Khối lượng đầu tư bất động sản tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) trong quý III đã giảm so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô khác nhau.

Theo một báo cáo của công ty dịch vụ bất động sản JLL được công bố ngày 18/10, khối lượng đầu tư bất động sản ở khu vực APAC trong quý III đã giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 28 tỷ USD.

Có nhiều lý do dẫn tới điều này, bao gồm sự sụt giảm lượng giao dịch trên các thị trường lớn, đồng tiền nội địa của nhiều quốc gia châu Á mất giá so với đồng USD, chi phí vay nợ tăng lên khi Mỹ thắt chặt lãi suất, áp lực từ lạm phát và nguy cơ suy thoái hiện hữu,…

Bất chấp những thách thức, Stuart Crow, Giám đốc điều hành thị trường vốn khu vực APAC của JLL, nhận thấy rằng các nhà đầu tư vẫn giữ thái độ “tích cực” trong lĩnh vực bất động sản, đồng thời duy trì các kế hoạch trung và dài hạn để tiếp tục mở rộng sự hiện diện của họ trong khu vực.

Tổng khối lượng đầu tư giảm trong quý này chủ yếu do sự sụt giảm ở ba thị trường lớn là Nhật Bản, Trung Quốc và Hong Kong, với mức giảm tương ứng 61%, 55% và 75%.

Tại Nhật Bản, hoạt động đầu tư bất động sản vốn đã suy yếu trên hầu hết phân khúc, lại càng trở nên trầm trọng hơn do đồng yên mất giá. Trong khi đó, Trung Quốc đã phải đối mặt với cơn khủng hoảng bất động sản trong suốt năm qua khi nhiều nhà phát triển vỡ nợ, đi kèm với chính sách Zero-Covid ảnh hưởng tới tâm lý người mua và nhà đầu tư. Thị trường Hong Kong trong quý II cũng chứng kiến ​​ít giao dịch trong và dần cảm thấy tác động từ những yếu tố bên ngoài.

Các chuyên gia của JLL cho rằng mức sụt giảm giao dịch hàng năm 8% so với cùng kỳ năm ngoái của Hàn Quốc là “khiêm tốn”, đồng thời nhấn mạnh Hàn Quốc vẫn là một trong những thị trường “linh hoạt nhất” khu vực APAC trong quý III.

Trái với những thị trường trên, hoạt động đầu tư bất động sản diễn ra mạnh mẽ ở Singapore, với khối lượng giao dịch phân khúc văn phòng cho thuê tăng 116% so với mức thấp trong giai đoạn quý III/2021. Hoạt động đầu tư ở Úc cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ một số giao dịch văn phòng cao cấp ở Sydney và Melbourne.

Xét theo phân khúc, các giao dịch văn phòng cũng như logistics & công nghiệp lần lượt giảm 33% và 52%. JLL cho biết, không gian văn phòng bị ảnh hưởng bởi khối lượng giao dịch chậm lại ở Nhật Bản và Trung Quốc, do tâm lý dịu bớt trong bối cảnh chênh lệch giá giữa người mua và người bán ngày càng gia tăng. Trong khi đó, thị trường logistics & công nghiệp cũng nằm trong số những phân khúc bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất và chi phí nợ tăng.

JLL lưu ý rằng đầu tư bán lẻ vẫn “im tiếng”, với mức giảm 13% do tâm lý người tiêu dùng giảm sút và triển vọng chi tiêu yếu đi, dẫn đến sự quan tâm của nhà đầu tư ít hơn.

Phân khúc khách sạn là nơi hoạt động ổn định nhất khu vực APAC trong quý này, đạt 8,4 tỷ USD khối lượng giao dịch trong năm tính đến thời điểm hiện tại nhờ sự phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch, qua đó tiếp tục thu hút các nhà đầu tư toàn cầu và khu vực vào loại tài sản này.

Pamela Ambler, chuyên gia bất động sản khu vực APAC của JLL, cho biết khối lượng giao dịch bất động sản tổng thể ở khu vực APAC giảm trong quý III là “không có gì đáng ngạc nhiên” khi xét về cơ sở giao dịch cao vào năm 2021 kết hợp với các yếu tố kinh tế, chính sách và địa chính trị.

Ambler nhận xét: “Các nhà đầu tư đang xử lý những chiến lược triển khai vốn một cách tương đối dễ hiểu. Chúng ta có thể sẽ thấy một số quyết định chậm trễ trong quý IV trong khi chờ đợi sự rõ ràng hơn của thị trường về tình trạng của nền kinh tế toàn cầu. Trước mắt, chúng tôi kỳ vọng mức định giá sẽ tăng lên”.

Anh Nguyễn (The Business Times)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.