Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra lượng cổ phiếu có giá trị 23 tỷ nhân dân tệ (3,15 tỷ USD) trong tháng này sau khi đã bán ra kỷ lục trong tháng 8, bất chấp có những dấu hiệu về sự cải thiện của nền kinh tế hàng đầu châu Á.

Việc bán thông qua các chương trình China’s Stock Connect, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cổ phiếu trong nước, cho đến nay đã chứng kiến tốc độ bán ra chậm hơn so với tháng trước. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn đang ghi nhận dòng vốn chảy ra liên tục trong tháng này.

Chỉ số CSI 300 bao gồm các cổ phiếu hàng đầu tại Trung Quốc vẫn không thay đổi trong tuần này dù cho số liệu dự kiến về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp được cải thiện. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng China Enterprises của Hong Kong đã giảm 2% trong tuần qua.

Dong Chen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại Pictet Wealth Management, cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy, điều đó đã được xác nhận bằng dữ liệu. Về mặt thị trường, những gì chúng tôi đang thấy là tâm lý chung tiếp tục rất lạc quan”.

Sản xuất công nghiệp tháng 8 tại Trung Quốc đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ, thước đo về khả năng chi tiêu, cũng tăng 4,6% trong cùng giai đoạn. Cả hai chỉ số này đều chứng kiến mức tăng cao hơn dự đoán của giới phân tích và cao hơn tốc độ tăng trưởng trong tháng 7, lần lượt là 3,7% và 2,5%.

Chỉ số PMI (chỉ số quản lý mua hàng) của lĩnh vực sản xuất trong tháng 8 cũng cao hơn đôi chút so với kỳ vọng, tăng từ 49,3 điểm lên 49,7 điểm, tiến gần hơn đến mức 50 điểm. Số liệu riêng cho thấy lượng cho vay mới phát hành tại các ngân hàng Trung Quốc cũng tăng mạnh trong tháng 8, vượt dự báo của giới chuyên gia.

Một số nhà đầu tư cho rằng mặc dù hoạt động kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc, nhưng việc các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có cái nhìn bi quan có thể cản trở đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.

Các nhà đầu tư khác lưu ý rằng các vấn đề trong nước, chẳng hạn như giá nhà sụt giảm và mức nợ của chính quyền các địa phương cao, là tín hiệu cho thấy khủng hoảng kinh tế vẫn chưa được chấm dứt.

Prashant Bhayani, giám đốc đầu tư khu vực châu Á của BNP Paribas, Wealth Management, cho biết, với việc bất động sản chiếm khoảng 70% tài sản hộ gia đình, doanh số bán bất động sản và giá nhà giảm sẽ cản trở khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc

Ông nói thêm rằng, trong khi sự hy vọng về một gói kích thích đủ mạnh sau cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào tháng 7 đã tan biến, chính phủ sẽ cân tiếp tục công bố các biện pháp khác để hỗ trợ thị trường chứng khoán, chẳng hạn như nhiều nỗ lực hơn để thúc đẩy thị trường bất động sản và tăng các biện pháp khuyến khích để thúc đẩy thị trường tiêu dùng.

Bất chấp nền kinh tế có nhiều tháng hoạt động kém hiệu quả trong năm nay và một loạt các nhà phát triển bất động sản vướng vào cảnh nợ nần, chính quyền Bắc Kinh cho đến nay vẫn hạn chế hỗ trợ tài sản đối với các biện pháp như hạ thấp yêu cầu thanh toán và lãi suất thế chấp.

Chính quyền Bắc Kinh cũng đã công bố các biện pháp hỗ trợ trực tiếp thị trường chứng khoán, bao gồm việc cắt giảm thuế giao dịch cổ phiếu lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cho phép sử dụng đòn bẩy lớn hơn trong giao dịch cổ phiếu.

Sunil Tirumalai, giám đốc điều hành chiến lược vốn cổ phần GEM tại UBS có trụ sở tại Mumbai, cho biết các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm sự hỗ trợ chính sách mang tính bền vững từ phía Bắc Kinh.

“Dù thế nào đi nữa, giá cổ phiếu của nhiều công ty đang niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc đang ở mức rẻ. Tôi nghĩ rằng thị trường đang có nhiều nghi ngại. Chúng ta cần thêm thời gian để xem những diễn biến tiếp theo của thị trường”, ông Sunil chia sẻ.

Anh Nguyễn (Financial Times)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.