Cụ thể, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng công tác quản lý đất đai còn nhiều biểu hiện buông lỏng kỷ cương. Ở nhiều nơi vẫn còn quỹ đất sử dụng không hiệu quả hoặc để hoang hóa, hoặc để sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch.
Trong khi đó, nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có tâm huyết muốn đầu tư nhưng lại bị vướng. Đó là sự lãng phí rất lớn trong việc tận dụng các cơ hội để phát triển đất nước.
Ngoài ra, nhiều sai phạm chậm được xử lý nghiêm minh gây hoài nghi trong dân. Trong báo cáo chỉ ra nhiều địa chỉ sai phạm; nhiều sai phạm đã kéo dài nhưng việc xử lý chưa dứt điểm.
Vị này cho biết, trên thực tế có một số địa phương giao đất cho các nhà đầu tư để xây dựng căn hộ du lịch với hình thức đất ở nhưng không hình thành đơn vị ở. Theo báo cáo giám sát, đây là vấn đề chưa phù hợp với quy định.
Vì vậy, bà Hạnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần sớm nghiên cứu ban hành khung pháp lý để quản lý tốt những vấn đề này.
Đồng quan điểm với bà Hạnh, đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) cho rằng thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm toán về thực hiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung, đất đai tại đô thị nói riêng chưa được tăng cường, quan tâm đúng mức.
Công tác quản lý đất đai ở nhiều nơi còn tùy tiện, nhiều sai sót.
Việc xử lý vi phạm đất đai của cá nhân, tổ chức còn chậm, chưa nghiêm túc; thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, phiền hà, nhũng nhiễu gây tiêu cực bức xúc cho nhân dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, năng lực, trình độ, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực đất đai chưa được đề cao. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ như cơ quan tài nguyên, môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất, ban quản lý dự án, cơ quan chức năng quy hoạch xây dựng đô thị chưa có cơ chế giám sát của người dân về chính sách pháp luật về quản lý quy hoạch và sử dụng đất đai.
“Có nhiều trường hợp chính quyền đứng ra thu hồi đất của người dân với mục đích làm công trình công cộng. Song, sau một thời gian điều chỉnh quy hoạch thành đất thương mại, dịch vụ... tạo điều kiện đầu cơ đất đai cho doanh nghiệp, gây bất bình, bức xúc trong nhân dân và xã hội”, đại biểu này dẫn chứng.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cùng chung nhận định, cho rằng dù được xác định là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế nhưng công tác quản lý đất đai ở nhiều nơi còn tùy tiện, nhiều sai sót, lãng phí và không hiệu quả.
“Đánh giá trên có lẽ không quá vì đến nay vẫn còn địa phương gửi báo cáo không đúng thể thức, thậm chí có nơi vẫn không gửi cho đoàn giám sát. Xuất phát điểm của nhận thức và hành động trên phải chăng cũng từ tư duy quản lý tùy tiện, thậm chí cố tình của những người được trao trọng trách quản lý. Thay vì giữ gìn để biến nó thành nguồn lực phát triển kinh tế thì lợi dụng để mưu cầu lợi ích riêng tư”, đại biểu Nhân đặt vấn đề.
Nguyên nhân của tình trạng quản lý yếu kém, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), là do một số trường hợp quản lý thiếu trách nhiệm trong vấn đề đưa ra dự báo về phát triển kinh tế - xã hội của một số cơ quan chức năng, của một số tỉnh, thành phố. Đặc biệt là thiếu tầm nhìn bao quát, dài hạn nên chất lượng công tác quy hoạch đô thị chưa cao, thiếu đồng bộ, thiếu tính khả thi dẫn đến nhiều quy hoạch sau khi được phê duyệt điều chỉnh tổng thể phải điều chỉnh nhiều lần.
“Có những khu vực quy hoạch rồi, tiến hành rồi nhưng do chi phối của các doanh nghiệp nên nhiều lãnh đạo tỉnh, đi theo lợi ích doanh nghiệp, lợi ích cá nhân và làm cho quy hoạch thay đổi gây bức xúc cho người dân. Đặc biệt làm ách tắc giao thông ở đô thị hoặc vấn đề khác trong cảnh quan”, vị này cho biết.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị các sai phạm phát hiện qua thanh tra, ngoài xử lý nghiêm công chức cơ quan nhà nước vi phạm cũng cần phải xử lý tương xứng đối với doanh nghiệp, các chủ đầu tư.
"Vì sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Không thể vỗ tay bằng một bàn tay. Sai phạm xảy ra ngoài trách nhiệm vi phạm của công chức cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm vi phạm của doanh nghiệp, chủ đầu tư. Vì vậy, cũng cần phải xử lý nghiêm", ông Hàm nhấn mạnh.
-
Quản lý đất đai: Hoàn thiện thể chế - tạo đột phá
Đất đai là lĩnh vực luôn “nóng”, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và đòi hỏi có những giải pháp quản lý hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
-
Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán đã phát hiện các sai phạm từ đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN). Mới đây, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng "quản lý đất đai không ảnh hưởng đến CPH DNNN". Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nói không ảnh hưởng là không đúng.
-
Thu hồi đất để làm đường, cây trồng trên đất có được bồi thường?
Vườn nhà tôi rộng 2.300 m2, trong đó có 200m2 là đất ở còn lại là đất trồng cây lâu năm và ao nuôi cá.
-
Giá đất đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng: Vì sao thấp xa giá thị trường?
Việc áp giá thị trường khi bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) làm dự án đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, UBND các tỉnh, thành phố thường đưa ra mức giá thấp hơn giá thị trường khi thu hồi đất để thực hiện dự án. Việc này dẫ...
-
Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất thu hồi nhà tái định cư không có người về ở
CafeLand - Trước tình trạng có hàng trăm căn hộ tái định cư bị “quay lưng” dẫn đến các tòa nhà bị bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí ngân sách đầu tư của Nhà nước, mới đây Sở Xây dựng Hà Nội đã có đề xuất thu hồi các căn hộ này sau 2 năm người dân khô...