Chỉ chưa đầy hai tuần sau khi phản ứng tích cực với các chính sách hỗ trợ mới, doanh số bán nhà tại các thành phố lớn ở Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại, qua đó làm dấy lên nghi ngờ rằng liệu các chính sách hỗ trợ mới này có đủ để vực dậy thị trường bất động sản hay không.
Mặc dù các số liệu thống kê chính thức không được công bố đầy đủ, song theo dữ liệu của các công ty trong ngành, sự phục hồi của doanh số bán nhà tại các thành phố cấp 1 đang “phai mờ dần”.
Ngay cả ở Bắc Kinh, nơi phản ứng mạnh nhất với các gói hỗ trợ mới của chính phủ Trung Quốc, doanh số bán nhà vào cuối tuần trước đã giảm 35% so với tuần ngay sau khi các chính sách được công bố, xuống còn khoảng 1.700 căn, theo ước tính của nhà phân tích Zhang Dawei đến từ Cetaline Group.
Doanh số bán những ngôi nhà mới được các chủ đầu tư bán ra tại Bắc Kinh cũng cho thấy xu hướng tương tự trong tuần qua. Centaline là một trong những công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc.
Tại Thâm Quyến, doanh số bán nhà mới tăng 3,8% trong tuần trước so với tuần trước đó, nhưng doanh số bán nhà mới lại giảm ở 2 thị trường lớn khác là Thượng Hải và Quảng Châu, theo China Index Holdings.
Đà phục hồi chậm lại cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc trong việc ngăn sự sụt giảm kỷ lục của thị trường nhà đất đang vô tình kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ của các nhà phát triển bất động sản.
Sau khi chính phủ Trung Quốc bật đèn xanh cho kế hoạch cắt giảm tỷ lệ thanh toán trước tối đa vào ngày 31/8, 4 thành phố lớn nhất của quốc gia tỷ dân này đều nhanh chóng triển khai các biện pháp nới lỏng.
Các động thái của chính quyền địa phương diễn ra trước tháng 9 và tháng 10, thời điểm diễn ra kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần và cũng là thời gian cao điểm cho việc mua nhà trong năm. Theo Centaline, chỉ riêng doanh thu từ việc bán nhà trong 2 tháng này đã đóng góp vào 18% tổng doanh thu bán nhà hàng năm tại Trung Quốc kể từ năm 2009.
Liu Yuan, chuyên gia nghiên cứu bất động sản tại Centaline cho biết: “Việc nới lỏng thế chấp đang cho thấy tác động tích cực khi thị trường nhà đất đang hồi phục nhẹ. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ hiện tại không đủ để giúp thị trường đi lên”.
Việc nới lỏng các chính sách cần thời gian để giúp cải thiện tâm lý của thị trường, theo ông Liu. Ông cũng nhấn mạnh rằng ngay cả khi doanh số bán nhà có dấu hiệu giảm, lượng người quan tâm tới việc mua nhà vẫn tăng 20 – 30% so với thời điểm trước khi các chính sách hỗ trợ mới được công bố.
Các nhà đầu tư đã hoan nghênh những chính sách này. Một số người suy đoán rằng chính phủ có thể tiếp tục tung ra các gói hỗ trợ thiết thực hơn nữa. Một chỉ số đo giá cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc của Bloomberg đã tăng khoảng 14% kể từ khi các nhà hoạch định chính sách công bố động thái mới này.
Theo China Index Holdings, tính đến tháng 9, khoảng 10 thành phố đã nới lỏng các hạn chế về người có thể mua nhà, nhiều hơn bất kỳ tháng nào trong năm nay. Một số thủ phủ của tỉnh, chẳng hạn như Nam Kinh ở Giang Tô và Phúc Châu của Phúc Kiến, đã dỡ bỏ các hạn chế mua nhà đối với người không cư trú tại địa phương.
Trong một diễn biến khác, một số chủ nhà ở các thành phố lớn nhất đã tăng giá chào bán tài sản, cho thấy người dân kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng lên, theo dữ liệu của Centaline.
Tuy nhiên, tâm lý tích cực có thể duy trì được trong bao lâu vẫn là một câu hỏi, đặc biệt khi nguồn cung cũng tăng lên. Dữ liệu do China International Capital theo dõi cho thấy số lượng nhà ở đăng bán hiện tại đã tăng 2,7% tại Bắc Kinh, 2,3% ở Thâm Quyến và 0,6% tại Quảng Châu vào tuần trước, tăng so với tuần trước khi các chính sách hỗ trợ được công bố.
Lu Ting, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Nomura Holdings Inc, cho biết: “Những biện pháp này đánh dấu một bước quan trọng trong việc kích thích lĩnh vực bất động sản và nền kinh tế nói chung, nhưng chúng tôi cho rằng như vậy vẫn chưa đủ để đảm bảo sự hồi phục”.
-
Trung Quốc đã tung ra một loạt biện pháp kích thích mới nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản và hỗ trợ đồng nhân dân tệ đang suy yếu. Đây là những nỗ lực mới nhất nhằm khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và giới đầu tư.
-
Theo kết quả một cuộc khảo sát mới của hãng tin Reuters, giá nhà mới tại Trung Quốc trong cả năm 2023 có thể sẽ không tăng, qua đó nhấn mạnh những khó khăn mà ngành bất động sản nước này đang hứng chịu.
-
Quyết định giữ nguyên mức lãi suất cho vay thế chấp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã nêu bật những thách thức mà chính quyền nước này phải đối mặt: Làm thế nào để kích thích nền kinh tế, đồng thời bảo vệ nguồn lợi nhuận của ngân hàng?
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.