12/06/2023 6:51 PM
Một loạt các mặt hàng như xi măng, sắt thép, gốm sứ, kính xây dựng... đang rơi vào cảnh tồn kho tăng cao do nhu cầu tiêu thụ thấp, thị trường bất động sản đóng băng.

Tồn kho vật liệu xây dựng tăng cao

Bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) giảm mạnh sức tiêu thụ… Đây là vấn đề được nêu ra tại tọa đàm “Thị trường vật liệu xây dựng - Những điểm nghẽn và giải pháp” được tổ chức ngày 10/6 vừa qua.

Nhiều công trình xây dựng dừng thi công hoặc hoạt động cầm chừng khiến đầu ra vật liệu xây dựng tắc nghẽn

Đánh giá chung về thị trường VLXD hiện nay, ông Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho biết, đang có thực trạng nơi thừa, chỗ lại thiếu trong đó có thể chia làm 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất là loại vật liệu để làm đắp đường (đất đắp, bê tông nhựa), dù nhu cầu khá lớn nhưng lại không cung ứng kịp do việc thiếu hụt về nguyên liệu các mỏ cát…

Nhóm thứ hai là về bê tông xi măng thép cốt xây dựng. Điểm nghẽn hiện nay là vấn đề tiêu thụ.

Nhóm thứ ba gồm gốm sứ, kính… cũng gặp khó về tiêu thụ do thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhu cầu xây dựng dân dụng, nhà cửa giảm mạnh.

Nhìn nhận từ thực tế các doanh nghiệp cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất, tiêu thụ của các doanh nghiệp xi măng giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Với ngành thép, sản xuất thép thô giảm 22% so với cùng kỳ, tiêu thụ giảm 18%; xuất khẩu giảm 78%. Trong đó, sản xuất thép xây dựng cũng giảm 26,4%; tiêu thụ giảm 26%, xuất khẩu giảm 41,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Chủ tịch Hội Gốm sứ xây dựng Đinh Quang Huy, Việt Nam nhiều năm xếp hạng thứ 4 về sản lượng sản phẩm sản xuất gạch ceramic trên thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, sản xuất và kinh doanh đã sụt giảm 30-35%. Nhất là năm 2022 và quý 1/2023, thị trường gốm sứ xây dựng hầu như đóng băng, tê liệt cả trong sản xuất và lưu thông.

"Dù sản lượng sản xuất chỉ đạt khoảng 50-60% nhưng tồn kho nội địa tới 18-20% sản phẩm không tiêu thụ được, các doanh nghiệp liên tục phải giảm sản xuất", ông Huy cho biết.

Theo ông Huy, một trong những nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản đình trệ. Mặt khác, dịch bệnh Covid-19 tác động làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng, thuế duy trì ở mức cao so với điều kiện thực tế... dẫn đến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.

Tương tự, ngành kính xây dựng cũng đang trong cảnh khó chưa từng thấy. Doanh thu toàn ngành 6 tháng đầu năm 2023 ước giảm 70-80% so với cùng kỳ, đánh dấu một thời kỳ suy giảm dài và liên tục.

Từ tháng 4/2022, thị trường bất động sản suy giảm nghiêm trọng khiến nhu cầu các sản phẩm kính xây dựng sụt giảm tới mức rất thấp. Hiện, lượng tồn kho lũy kế các năm của các doanh nghiệp kính xây dựng vào khoảng 6 tháng sản xuất.

Trong khi đó, VLXD kết cấu nền, móng đường giao thông lại đang ở tình trạng “không có để phát triển”. Hiện lượng mỏ có thể khai thác, sử dụng làm vật liệu đất đắp nền đường chỉ đáp ứng được khoảng 1/6 nhu cầu. Đặc biệt là tại các đoạn tuyến đi qua vùng đồng bằng, khối lượng vật liệu đất (cát) xử lý nền móng cần cung ứng rất lớn.

Tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn

Trước những khó khăn của thị trường VLXD, các hội, hiệp hội đã cùng đưa ra nhiều kiến nghị khơi thông điểm nghẽn đầu ra cho nhiều mặt hàng VLXD.

8 hội, hiệp hội gồm: Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Hội Bê tông Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cùng Viện Vật liệu xây dựng, Công ty CP Eurowindow cùng tổ chức tọa đàm "Thị trường vật liệu xây dựng - Những điểm nghẽn và giải pháp".

Tọa đàm "Thị trường vật liệu xây dựng - Những điểm nghẽn và giải pháp" diễn ra ngày 10/6

Ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn đầu ra của ngành bằng cách tăng cường xây dựng nhà ở (nhất là nhà ở xã hội), khu đô thị, đường giao thông… Tích cực sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía nam để vừa tạo đầu ra cho sản phẩm, vừa có hạ tầng thuận lợi.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần hỗ trợ xuất khẩu bằng cách giảm hoặc tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker. Tiếp đó, cần tạo điều kiện cho các nhà sản xuất sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, tận dụng nhiệt thải lò nung phát điện để đạt mục tiêu kép vừa tránh giá năng lượng cao, vừa giải quyết rác thải, chất thải.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế VAT cho các sản phẩm thép từ 10% xuống 8%. Bên cạnh đó, xem xét hạ lãi suất và ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành bất động sản…

Ngoài ra, nhiều kiến nghị cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi để tăng cầu; đẩy mạnh đầu tư công đạt đến 95-100% kế hoạch năm 2023; chú trọng khơi thông dòng vốn cho bất động sản; đơn giản thủ tục gói 120.000 tỷ đồng để người dân dễ dàng tiếp cận vay vốn kịp thời, doanh nghiệp có vốn hoạt động; giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến năm 2024; giảm thuế đất đến hết năm 2023, cho nợ thuế đất đến hết năm 2024; giảm lãi vay ngân hàng

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.