Sự kết hợp giữa lãi suất thấp và COVID-19 đã khiến nhiều người phải làm việc tại nhà, thúc đẩy nhu cầu mua nhà trên toàn cầu. Trong khi nhiều người thuê nhà lâu năm muốn sở hữu một ngôi nhà mới, thì cũng có những chủ nhà bắt đầu tìm mua những căn hộ nghỉ dưỡng ở ven đô.
Sự gia tăng nhu cầu này trong bối cảnh nguồn cung nhà ở sụt giảm do hoạt động xây dựng đình trệ, thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến giá nhà vượt quá tầm với của nhiều người, đặc biệt là những người có thu nhập hạn chế và giới trẻ.
Ngoài mối liên hệ với các vấn đề bất bình đẳng xã hội, nhà ở còn là cách tốt nhất để một gia đình trung lưu tích lũy tài sản trong suốt cuộc đời, tác động đến sự thịnh vượng chung của toàn xã hội.
Do đó, nhiều quốc gia trên toàn cầu đang nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhà ở thông qua các chính sách lãi suất và quy hoạch. Bên cạnh đó, một số sáng kiến công nghệ và kinh doanh đang manh nha dưới dây được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện tình hình trong tương lai.
Công nghệ in 3D
Các tòa nhà là nơi sử dụng năng lượng nhiều nhất, còn ngành xây dựng đang tạo ra lượng chất thải lớn nhất so với các hoạt động kinh tế khác.
Công nghệ in 3D có thể tạo ra những ngôi nhà phù hợp với các gia đình có thu nhập hạn chế nhờ mức giá phải chăng hơn, có thể thấp hơn 10-30% so với nhà ở truyền thống, do áp dụng quy trình tự động để cắt giảm nhân công và nhu cầu cung ứng. Không chỉ vậy, công nghệ này bảo vệ môi trường tốt hơn nhờ tạo ra ít chất thải hơn so với quy trình xây dựng trước đây.
Thời gian xây dựng nhà ở theo công nghệ in 3D cũng nhanh hơn. Theo một cuộc khảo sát của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ năm 2018, một công ty xây dựng in 3D cho biết họ có thể hoàn thành một ngôi nhà ba phòng ngủ, hai phòng tắm chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.
Nhà mô-đun
Nhà mô-đun được tạo ra trong các nhà máy với quy trình tương tự như của các ngành sản xuất và chế tạo. Công nhân sẽ hoàn thiện hầu hết các thành phần của ngôi nhà như vách nhà, sàn và tường trên quy mô lớn, sau đó vận chuyển và “lắp đặt” chúng tại công trường.
Mô hình sản xuất tinh gọn của nhà mô-đun giúp giảm chất thải bằng cách loại bỏ thiệt hại mà thời tiết gây ra đối với vật liệu nếu xây dựng ngoài trời, đồng thời yêu cầu ít lao động có tay nghề hơn, và giảm đáng kể thời gian hoàn thiện. Theo khảo sát tại một công ty sản xuất nhà mô-đun của Mỹ, 100 người thợ có thể xây dựng 600-700 ngôi nhà mô-đun mỗi năm, so với chỉ 100-150 ngôi nhà theo phương pháp truyền thống.
Tuy vậy, phương pháp này cũng có những nhược điểm nhất định. Nhu cầu vận chuyển các thành phần của ngôi nhà từ nhà máy đến công trường có thể khó khăn do quy mô quá lớn. Đồng thời, việc tiêu chuẩn hóa các quy trình sản xuất kéo theo những hạn chế trong thiết kế, từ tủ tường, gạch ốp, kích thước cửa sổ hay màu thảm.
Nhưng các ngôi nhà mô-đun lại sở hữu một đặc điểm mà các nhà phát triển bất động sản truyền thống và người dân có thu nhập hạn chế đều khao khát. Chúng có thể rẻ hơn ít nhất 25% so với nhà ở thông thường.
Thuê để sở hữu
Mô hình thuê để sở hữu dựa trên nguyên tắc khách thuê trả tiền thuê hàng tháng cao hơn, ví dụ như 10-25% so với giá thuê thông thường. Sau đó, họ có thể mua lại căn nhà bằng số vốn sở hữu tích lũy được trong quá trình trả tiền thuê, hoặc rút vốn về khi kết thúc hợp đồng thuê nhà.
Mô hình này hữu ích với những người có mức thu nhập hạn chế hoặc gặp khó khăn trong việc chứng minh tài chính để vay thế chấp tại các ngân hàng. Một số công ty tại Mỹ đang áp dụng mô hình thuê để sở hữu cho biết người mua chỉ cần sở hữu điểm tín dụng vừa phải và có khả năng trả tiền thuê cao hơn giá thị trường là có thể bắt đầu từng bước hiện thực hóa ngôi nhà mơ ước.
-
Nhà mô-đun giúp tăng nguồn cung nhà ở và giải quyết tình trạng thiếu lao động
Ngành bất động sản và xây dựng đang gặp khó khăn lớn do chi phí tăng cao và thiếu lao động, gây áp lực nặng nề hơn lên sự thiếu hụt nguồn cung. Nhà ở mô-đun có thể là một giải pháp cho tình trạng này.
-
eMagazine: Liệu có làn sóng “cắt lỗ” bất động sản cuối năm?
Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản đang phải chật vật trong bối cảnh nguồn tín dụng vào lĩnh vực này bị siết chặt, thanh khoản tụt giảm. Nhiều người dự đoán thị trường sẽ xuất hiện làn sóng giảm giá, “cắt lỗ” trong thời gian tới....
-
Nhiều nguồn cung “lỡ hẹn” vào cuối năm
Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, nhiều “ông lớn” quyết định hoãn kế hoạch mở bán qua năm sau để chờ tín hiệu tốt hơn.
-
Chiến lược nào cho doanh nghiệp bất động sản trong năm 2023?
Ngành bất động sản toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với tương lai không chắc chắn trong năm 2023 do các thách thức về kinh tế và chính trị. Trong bối cảnh này, phát triển theo chiến lược linh hoạt, ứng dụng công nghệ và đáp ứng các tiêu chuẩn ESG trở n...