Theo khảo sát gần đây nhất Deloitte, các nhà phát triển và nhà đầu tư bất động sản lớn trên thế giới đang ưu tiên một số giải pháp chiến lược để thích ứng với những thay đổi trong cách thức sử dụng, vận hành, định giá và giao dịch các bất động sản, cũng như quản trị doanh nghiệp thời kỳ hậu Covid-19.
Đánh giá lại chiến lược để đảm bảo doanh thu
Doanh thu đang là mối quan tâm hàng đầu với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản trên toàn cầu khi họ lập kế hoạch cho phần còn lại của năm 2022 và năm 2023. Kỳ vọng doanh thu khác nhau giữa các khu vực, nhưng chỉ có 40% người được hỏi cho rằng doanh thu sẽ tăng, chỉ bằng 1/2 so với tỷ lệ 80% trong khảo sát vào năm ngoái. Vì vậy, số lượng người có kế hoạch cắt giảm chi phí cũng nhiều hơn, chiếm tỷ lệ 33% so với 6% của năm 2022.
Những người được hỏi chỉ ra rằng lạm phát cao kéo dài, khó khăn trong quản lý lực lượng lao động, rủi ro an ninh mạng và điều chỉnh hoạt động theo các quy định về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu là những vấn đề sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến doanh thu trong vòng 12 đến 18 tháng tới. Hầu hết đều không nghĩ rằng các doanh nghiệp bất động sản đã chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với một số bất ổn nhất định.
Lạc quan về các yếu tố cơ bản của thị trường
Các yếu tố cơ bản của thị trường bất động sản bao gồm chi phí vốn, khả năng cấp vốn, giá bất động sản, tỷ lệ trống, hoạt động cho thuê, hoạt động giao dịch và giá thuê. Hầu hết các đại diện doanh nghiệp được hỏi (66%) đều mong đợi các yếu tố này được cải thiện hoặc ổn định trong năm tới. Trong số đó, hoạt động cho thuê, tỷ lệ trống và tăng trưởng cho thuê sẽ được cải thiện mạnh nhất.
Theo đánh giá, các tòa nhà văn phòng ở trung tâm thành phố và vùng ngoại ô có thể mang lại cơ hội giảm thiểu rủi ro lớn nhất trong vòng 12 đến 18 tháng tới. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực: doanh nghiệp tại châu Âu cho rằng văn phòng ngoại ô mang lại tiềm năng tăng trưởng hàng đầu (35%), đại diện tại châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cao các bất động sản phục vụ nền kinh tế số (43%) và các công ty tại Bắc Mỹ lựa chọn bất động sản kho vận và hậu cần (43%).
Đáp ứng tiêu chuẩn ESG và các thay đổi trong chính sách thuế
Cuộc khảo sát của Deloitte cho thấy các công ty bất động sản vẫn đang trong giai đoạn đầu đáp ứng các tiêu chuẩn ESG. Chỉ 12% số người được hỏi cho biết họ đã sẵn sàng thực hiện ngay các thay đổi để đáp ứng các yêu cầu ESG và chỉ 7% sử dụng dữ liệu và phân tích ESG trong quá trình ra quyết định đầu tư. Hầu hết các doanh nghiệp dự định bắt đầu kết hợp dữ liệu ESG vào quản trị trong vòng một đến hai năm tới. Gần một nửa số doanh nghiệp được hỏi (45%) cho biết đang chờ các hướng dẫn của chính phủ và khuyến nghị của các hiệp hội trong ngành về ESG.
Những thay đổi về chính sách thuế cũng là mối quan tâm hàng đầu với nhiều doanh nghiệp bất động sản, bao gồm tăng thuế suất, thay đổi về chuyển giá/ chia sẻ lợi nhuận và tự động hóa trong việc thực thi pháp luật và nghĩa vụ về thuế. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cho biết họ sẽ tăng cường tính minh bạch đối với các báo cáo và dữ liệu, cũng như thực hiện việc bao thanh toán về tác động thuế của các sáng kiến ESG để có thể vận hành trơn tru hơn.
Tăng cường công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động
Không đầu tư vào công nghệ có thể là bước lùi đối với các doanh nghiệp và lãnh đạo của ngành bất động sản. Những công ty linh hoạt và đi trước bằng cách khám phá, ứng dụng các công nghệ bất động sản (proptech) có thể đạt được tiềm năng trong dài hạn.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản nên cân nhắc những lợi ích mà các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài và proptech có thể mang lại. Ví dụ, việc tận dụng các bên thứ ba để thực hiện các chức năng hỗ trợ văn phòng và hành chính có thể cho phép doanh nghiệp dành nhiều thời gian hơn để phát triển các dịch vụ cốt lõi. Các đối tác công nghệ có thể tối ưu hóa tệp khách hàng tiềm năng hoặc tăng cường hiệu quả vận hành thông qua hợp đồng thông minh hay các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Thu hút và giữ chân nhân tài
Ngày càng nhiều nhân sự trong ngành bất động sản tìm kiếm cơ hội mới để có mức thu nhập lớn hơn và các lựa chọn làm việc từ xa. Hiểu được những kỳ vọng này sẽ giúp các công ty bất động sản tuyển dụng và giữ chân nhân tài tốt hơn.
Hơn 40% số người được hỏi có kế hoạch thúc đẩy các sáng kiến đa dạng, bình đẳng và hòa nhập (DE&I), bổ sung thêm các quyền lợi về sức khỏe, đồng thời đưa ra các tùy chọn làm việc từ xa thường xuyên hơn cho nhân sự. Khoảng một phần ba cho biết các họ đang ưu tiên các biện pháp như thiết kế lại nơi làm việc, thực hiện lịch làm việc linh hoạt, cung cấp nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp và kỹ năng để có được những nhân sự giỏi.
-
Muốn thấy bất động sản hồi phục, phải đợi đến năm 2023
Du lịch mở cửa trở lại đã mang đến những tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, giới quan sát thị trường cho rằng thời gian vẫn còn quá ngắn để có thể phục hồi.
-
eMagazine: Liệu có làn sóng “cắt lỗ” bất động sản cuối năm?
Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản đang phải chật vật trong bối cảnh nguồn tín dụng vào lĩnh vực này bị siết chặt, thanh khoản tụt giảm. Nhiều người dự đoán thị trường sẽ xuất hiện làn sóng giảm giá, “cắt lỗ” trong thời gian tới....
-
Nhiều nguồn cung “lỡ hẹn” vào cuối năm
Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, nhiều “ông lớn” quyết định hoãn kế hoạch mở bán qua năm sau để chờ tín hiệu tốt hơn.
-
8 xu hướng của thị trường bất động sản thương mại trong năm 2023
Thị trường bất động sản thương mại tiếp tục trải qua những thách thức và cơ hội trong năm tới, nhưng bối cảnh chung được dự báo sẽ lạc quan hơn. Dưới đây là 8 xu hướng của năm 2023 mà các nhà phát triển, nhà đầu tư và khách hàng cần lưu ý....