07/12/2020 5:07 PM
CafeLand - Sau khi Nghị định 126/2020 chính thức có hiệu thực từ ngày 5/12, Grab, Gojek, Beamin lập tức tăng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe chuyến xe của tài xế.  Các công ty này chính thức được xem là đơn vị vận tải như taxi truyền thống và áp dụng việc thu thuế VAT 10%. Các công ty công nghệ này sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay cho các tài xế.

Để thực hiện tốt nghĩa vụ thuế theo nghị định này, Grab đã công bố tăng thuế toàn bộ tài xế của mình với tất cả các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood và giao hàng siêu tốc.

Kể từ 11h ngày 5/12, thuế VAT 10% sẽ được khấu trừ chung với phí Sử Dụng Ứng Dụng (SDUD) của mỗi chuyến xe.

Cụ thể, Grab sẽ tăng giá các dịch vụ GrabCar tại Hà Nội thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). Tương tự, GrabCar 7 chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu và từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Tại TP.HCM, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Giá cước GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cũng tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.

Giá cước của dịch vụ GrabFood tăng thêm 3.000 đồng,từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/3km đầu và giữ nguyên mức giá 5.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Giá cước của dịch vụ GrabFood tăng thêm 3000 đồng,từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/3km đầu và giữ nguyên mức giá 5.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Như vậy, trước quy định của cơ quan thuế hàng trăm nghìn người tiêu dùng đang sử dụng dịch vụ này bổng dưng phải đóng thêm tiền. Tài xế lo lắng vì mất khách và người tiêu dùng, các nhà kinh doanh cũng hoang mang vì tính pháp lý của nó hiện vẫn chưa rõ ràng.

Đứng trên quan điểm của ngành Thuế, Bà Tạ Thị Phương Lan, phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế cho biết “Grab, Bee, Gojek là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải cung cấp giải pháp công nghệ. Nghị định 126 đã hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ, đúng với bản chất phát sinh kinh tế cũng như thông lệ quốc tế.”

Nên xem Grab, Gojek … như một đơn vị vận tải?

Việc thay đổi mức thuế đóng của các công ty này xuất phát từ nhận định “xem Grab, Gojek, Bee là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ” của ngành thuế. Nhưng liệu điều này có quá vội vàng và vẫn còn những điều chưa thật thỏa đáng.

Luật sư Đàm Đàm Bảo Hoàng – trưởng văn phòng luật sư Đàm Bảo Hoàng cho biết “Hiện vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định các công ty Grab, Gojek như một đơn vị vận tải như taxi truyền thống. Trước mắt, nó chỉ được xem như một dịch vụ cung cấp gọi xe, một nền tảng cung cấp dịch vụ công nghệ thôi. Căn cứ để cơ quan thuế xếp những doanh nghiệp này vào nhóm doanh nghiệp vẫn tải hiện vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Như vậy, nếu xem nó như một đơn vị vận tải thì cần một văn bản Luật quy định chính thức. Nghị định này có vẻ đang “đi trước một bước” và chưa hợp lý triệt để về mặt pháp lí.”

Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng các công ty như Grab, Gojek có những đặc điểm giống đơn vị vận tải, tuy nhiên, khác với các taxi truyền thống, họ không hề sở hữu “một chiếc xe” nào, thứ họ đang có là nền tảng công nghệ gọi xe và đối tác là các tài xế. Đơn thuần hơn, quá trình hợp tác kinh doanh của các công ty này với các tài xế chỉ là quá trình cung cấp một dịch vụ về gọi xe. Vì vậy, có lẽ việc coi các đơn vị này là một đơn vị vận tải thì còn có chút khiêng cưỡng.

Đánh thuế 10% liệu có hợp lý?

Thuế GTGT là thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Doanh nghiệp thu thuế VAT từ người tiêu dùng (đầu ra) sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của những hàng hóa, dịch vụ cấu thành nên hàng hóa hoặc dịch vụ đã cung cấp cho khách hàng.

Các hãng gọi xe công nghệ như Grab, Gojek, Baemin không phải là đơn vị cung cấp toàn bộ dịch vụ cuối cùng cho khách hàng. Dịch vụ các doanh nghiệp này cung cấp về bản chất là dịch vụ môi giới gọi xe. Chắc chắn các hãng này cũng không có các tài sản tương ứng để cấu thành toàn bộ dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Do đó bản thân họ cũng không thể xuất hóa đơn VAT cho những người sử dụng dịch vụ.

Trong trường hợp Grab xuất hóa đơn VAT cho khách hàng thì bản chất dịch vụ kinh doanh đã thay đổi. Họ chính là người thuê lại dịch vụ vận chuyển từ các tài xế. Tức họ xuất hóa đơn cho tài xế để có đầu vào là các sản phẩm dịch vụ. Như vậy, bản chất mối quan hệ giữa tài xế và các hãng gọi xe như Grab, Gojek sẽ hoàn toàn bị thay đổi so với hiện nay. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không bắt buộc hình thức hợp tác này phải thay đổi.

Grab cũng không thể thay mặt các tài xế để lập hóa đơn VAT 10% bởi vì các tài xế không phải là doanh nghiệp để buộc phải cung cấp hóa đơn cho khách hàng. Về bản chất tài xế đăng ký kinh doanh theo cá nhân và họ phải chịu mức thuế khoán trên doanh thu. Họ không phải nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ.

Mặt khác nếu nộp thuế VAT 10%, tài xế cũng không có căn cứ pháp lý để trừ đầu vào là mua sắm xe, xăng xe, các hàng hóa dịch vụ khác cấu thành dịch vụ vận chuyển của mình. Do đó, việc bắt buộc tài xế nộp 10% thuế GTGT là điều hoàn toàn thiếu công bằng với bản thân tài xế và không hợp lý về bản chất của thuế VAT.

Hiếu Hiền
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.