04/06/2019 10:02 AM
CafeLand - Dù được bàn giao nhà từ năm 2014, nhưng đến nay cư dân tại toà nhà Westa (104 Trần Phú, Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa có giấy chủ quyền nhà (sổ đỏ). Chưa hết, gần 12 tỉ đồng phí bảo trì toà nhà cũng chưa được bàn giao.

Sáng 2-6, hàng trăm hộ dân toà nhà Westa Hà Đông đã đồng loạt căng băng rôn ngay tại căn hộ để phản đối chủ đầu tư là Công ty cổ phần cơ khí xây dựng số 18 (COMA 18) phớt lờ chỉ thị của UBND TP. Hà Nội về việc yêu cầu cấp sổ đỏ và bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.

Cư dân sống tại toà nhà cho biết chung cư Westa có gần 300 căn hộ, mỗi căn có giá trị trung bình 2,5 tỉ đồng, tức số tiền phí bảo trì xấp xỉ 12 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư có dấu hiệu chây ỳ không bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị.

Họ cho biết chủ đầu tư COMA18 mới bàn giao cho cư dân 200 triệu trong số 12 tỉ đồng tiền phí bảo trì. Số tiền này quá ít để chi trả cho các chi phí sửa chữa, bởi sau 5 năm đi vào hoạt động, nhiều hạng mục toà nhà đã xuống cấp, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân.

Hàng trăm cư dân Westa đồng loạt căng băng rôn đòi chủ đầu tư trả sổ đỏ và bàn giao quỹ bảo trì.

Các cư dân đã chỉ ra một loạt các hạng mục xuống cấp và có nhiều bất cập như tầng thương mại chưa được bàn giao thành nơi để rác, hệ thống PCCC báo cháy không chính xác, các hạng mục cây xanh chưa hoàn thiện…

Cũng theo cư dân tòa nhà Westa, họ đã làm nhiều đơn kiện chủ đầu tư COMA18 về việc chậm bàn giao sổ đỏ và quỹ bảo trì. UBND TP.Hà Nội và Sở xây dựng cũng đã có chỉ thị yêu cầu COMA 18 bàn giao sổ đỏ và quỹ bảo trì cho cư dân nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa có động thái tích cực nào thực hiện điều này khiến họ bức xúc, buộc phải căng băng rôn phản đối và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ.

Trao đổi với CafeLand, luật sư Trần Đức Phương (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, đối với hàng loạt vi phạm của nhiều chủ đầu tư về quỹ bảo trì tại chung cư, hiện có nhiều quy định pháp luật liên quan như Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP (Thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì), Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 để xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, sẽ phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với chủ đầu tư không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc bàn giao ngay toàn bộ kinh phí bảo trì theo quy định.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vi phạm kéo dài đến nay là kết quả của việc xảy ra vi phạm từ thời gian trước đây khi chưa áp dụng các quy định pháp luật mới. Thậm chí, có cả những bất cập của pháp luật hiện nay (Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 139/2017/NĐ-CP).

Cư dân yêu cầu chủ đầu tư thực hiện chỉ thị của UBND TP Hà Nội.

Với quan điểm cá nhân, luật sư Phượng cho rằng, cơ chế hiện nay vẫn chưa phù hợp vì mang tính hành chính hóa (UBND tỉnh cưỡng chế thu hồi) thay vì để đưa sang cơ chế tài phán của tòa, vừa đảm bảo không can thiệp quan hệ dân sự, vừa đảm bảo tính cưỡng chế quyền lực Nhà nước mạnh mẽ hơn (cơ quan thi hành án dân sự).

Theo ông, yếu tố hành chính hóa chỉ nên dừng lại ở việc phạt vi phạm hành chính và các biện pháp về xét duyệt thu hồi, không giao làm chủ đầu tư ở các dự án khác.

Một chung cư được sử dụng nhiều năm, tùy theo hoàn cảnh có thể sẽ phát sinh nhiều lần thu phí bảo trì và các khoản khác như tiền đầu tư nâng cấp hay xây dựng mới, tiền phí bảo hiểm,… Nhưng hiện nay các văn bản pháp luật còn bỏ ngỏ, hiện mới chỉ tập trung quy định cho lần thu đầu tiên của quỹ bảo trì và vẫn chưa dẹp được các vi phạm.

“Có thể thấy, các quy định hiện nay vẫn thiếu tính đồng bộ, thống nhất xuyên suốt trong quá trình sử dụng nhà chung cư”, luật sư Phượng nhận định.

Mới đây, tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư do Ủy ban Pháp luật tổ chức, Bộ Xây dựng đã đề nghị khởi tố chủ thể chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư.

Băng rôn đỏ rực toà nhà Westa.

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng phát sinh tranh chấp quỹ bảo trì chung cư là do một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình. Nhiều chủ đầu tư không mở tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2%, mà đưa khoản tiền này phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của mình.

Sau khi bán căn hộ, chủ đầu tư lại tìm lý do để trì hoãn việc tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị, hoặc khi thành lập được ban quản trị thì tìm cách thoái thác trong việc bàn giao khoản kinh phí bảo trì này cho ban quản trị. Thậm chí, một số chủ đầu tư chấp nhận nộp phạt để trì hoãn, kéo dài thời gian phải bàn giao nhằm chiếm dụng khoản kinh phí bảo trì.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công an tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư.

Tòa nhà cao cấp Westa là một tổ hợp hợp công trình bao gồm hai tòa tháp cao 21-25 tầng thuộc khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội. Dư án có mức đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, do Công ty cổ phần cơ khí xây dựng số 18 (COMA 18) làm chủ đầu tư.

Dự án Westa được khởi công vào năm 2009, đến năm 2014 thì được bàn giao cho cư dân.

COMA 18 là một doanh nghiệp cổ phần hoạch toán độc lập trực thuộc Tổng Công ty cơ khí xây dựng (COMA) – Bộ Xây dựng. Tổng công ty này được chuyển thành Công ty cổ phần cơ khí xây dựng số 18 theo Quyết định số 2102 của Bộ Xây dựng. Ngày 23/12/2010, Công ty chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần COMA 18.

  • Bỏ phí bảo trì là giải pháp cực đoan

    Bỏ phí bảo trì là giải pháp cực đoan

    CafeLand - Trong bối cảnh tranh chấp chung cư diễn ra ngày càng phổ biến liên quan đến việc chiếm dụng quỹ bảo trì, nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ loại phí này. Song cũng có ý kiến cho rằng đó chỉ là giải pháp mang tính cực đoan, theo kiểu không kiểm soát được thì bỏ.

  • Đề nghị khởi tố chủ thể chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư

    Đề nghị khởi tố chủ thể chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư

    CafeLand - Tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư do Ủy ban Pháp luật tổ chứcngày 24-4, Bộ Xây dựng nêu những vướng mắc, bất cập hiện nay, đồng thời đề nghị khởi tố chủ thể chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.