,6% doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi này.

Nhận định về tình hình vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có 18,8% doanh nghiệp nhận định tình hình vay vốn quý 4.2023 thuận lợi hơn quý 3 trước đó; 56,2% doanh nghiệp nhận định không thay đổi và 25% doanh nghiệp nhận định tình hình vay vốn khó khăn hơn.

Dự báo quý 1.2024, có 17,3% doanh nghiệp kỳ vọng tình hình vay vốn sẽ thuận lợi hơn; 58,5% doanh nghiệp nhận định không thay đổi và 24,2% doanh nghiệp cho rằng tình hình vay vốn sẽ khó khăn hơn.

Tham khảo: Bảng giá VLXD mới nhất 2024

Loạt kiến nghị của doanh nghiệp

Trước các bất cập, khó khăn trên, các doanh nghiệp xây dựng đề xuất một số nhóm kiến nghị như được hỗ trợ về nguyên vật liệu cho sản xuất. Số kiến nghị nội dung này chiếm tỷ lệ cao nhất, với 46,6% doanh nghiệp.

Theo sau có 46% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh, bao gồm được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; 40,2% doanh nghiệp đề nghị thông tin đấu thầu cần công khai, minh bạch và 34,2% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính.

Một số kiến nghị của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng

Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết với tỷ lệ 28,2%. Còn có 26,4% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương giảm bớt những thủ tục và điều kiện nhận thầu để doanh nghiệp được tiếp cận các dự án mới, nhất là dự án đầu tư công đang được đẩy mạnh trong thời gian này. Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện để những doanh nghiệp chưa từng nhận thầu có thể trúng thầu chứ không chỉ giao thầu theo lối mòn cho một số ít các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị phải đẩy nhanh hơn nữa quy trình bổ sung vốn cho dự án đầu tư công để doanh nghiệp có nguồn lực thực hiện dự án đầu tư công đúng tiến độ.

Với nội dung đơn giá xây dựng, doanh nghiệp, nhà thầu kiến nghị cần có chính sách điều chỉnh đơn giá xây dựng so với thời điểm nhận thầu để doanh nghiệp không phải bù lỗ do trượt giá nguyên vật liệu, giá nhân công.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.