ĐBQH: 'lấy đất của dân, đền bù rẻ rồi.. bỏ hoang'
Ngày 29/11 tới, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Luật đất đai (sửa đổi). Với tư cách một ĐBQH, ông có những kiến nghị nào đóng góp cho dự thảo?
Trong một phiên thảo luận gần đây, tôi đã đề xuất mấy ý kiến:
Về vấn đề thu hồi đất, mặc dù dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã được xem xét tại kỳ họp thứ hai 2 lần và tại thứ tư và thứ năm và hàng trăm hội nghị, hội thảo với rất nhiều ý kiến góp ý của nhân dân, các chuyên gia và các đại biểu Quốc hội.
Đề nghị không thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội mà nên đưa phương thức trưng mua quyền sử dụng đât đối với các dự án này, nhằm đảm bảo hài hòa, chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Theo tôi nếu Luật đất đai (sửa đổi) lần này vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Điều 62 của dự thảo luật thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lời giải.
ĐBQH Trần Ngọc Vinh: Ảnh: Lê Anh Dũng
Đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế - xã hội, phải phân loại chính xác các loại dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các mục đích và lợi ích cụ thể, tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất này, nhằm tránh lợi dụng và tạo ra các bất bình xã hội.
Tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo luật làm rõ thêm một số vấn đề ở Điều 62:
Thứ nhất, đề nghị chỉ những dự án do Nhà nước quyết định phê duyệt đầu tư thì Nhà nước mới thu hồi đất. Với dự án mà cơ quan nhà nước chỉ ra thông báo hoặc chấp nhận đầu tư thì không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất phải trưng mua quyền sử dụng đất. Quyền lợi, lợi ích giữa chủ đầu tư và người có đất bị thu hồi thuộc quan hệ dân sự được pháp luật bảo vệ.
Thứ hai, theo báo cáo của cơ quan thẩm tra, Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội quy mô lớn quan trọng của đất nước được quy định tại Điều 62. Cần làm rõ căn cứ vào yếu tố nào để các cơ quan thẩm trả đưa các dự án nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội tại Điều 62 vào diện Nhà nước cần phải thu hồi đất. Các dự án thuộc các ngành, nghề khác thì sao, phải chăng nó không quan trọng và không thiết thực?
Thứ ba, để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên đất, tôi đề nghị dự thảo luật cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thẩm quyền thu hồi đất nhằm tránh tình trạng áp dụng một cách tràn lan và quá giới hạn thu hồi đất.
Thời gian vừa qua là có nhiều khu công nghiệp lấy đất và đền bù với giá rẻ cho dân, nhưng đến nay phần lớn diện tích đất của các khu công nghiệp chưa có người sử dụng. Đất đai bỏ hoang.
Mục tiêu tăng cho ngân sách không những không đạt được mà ngân sách phải góp thêm tiền để nuôi bộ máy khu công nghiệp. Trong khi đó người dân bị mất đất không có đất canh tác.
Thứ tư, dự thảo luật cần làm rõ hơn thời điểm thu hồi đất diễn ra khi nào, tránh tình trạng cứ quy hoạch là thông báo thu hồi rồi lại để treo lãng phí rất lớn đến nguồn tài nguyên đất.
Ảnh: Duy Tuấn
Theo ông đâu là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng khiếu kiện về đất đai, đâu là mấu chốt cần sửa đổi?
Tại Mục 2, Chương VIII tôi cơ bản nhất trí với dự thảo luật quy định về nguyên tắc, phương pháp định giá đất. Tuy nhiên vấn đề tôi băn khoăn nhất trong các quy định về giá đất là thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh còn quy định quá lớn, vừa giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại vừa có quyền quyết định giá đất sẽ làm cho giá đất được quyết định thiếu khách quan, minh bạch. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về đất đai.
Trong khi vai trò, thẩm quyền của tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất được quy định rất mờ nhạt trong dự thảo luật. Vì vậy để đảm bảo tính minh bạch về định giá đất tôi đề nghị cần thiết phải thành lập một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai nhằm tách bạch cho được thẩm quyền quyết định về đất đai và thẩm quyền quyết định về giá đất. Tránh tình trạng một cơ quan vừa đá bóng, vừa thổi còi dẫn đến tình trạng lạm dụng làm thiệt hại đến quyền lợi và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất.
Dựa trên kết quả tham vấn, thăm dò ý kiến người dân, tổ chức Oxfam và Liên minh đất đai LANDA gần đây đã đưa ra Tuyên bố. Một trong những nội dung khuyến nghị là: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chỉ được phê duyệt khi đạt được sự đồng thuận của đa số người dân địa phương nơi quy hoạch và người bị thu hồi đất; tỉ lệ đồng thuận cần đạt ít nhất 70%.
Ông có ý kiến gì về khuyến nghị này?
Tại Điểm d, Khoản 4, Điều 71 dự thảo quy định: Ban thực hiện cưỡng chế đưa các cá nhân đó cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế đến nơi tạm đã được bố trí. Tuy nhiên dự thảo chưa quy định cụ thể vấn đề này như điều kiện ở tạm diện tích tối thiểu là bao nhiêu? Điện nước phục vụ sinh hoạt như thế nào? Thời gian tạm là bao nhiêu lâu? Trường hợp người dân không chịu chuyển khỏi nơi tạm thì xử lý thế nào? Đây là vấn đề quan trọng trong thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
Vì vậy, tôi cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể để địa phương có căn cứ thực hiện. Trường hợp không quy định trong dự thảo Luật đất đai thì cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể để thống nhất áp dụng trong cả nước.
Tại Khoản 3, Điều 84 dự thảo có quy định trong quá trình lập phương án chuyển đổi nghề, tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm phải lấy ý kiến của người có đất bị thu hồi. Dự thảo luật quy định cần xin ý kiến nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người có đất thu hồi để có phương án chuyển đổi nghề, tư vấn hỗ trợ, tìm kiếm việc làm là cần thiết.
Tuy nhiên tôi đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan lập phương án chuyển đổi nghề, tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm trong việc tiếp thu ý kiến của người có đất bị thu hồi; giải trình về những ý kiến của người có đất bị thu hồi không tiếp thu quy định này nhằm tránh việc lấy ý kiến của người dân và phương án chuyển đổi nghề, tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm chỉ mang tính hình thức.
Tôi tin tưởng rằng với những ý kiến đóng góp sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý lần này để cuối cùng thông qua sẽ khắc phục được những bất cập của Luật đất đai năm 2003 và quyền lợi của người dân trong trường hợp bị thu hồi đất được đảm bảo về bồi thường, hỗ trợ tái định cư kế sinh nhai. Từ đó giảm được tối đa những khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai đến các cấp chính quyền.
Xin cảm ơn ông!
-
Thu hồi đất để làm đường, cây trồng trên đất có được bồi thường?
Vườn nhà tôi rộng 2.300 m2, trong đó có 200m2 là đất ở còn lại là đất trồng cây lâu năm và ao nuôi cá.
-
Quản lý đất đai: Buông lỏng kỷ cương, chạy theo lợi nhuận doanh nghiệp
CafeLand - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc để xảy ra tình trạng vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai có sự tiếp tay của cá nhân, tổ chức. Việc xử lý sai phạm chưa dứt điểm gây hoài nghi trong dân....
-
Giá đất đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng: Vì sao thấp xa giá thị trường?
Việc áp giá thị trường khi bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) làm dự án đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, UBND các tỉnh, thành phố thường đưa ra mức giá thấp hơn giá thị trường khi thu hồi đất để thực hiện dự án. Việc này dẫ...