CafeLand - Cuối năm 2020, dịch bệnh Covid-19 căng thẳng trở lại khi xuất hiện những ổ dịch mới tại Hải Dương, Quảng Ninh. Sau một năm chống đỡ với dịch bệnh, thông tin này một lần nữa gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.

Chuẩn bị thêm những kịch bản dự phòng trong trường hợp dịch lây lan kéo dài là việc mà các doanh nghiệp cần làm trong bối cảnh hiện nay.

CafeLand đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản EZ (EZ Property), về vấn đề này.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản EZ

CafeLand: Dịch bệnh đã có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Trước tình hình đó, theo ông, thị trường đã có những chuyển biến như thế nào để ứng phó với dịch bệnh trong năm 2021?

Ông Phạm Đức Toản: Thị trường đang âm ỉ cơn sốt trong phân khúc đất nền, đất công nghiệp bởi các dự án đất nền đang bán được khá tốt.

Tuy nhiên, đấy chỉ là ngắn hạn vì đó là dòng tiền nóng, dòng tiền tích lũy, dòng tiền ngân hàng lãi suất thấp. Thay vì ngâm trữ bằng vàng, hoặc gửi ngân hàng hoặc đầu tư sang mảng khác thì người ta mua đất.

Về lâu dài, bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng khá tiêu cực. Bởi vì lượng tiền chảy vào bất động sản đa số là từ những nguồn khác như sản xuất, du lịch, dịch vụ... Do đó, dòng tiền nuôi bất động sản về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng.

Sau một năm, các đơn vị đã chuẩn bị cho mình các phương án để “sống chung với dịch bệnh”.

Một số doanh nghiệp mảng dịch vụ đã dịch chuyển khỏi thị trường. Hiện nay trên thị trường Hà Nội rất hiếm sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã tìm về các khu vực lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh và Bắc Ninh.

Về mảng đầu tư cũng vậy, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM gần không có dự án.

Ở phía bắc, các đơn vị phát triển dự án tìm đến các thị trường mới nổi như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Ở phía nam, thị trường dịch chuyển đến Bình Phước, Tây Ninh… do quỹ đất ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai cạn kiệt dần.

Tại những khu vực này bắt đầu xuất hiện làn sóng chuyển giao, do đây là những thị trường mới, mặt bằng giá còn thấp, chi phí đầu tư không quá cao nên thu hút nhiều doanh nghiệp.

Đó là tình hình chung của thị trường. Còn doanh nghiệp mình đã có những kịch bản nào để ứng phó với tình hình dịch bệnh, nhất là khi hay tin Hải Dương và Quảng Ninh bùng phát dịch mới đây?

Công ty có một số dự án ở hai tâm dịch là Kim Thành và Cẩm Giàng, nhưng hiện tại không làm gì được vì địa phương bị phong toả, dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Do đó, chúng tôi đang tập trung vào một số địa phương khác như Thái Nguyên, Hà Nam, Hoà Bình… với phương châm việc nào dễ làm trước.

Địa bàn nào chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sức hút lớn thì tập trung làm, còn những vùng ảnh hưởng dịch thì bắt buộc phải chờ vì không làm gì hơn được.

Đó là cái khó chung của những doanh nghiệp đang có dự án hoạt động trong vùng dịch. Quảng Ninh, Hải Phòng hiện đang quản lý rất chặt người ra, người vào nên mỗi lần đi lại, công tác rất phức tạp.

Nhìn chung, năm vừa qua, các doanh nghiệp địa ốc đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Bản thân doanh nghiệp của chúng tôi cũng có sự phân hóa mạnh. Một số bộ phận đạt và vượt kế hoạch như đất nền hoặc các bất động sản vùng ven Hà Nội. Nhưng cũng có một số bộ phận gặp khó khăn rất lớn, mặc dù công ty đã có kế hoạch cắt giảm các chi phí không cần thiết và tinh giản nhân sự từ giai đoạn 2018-2019.

Việc các dự án ở Hải Dương hiện không triển khai được có gây khó khăn gì cho doanh nghiệp không, thưa ông?

Khó khăn rất lớn bởi công ty đã đầu tư tài chính, thời gian và công sức vào đấy. Dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, do đó sẽ mất cơ hội để triển khai, tốn kém thêm chi phí và thêm thời gian chờ đợi.

Qua một năm chống đỡ Covid-19, bản thân doanh nghiệp có rút ra bài học nào cho các doanh nghiệp nói chung không?

Bài học đầu tiên là tiếp ứng nhanh, thích nghi nhanh chứ không được chờ kết quả, hậu quả rồi mới xử lý.

Tiếp đến là cắt giảm những thứ không cần thiết, phân loại lại những khoản đầu tư và những việc cần triển khai. Những mảng nào bị chậm sẽ giảm bớt hoặc khoanh vùng lại, tập trung vào những sản phẩm hiệu quả cao. Ví dụ như mảng chung cư hay dịch vụ thì tạm ngưng hoạt động vì thực sự rất khó để bán.

Cuối cùng là nếu đầu tư chiến lược dài hạn thì phải bám sát, các dự án chưa hoàn tất pháp lý thì tập trung hoàn tất hồ sơ pháp lý, những dự án hiệu quả cao thì tập trung thu lợi nhuận về.

Xin cảm ơn ông!

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.