Mặc dù có những nốt trầm trong bối cảnh chung nhưng thị trường bất động sản vẫn có nhiều điểm sáng.
Đất nền “miễn nhiễm” với dịch bệnh
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Kinh tế tài chính, nhận định 2020 là một năm khá trầm lắng với thị trường bất động sản. Dịch bệnh bùng phát vào đúng giai đoạn siết vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, giá nhà dường như không giảm, thậm chí ở một số phân khúc và địa phương lại có xu hướng tăng giá, đặc biệt ở khu vực vùng ven.
Đất nền và bất động sản công nghiệp là hai phân khúc vẫn có nhiều điểm sáng trên thị trường. Đối với bất động sản công nghiệp, đây là phân khúc thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Hơn nữa, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng mở ra một cơ hội cho Việt Nam, thúc đẩy thị trường phát triển sôi động.
Đáng chú ý, đất nền vùng ven gần như “miễn nhiễm” với tác động của dịch bệnh, khi một số khu vực tại Hà Nội và TP.HCM vẫn có giao dịch khá sôi động, giá tăng nhẹ.
Năm 2020, việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản cũng được kiểm soát, loại bỏ dần những rủi ro đối với thị trường.
“Nhìn chung, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng bức tranh thị trường vẫn có nhiều điểm sáng. Trong trung và dài hạn, vẫn có thể lạc quan, khi sự sàng lọc trên thị trường càng mạnh mẽ thì càng đảm bảo tính minh bạch, an toàn cho nhà đầu tư và thị trường”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Cơ hội điều chỉnh, tái cấu trúc thị trường
Khái quát về thị trường bất động sản năm qua, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnREA), cho rằng đó là sự suy giảm chứ không phải suy thoái về nguồn cung cũng như giao dịch bất động sản. Đây là cơ hội để thị trường điều chỉnh về phân khúc, quy mô, chất lượng để thích ứng và sẵn sàng đối diện với khó khăn bằng những kinh nghiệm đã được đúc rút.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực nhận định: “Năm nay có nhiều nốt trầm với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Quý 1 và quý 2 giảm, phục hồi từ quý 3 và quý 4 sẽ tốt hơn”.
Theo ông Lực, thị trường bất động sản 2020 chứng kiến sự lệch pha về tình hình thanh khoản và giá cả. Thanh khoản ở mức thấp, nhưng giá không giảm, thậm chí có phân khúc giá còn tăng nhẹ. Lý do chủ yếu là còn thiếu nguồn cung và dòng tiền còn đổ về những phân khúc này.
“Một năm tái cấu trúc mạnh mẽ về cả quan hệ cung – cầu, về sản phẩm, về đầu tư công nghệ, mô thức hoạt động và chiến lược kinh doanh. Tâm lý, hành vi đầu tư, tiêu dùng và nhu cầu của người dân và doanh nghiệp đã thay đổi khá mạnh trong và sau dịch Covid-19 cùng với các biến động về hội nhập, địa chính trị và biến đổi khí hậu toàn cầu”, ông Lực cho biết.
Thị trường sẽ sớm hồi phục
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho rằng có hai yếu tố tác động mạnh nhất tới thị trường bất động sản trong năm 2020 đó là dịch bệnh và điểm nghẽn về nguồn cung.
Thứ nhất là dịch bệnh. Những thay đổi bất ngờ do Covid-19 đã làm ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân, của khách hàng, làm cho lực cầu của thị trường bất động sản bị giảm sút.
Điểm thứ hai tác động đến thị trường là những điểm nghẽn về nguồn cung khiến sản phẩm bị hạn chế, lượng sản phẩm đưa ra thị trường bị ít đi. Điều này đã tác động vào nhiều vấn đề, ví dụ giao dịch giảm, giá cả có xu hướng tăng lên rõ nét.
Đối với doanh nghiệp, khi dịch bệnh xảy đến là yếu tố khách quan mà tất cả mọi người đều phải chịu đựng. Điều này đã tác động đến lượng cầu thấp, doanh nghiệp bán hàng chậm và khiến cho dòng tiền của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Rất may mắn là thời gian qua, Chính phủ đã có những hỗ trợ kịp thời, các gói kích cầu, hỗ trợ lãi suất vay hợp lý nên doanh nghiệp mới có thể cầm cự được qua giai đoạn này.
Còn về điểm nghẽn về mặt pháp lý, ông Phúc nhận định đây là vấn đề mà toàn thị trường đang phải đối mặt.
“Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây khó khăn cho thị trường có thể khắc phục, nhưng pháp lý là vấn đề mà chủ đầu tư không tự chủ động được”, ông Phúc nói.
Mặc dù vậy, ông Phúc cho rằng, năm 2020 không phải là một năm khủng hoảng với quá nhiều hệ quả ghê gớm. Thị trường vẫn duy trì được sự ổn định, không hề đóng băng. Minh chứng là các dự án mở bán vẫn có giao dịch đều đặn, những dự án của chủ đầu tư uy tín và giữ được tiến độ tốt vẫn có độ hấp thụ mạnh.
“Có một thực tế là lượng cầu giảm xuống do thu thập của người dân bị ảnh hưởng nhiều do Covid-19. Tuy nhiên, đây không phải là bản chất của khủng hoảng, thị trường vẫn có sự ổn định và chắc chắn sẽ hồi phục sớm khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Phúc dự báo.
-
Doanh nghiệp bất động sản xoay xở vượt khó
CafeLand - Mặc dù đã trải qua những “khoảng lặng” trên thị trường và cũng gần như bất động giống như nhiều ngành nghề khác do đại dịch Covid-19, nhưng nhiều chủ đầu tư lớn vẫn tỏ ra lạc quan với thị trường bất động sản.
-
Bất động sản 2021: Gọi tên phía Đông
CafeLand – Khu vực phía Đông TP.HCM và khu bờ Đông sông Hồng (Hà Nội) được dự báo sẽ là khu vực dẫn đầu thị trường bất động sản năm 2021.
-
Các khách sạn hạng sang ngày càng phụ thuộc vào hạng mục căn hộ trong cùng tổ hợp
Các nhà đầu tư sẽ dễ ngủ hơn một chút khi biết rằng các căn hộ cao cấp sẽ mang lại nguồn thu đáng kể hơn cho một tổ hợp gồm cả khách sạn và các tiện ích khác.
-
Công nghệ tác động như thế nào đến bất động sản?
CafeLand - Những gì xảy ra trong năm 2020 buộc tất cả mọi người phải thích ứng với công nghệ. Thực tế cũng cho thấy công nghệ đã giúp cải thiện hiệu suất làm việc một cách đáng kể.
-
Ý nghĩa của việc đẩy mạnh số hóa ngành bất động sản thương mại
CafeLand - Tất cả các ngành nghề đều đang nỗ lực bắt kịp với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số mà thế giới đang hướng tới. Tuy nhiên, bất động sản thương mại dường như lại đang có những bước chuyển dịch chậm hơn nhiều so với các ngành nghề khác....