10/06/2023 6:43 PM
Thị trường bất động sản gặp khó, nhu cầu xây dựng trì trệ khiến lượng tiêu thụ các mặt hàng sắt thép thời gian qua luôn ở mức thấp, giá bán vì thế cũng giảm sâu.

Giá giảm, nhu cầu suy yếu

Thời gian qua, giá các mặt hàng vật liệu như sắt thép, xi măng, cát, đá xây dựng, gạch ốp lát… liên tục biến động đã khiến không chỉ những dự án, công trình lớn rơi vào cảnh mất kiểm soát chi phí mà ngay cả những chủ thầu xây dựng nhỏ cũng lao đao.

Nhu cầu thép sụt giảm do xây dựng gặp khó

Nếu như hồi đầu năm, giá bán hầu hết các loại vật liệu điều tăng chóng mặt, thì đến nay mặt bằng chung giá các loại vật tư xây dựng đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Biến động mạnh nhất của thị trường vật liệu là mặt hàng thép xây dựng, có thời điểm giá thép lên đến gần 18 triệu đồng/tấn. Đến nay, giá mặt hàng này trải qua 15 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng giá liên tiếp vào đầu năm, sau đó giảm liên tiếp 15 lần từ tháng 4 đến tháng 6 xuống xung quanh 14-15 triệu đồng/tấn.

Mới đây, ngày 7/6, nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục hạ giá sản phẩm với mức giảm từ 200.000-610.000 đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.

Đơn cử, Hòa Phát điều chỉnh giảm 210.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 tại khu vực miền Bắc và miền Nam xuống còn lần lượt 14,49 triệu đồng/tấn và 14,51 triệu đồng/tấn. Tại miền Trung, thương hiệu này giảm 250.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240, xuống còn 14,14 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, dòng thép thanh vằn D10 CB300 của Hòa Phát tại 3 miền vẫn giữ nguyên giá bán so với lần điều chỉnh trước đó.

Nhìn lại diễn biến trên thị trường thép trong những tháng qua, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, thị trường bất động sản suy giảm, nhu cầu thép yếu tại hầu hết các khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm.

Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh. Riêng trong tháng 5/2023, các đơn vị đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng 4 lần, với tần suất giảm 1 lần/ tuần, nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn rất yếu.

Theo VSA, hiện nhu cầu tiêu thụ trong nước lẫn thế giới vẫn đang ở mức thấp. Theo thông lệ, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 là cao điểm của mùa xây dựng, kéo theo nhu cầu thép tăng lên. Tuy nhiên, năm nay, bán hàng thép xây dựng trong tháng 4 giảm sâu tới 39% so với tháng 3 và giảm 33,6% so với cùng kỳ.

Bài toán tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn khiến hàng tồn kho gia tăng, đã gây áp lực tới giá. Tính đến hết tháng 4/2023, tồn kho thép xây dựng tại các nhà máy khoảng 900.000 tấn, cao gần gấp đôi với cùng kỳ năm ngoái.

Đại lý muốn đẩy hàng nhanh cắt lỗ

Nhiều đại lý sắt thép tại TP.HCM cho biết, giá thép giảm mạnh nhưng lượng bán chậm khiến các cơ sở không dám “ôm” nhiều hàng. Thời điểm này thực sự khó khăn với những đại lý bởi lúc thép tăng giá đột biến không có hàng để lấy, đến khi giá đảo chiều lại không ai dám lấy hàng vì sợ lỗ.

Nhiều đại lý sắt thép muốn đẩy hàng nhanh để cắt lỗ

“Chỉ trong hơn 2 tháng qua, các thương hiệu thép liên tục thông báo điều chỉnh giảm giá nên những lô hàng cũ phải nhanh chóng tìm nguồn để xả kho, cắt lỗ do chênh lệch giá”, chủ một đại lý sắt thép xây dựng trên đường Lê Văn Khương, quận 12, TP.HCM cho biết.

Ê ẩm, vắng khách cũng là tình trạng chung của nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng tại địa bàn TP.HCM hiện nay. Bà Bích, đại lý cấp 1 các loại vật liệu xây dựng trên đường Hà Huy Giáp (quận 12) cho hay, chưa năm nào giá sản phẩm giảm nhiều nhưng ế ẩm như năm nay.

"Từ đầu tháng 4 đến giờ thép đã giảm giá bán gần chục lần nhưng sản lượng bán ra vẫn chậm. Hiện đang bước vào cao điểm xây dựng nhưng tình hình cũng không khá hơn. Tôi bỏ hàng cho dự án ở TP Thủ Đức, dự án không giải ngân vì ngân hàng siết tín dụng. Họ bí, tôi cũng bí rị", bà Bích nói.

VSA cho rằng, trong giai đoạn nửa cuối năm 2023, những khó khăn về mặt tiêu thụ vẫn sẽ tồn tại. Ngành thép sẽ cần thêm thời gian để hồi phục khi thị trường bất động sản dân dụng vẫn chưa ghi nhận nhiều biến chuyển thực sự. Điều này khiến giá sắt thép trong nước tiếp tục gặp áp lực và dư địa giảm giá vẫn còn.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.