Cần phải xem xét việc cho phép thực hiện dự án BOT một cách tùy tiện, khi không có sự giám sát, khung pháp luật và sự tham gia của người dân.
Sau khi loạt 3 bài "Từ trạm thu phí Cai Lậy, cần xem xét lại loại hình đầu tư các dự án BOT" được đăng tải, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia đồng tình và cho rằng đa phần các dự án BOT đã triển khai đang rất tù mù về các phương án tài chính; thiếu công khai minh bạch trong đấu thầu; BOT tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, những nhóm lợi ích…
Vì vậy, theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Chính phủ cần phải xem xét lại loại hình đầu tư BOT một cách nghiêm túc.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
PV: Thưa ông, qua việc triển khai các dự án giao thông theo hình thức BOT trong thời gian qua, hạn chế lớn nhất là gì?
TS. Lê Đăng Doanh: Chúng ta đã triển khai ồ ạt nhiều dự án BOT trong cả nước mà không có khung pháp luật nào. Không có luật về BOT, không có luật về hợp tác công tư, cho nên có rất nhiều sơ hở. Một là khâu giám sát buông lỏng, chất lượng thế nào? tính giá thế nào đều không rõ.
Thứ hai là việc chỉ định thầu là 100%. Tại sao lại chỉ định như vậy? Có những nhà thầu rõ ràng là không có năng lực song bán cái ngay tại trận, “tay không bắt giặc”.
Thứ ba là lập trạm thu phí là không có bàn với người dân. Trong khi Việt Nam đã ký cam kết với WTO khẳng định: Mỗi một văn bản, mỗi một quyết định có liên quan đến người dân, doanh nghiệp là phải công bố trước từ 60 - 90 ngày để người dân góp ý kiến.
PV: Vậy sự phản đối của một số người dân, người tham gia giao thông qua lại các đoạn đường có thu phí BOT cần được tiếp thu như thế nào?
TS. Lê Đăng Doanh: Theo tôi, sự phản kháng dân sự, sự phản đối đó là điều cần phải lắng nghe, hoàn toàn hết sức nghiêm túc phải xem xét lại.
Tôi rất hoan nghêng là Thủ tướng đã đề nghị phải lập ngay luật về vấn đề này. Do vậy, vấn đề này phải rút kinh nghiệm là tại sao lại cho phép thực hiện một cách tùy tiện, khi không có sự giám sát, không có khung pháp luật và không có sự tham gia của người dân.
Cho nên tôi thấy, hiện tượng vừa rồi như ở Cai Lậy là bài học chung cho tất cả và phải rút kinh nghiệm.
PV: Không chỉ là những người dân trực tiếp tham gia giao thông mà hơn thế nữa “loạn” trạm thu phí BOT còn ảnh hưởng trong thu hút đầu tư cho cả vùng ĐBSCL. Ông phân tích sao đối với vấn đề này?
TS. Lê Đăng Doanh: Dĩ nhiên là như thế! Khi phí đội phí sẽ nâng chi phí doanh nghiệp tăng lên khiến doanh nghiệp không cạnh tranh được. Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập, nếu doanh nghiệp Việt không cạnh tranh được, họ sẽ phá sản. Người dân không có công ăn việc làm và hàng Việt không tiêu thụ được. Thậm chí, thị trường trong nước cũng bị xâm chiếm, thua ngay trên sân nhà.
Cho nên tác động này rất là sâu xa, rất nhiều mặt. Không chỉ tác động ngày hôm nay mà cả tương lai. Cho nên tôi nghĩ, việc này là việc rất nghiêm trọng, cần phải xem xét những lỗ hổng. Xem xét những ai chịu trách nhiệm gây ra, có trách nhiệm hành chính thì xử lý hành chính. Có trách nhiệm hình sự thì xử lý hình sự. Không thể bỏ qua được.
PV: Theo ông, trong thời gian tới, các dự án đầu tư theo hình thức BOT có còn được coi là “phép màu” để thay đổi hạ tầng giao thông nữa hay không?
TS. Lê Đăng Doanh: Theo tôi phải đưa ra xem xét quy hoạch lại từng điểm có hợp lý khi đặt trạm thu phí tại đó không, thu phí đến bao giờ, thu như thế nào và vấn đề này cần làm sớm, cần có sự giám sát của Quốc hội.
Trong tình hình vốn ngân sách rất khó khăn, nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL chưa có kết dư, chưa bội thu ngân sách thì nhất thiết cũng phải cân nhắc loại hình đầu tư này, giảm cái gọi là phong trào BOT.
Quan trọng hơn nữa là thực hiện công khai minh bạch, giám sát nghiêm túc và phải đấu thầu công khai.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Chủ đề: Các dự án BT, BOT,
Thanh Tùng (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.