Sự sụp đổ của tập đoàn China Evergrande vào năm 2021 cùng với khoản nợ khổng lồ lên tới hàng trăm tỷ đô la, tuy vậy, lại không hoàn toàn là một điều bất ngờ với các chuyên gia theo dõi sát sao thị trường bất động sản Trung Quốc trong nhiều năm.
Trên thực tế, Evergrande đã chao đảo từ cuộc khủng hoảng tài chính này đến cuộc khủng hoảng tài chính khác trong gần hai thập kỷ qua. Thật hợp lý khi Bắc Kinh muốn thanh lọc các công ty bất động sản đang tích lũy một khối nợ khổng lồ, thường không rõ ràng bởi họ mở rộng sang các mảng kinh doanh khác như mua các đội bóng, sản xuất xe điện hoặc nước đóng chai.
Nhưng cuộc khủng hoảng ở Country Garden năm nay là minh chứng cho lý do tại sao mối lo ngại về bất động sản ở Trung Quốc vẫn tăng cao như vậy. Nếu Evergrande là “trai hư” trong ngành thì Country Garden chính là “trai ngoan mà bạn muốn đưa về ra mắt bố mẹ”. Tập đoàn này dường như có trách nhiệm hơn nhiều, không có những mạng lưới nợ bí mật và rộng lớn, và không có những biểu hiện đáng ngờ về hoạt động kinh doanh.
Country Garden đang trở thành “kẻ tội đồ”?
Khi nền kinh tế chậm lại và giá nhà giảm, mọi người không muốn đầu tư vào bất động sản thứ hai hoặc thứ ba. Điều này thậm chí còn tồi tệ hơn ở những thành phố nhỏ hơn, nơi Country Garden có rất nhiều dự án chưa hoàn thành. Sự tăng trưởng của thị trường này cũng phụ thuộc vào hoạt động đầu cơ.
Cuối cùng, thực trạng này dẫn đến một vấn đề mang tính cơ cấu: cung vượt quá cầu.
Rắc rối nợ nần của Country Garden nói lên quyết tâm của Bắc Kinh trong việc khắc phục vấn đề này. Với tư cách là công ty bất động sản lớn nhất một thời của Trung Quốc, đánh bật Evergrande khỏi vị trí hàng đầu, rất khó tưởng tượng rằng các nhà chức trách sẽ để công ty này phá sản.
Lý do là cái giá phải trả có thể là sự sụp đổ tài chính mang tính hệ thống. Do vậy, các chủ ngân hàng tại Trung Quốc không cần phải quá lo lắng, nhưng điều này không có nghĩa là quá trình giải quyết vấn đề sẽ không gây ra sự đau đớn, nhất là với các doanh nghiệp bất động sản tư nhân.
Thị trường trồi sụt
Sau khi các cơ quan chức năng đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản vào tháng trước, thị trường đã ấm lên. Các đại lý bất động sản đã làm việc suốt ngày đêm để xử lý lượt xem nhà và giao dịch tăng đột biến.
Chưa đầy hai tuần sau, mọi chuyện dường như đang mờ nhạt dần.
Tại Bắc Kinh, nơi phản ứng mạnh nhất với gói kích thích, doanh số bán nhà hiện có đã giảm 35% xuống còn khoảng 1.700 căn vào cuối tuần trước, từ mức 2.600 căn vào cuối tuần ngay sau khi nới lỏng chính sách, theo ước tính từ một cơ quan bất động sản hàng đầu ở Trung Quốc. Những ngôi nhà mới được các chủ đầu tư ở thành phố này bán ra cũng cho thấy xu hướng tương tự.
Moody's Investor Service đã hạ triển vọng đối với lĩnh vực bất động sản Trung Quốc xuống mức tiêu cực. Cơ quan này dự báo doanh số bán nhà theo hợp đồng trên toàn quốc sẽ giảm 5% trong vòng 6 đến 12 tháng tới, một phần là do lo ngại về Country Garden.
Đây là bộ chỉ số mới nhất cho thấy ngay cả khi chính quyền đưa ra nhiều hỗ trợ hơn để ngăn chặn giá bất động sản giảm, người dân vẫn tin rằng “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”.
Mức lương sụt giảm làm tăng gánh nặng
Trong nhiều thập kỷ, tiền lương ở các thành phố lớn nhất Trung Quốc chủ yếu đi theo một hướng: Tăng.
Điều này không còn xảy ra nữa. Theo dữ liệu từ công ty tuyển dụng trực tuyến Zhaopin, lương tuyển dụng ở Thượng Hải và Bắc Kinh giảm lần lượt 9% và 6% trong quý 2 năm nay so với một năm trước, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2015 (hoặc có thể xa hơn). Đối với nhiều nhân viên văn phòng, thu nhập thấp hơn càng trở nên phức tạp hơn khi các công ty âm thầm cắt giảm các phúc lợi bao gồm trợ cấp đi lại và ăn uống.
Các lĩnh vực được tầng lớp lao động trẻ săn đón nhiều như công nghệ đang gặp vô số khó khăn. Trong khi đó, nhân sự trong các ngành như tài chính cũng lao đao vì các chủ ngân hàng cấp cao đang báo cáo mức lương bị cắt giảm tới 40%. Ngay cả những công việc thường có tính ổn định trong các cơ quan chính phủ, với phần lớn lao động là tầng lớp trung lưu, cũng không tránh khỏi tình trạng giảm lương.
Nhưng tại sao tiền lương lại bị giảm?
Thị trường bất động sản suy thoái, xuất khẩu sụt giảm và chi tiêu tiêu dùng ảm đạm đã làm suy yếu nền kinh tế mà chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Các nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy chính phủ không sẵn sàng tung ra các biện pháp kích thích lớn như trong các đợt suy thoái trước đây để tránh nợ nần chồng chất thêm.
Lĩnh vực công nghệ vẫn đang phải vật lộn với hậu quả từ một cuộc đàn áp đã xóa sạch hàng tỷ USD giá trị thị trường trong hai năm qua. Việc tuyển dụng chậm lại đã làm trầm trọng thêm tỷ lệ thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên, vốn đang dao động trên 20% trước khi chính phủ ngừng công bố dữ liệu vào tháng trước.
Tiền lương giảm có nghĩa là người lao động có thể sẽ chi tiêu ít hơn vào hàng hóa và dịch vụ, làm suy yếu tham vọng của ông Tập Cận Bình trong việc biến chi tiêu tiêu dùng trở thành động lực tăng trưởng lớn hơn cho nền kinh tế. Bloomberg Economics gần đây dự đoán nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ không vượt qua Mỹ trong ít nhất hai thập kỷ nữa.
-
Thêm nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ
Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc sắp bước sang năm thứ 5, nhưng rắc rối nợ nần của các doanh nghiệp có vẻ vẫn ngày càng chồng chất. Trái phiếu đồng USD của các công ty địa ốc đang bị giảm sâu trên thị trường, việc phát hành nợ mới trở nên...
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.