22/12/2023 7:01 AM
11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 28,7 triệu tấn clinker và xi măng với trị giá hơn 1,2 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4% về sản lượng nhưng giảm 2,6% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt hơn 2,5 triệu tấn với kim ngạch 101 triệu USD, giảm 6% về lượng và giảm 8,8% về trị giá so với tháng trước.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu hơn 28,7 triệu tấn clinker và xi măng, tương đương hơn 1,22 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4% về sản lượng nhưng giảm 2,6% về trị giá so với cùng kỳ 2022.

Giá xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2023 đạt gần 42,7 USD/tấn, giảm gần 3% so với cùng kỳ.

11 tháng năm 2023, xuất khẩu clinker và xi măng thu về 1,22 tỷ USD

Hiện nay, 3 thị trường xuất khẩu xi măng chính của Việt Nam là Philippines với tỷ trọng 27,4%; Bangladesh là 16,5%; Malaysia chiếm 5,1%.

Đáng chú ý, xuất khẩu clinker và xi măng sang thị trường Australia trong giai đoạn này đạt hơn 57.000 tấn với kim ngạch 2,87 triệu USD, tăng mạnh 271% về lượng và tăng 232% về giá trị so với với tháng 11/2022.

Sau 11 tháng, Australia chi hơn 23 triệu USD để nhập khẩu 470.000 tấn clinker và xi măng từ Việt Nam, tăng 171% về lượng và tăng 153% về giá trị so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân 11 tháng đạt gần 50 USD/tấn, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, công suất sản lượng xi măng của Việt Nam đạt khoảng 100 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới. Cụ thể, 5 quốc gia có quy mô sản lượng xi măng lớn nhất thế giới gồm có Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tham khảo: Giá VLXD mới nhất 2023

Ngành xi măng khó khăn nhất 100 năm

Tại thị trường nội địa, số liệu thống kế của Bộ Xây dựng cho thấy, 11 tháng đầu năm 2023, sản lượng tiêu thụ xi măng trong toàn ngành đạt khoảng hơn 80 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng tiêu thụ xi măng ở thị trường nội địa là 52 triệu tấn, giảm 16%; sản lượng xuất khẩu đạt gần 29 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ.

Bộ Xây dựng cho biết, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh dẫn đến nhiều nhà máy xi măng phải ngừng hoạt động một số dây chuyền lò nung, trong đó có những dây chuyền phải ngừng dài hạn.

Nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian dài suốt từ năm 2022 khiến việc triển khai xây dựng các công trình, dự án giảm mạnh, từ đó kéo theo nhu cầu về xi măng phục vụ xây dựng không cao.

Ngoài ra, các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng nhìn chung tiến độ triển khai còn chậm so với kế hoạch cũng là nguyên nhân gây tắc nghẽn đầu ra của chuỗi sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng.

Tiêu thụ xi măng gặp khó do thị trường bất động sản

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như Đồng bằng sông Cửu Long.

Các địa phương tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị xem xét tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker (thành phần chính trong sản phẩm xi măng), giảm thuế suất thuế xuất khẩu clinker về 0% đến hết năm 2025.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.