07/12/2020 4:24 PM
CafeLand - Nghị định 126/2020 đã chính thức có hiệu lực, nhưng vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi và sự lo lắng trong dư luận. Đặc biệt là quy định về việc ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin cá nhân khách hàng cho cơ quan thuế mỗi tháng.

Nghị định này có tác động rất sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế xã hội, việc cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin cá nhân người nộp thuế ảnh hưởng đến tính bảo mật thông tin cá nhân và ảnh hưởng đến tâm lý người dân, nhất là những người đang sử dụng dịch vụ thanh toán tại các ngân hàng.

Theo đó, Nghị định 126 quy định ngân hàng buộc phải cung cấp thông tin về tài khoản và mọi giao dịch của khách hàng khi có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan thuế. Nghị định có quy định về việc cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm bảo mật thông tin nhưng không quy định chi tiết “bảo mật ra sao”. Do đó, nguy cơ khi mà thông tin cấp cho cơ quan thuế bị lộ không phải là không có.

Không chỉ người dân mà phía ngân hàng cũng lo ngại về vấn đề cạnh tranh trên thị trường. Vì ngân hàng có thể mất lượng khách hàng của mình vào tay các đối thủ cạnh tranh như ví điện tử hoặc các hình thức thanh toán khác không qua ngân hàng. Hoặc khách hàng có thể chuyển sang dùng tiền mặt nhiều hơn để giảm sự lo ngại về lộ thông tin riêng tư.

Nghị định này đang vô tình đẩy ngân hàng vào thế khó khi đứng giữa việc phối hợp cung cấp thông tin cho ngành thuế và sự bảo mật thông tin của khách hàng. Nghị định khiến ngân hàng có thể dễ rơi vào những vụ kiện tụng pháp lý vì theo luật hiện hành thì thông tin về tài khoản và giao dịch của khách hàng được xem là thông tin buộc phải bảo mật.

Trao đổi với CafeLand, luật sư Đàm Bảo Hoàng – Trưởng văn phòng luật sư Đàm Bảo Hoàng cho rằng, Nghị định này có sự “vênh” nhất định với những Luật đã ban hành trước đây. Cụ thể, theo Luật tổ chức tín dụng, ngân hàng không được cung cấp thông tin cá nhân khách hàng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, trừ phi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc có sự đồng ý của khách hàng. Mà cơ quan có thẩm quyền ở đây thường là các cơ quan hành pháp và tư pháp, cục thuế lại không thuộc cơ quan có thẩm quyền này, vì thế phía ngân hàng có thể từ chối cung cấp thông tin khách hàng cho cục Thuế.

Luật dân sự quy định: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ" và điều này là không có ngoại lệ. Người dân có quyền kiện và khiếu nại với chính quyền nếu thông tin cá nhân bị lộ khi chưa có được sự cho phép của họ.

Đứng về phía Luật pháp, văn bản Luật có giá trị thi hành lớn hơn Nghị định, nên nếu giữa Nghị đinh và Luật có sự “vênh” nhau thì quy định của Luật vẫn được ưu tiên sử dụng hơn và có cơ sở pháp lý cao hơn khi xảy ra tranh chấp.

“Nghị định này cũng còn quá mơ hồ và tính thực tiễn chưa cao”, ông Hoàng đánh giá và cho rằng, Nghị định 126 quy định cục Thuế có quyền yêu cầu ngân hàng truy xuất thông tin người nộp thuế, tuy nhiên trong trường hợp nào, với những đối tượng cụ thể nào thì chưa quy định rõ.
Nghị định chỉ ghi “cục thuế sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm” nhưng trách nhiệm như thế nào, chế tài như nào thì cũng chưa được quy định rõ”, ông Hoàng cho biết.

Theo quan điểm của Luật sư Hoàng: “Một văn bản pháp luật đưa ra nhưng không nhận được sự đồng tình của người dân thì tính hiệu quả rất khó cao. Vì “tư tưởng không thông, vác bình đông cũng nặng”, việc người dân tìm cách đối phó là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Điều quan trọng nhất của một văn bản pháp luật là tạo được sự an tâm, tin tưởng, đồng thuận, phối hợp giữa các bên”

Có thể thấy, Nghị định còn khá nhiều bất cập và mơ hồ để thực hiện. Có lẽ cần một thông tư hướng dẫn chi tiết hơn từ phía bộ tài chính để chính sách này thật sự đạt được sự đồng thuận và hiệu quả.

Hiếu Hiền
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.