04/11/2020 9:40 AM
Trò chuyện với Dân Việt, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho hay một đất nước không ai dám làm gì thì đất nước đó sẽ rất nghèo. Vì vậy, Chính phủ sớm có những chính sách để tạo ra những doanh nghiệp kết nối toàn cầu.

Theo chương trình, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV sẽ thảo luận về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020. Một trong những trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế đó là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đã không hoàn thành, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng không đạt kết quả như kỳ vọng. Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

TS Lê Đăng Doanh: "Một đất nước không ai dám làm gì thì đất nước đó sẽ rất nghèo" - Ảnh 1.

TS Lê Đăng Doanh

"Thủ thuật" cắt giảm giấy phép con của bộ ngành

Một trong những nội dung của mục tiêu cơ cấu lại khu vực kinh tế tư nhân của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 là phấn đấu đến cuối năm 2020, cả nước có 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không hoàn thành. Theo đánh giá của ông tình hình phát triển doanh nghiệp ở nước ta hiện nay đang có những vấn đề gì cần phải bàn?

Tỉ lệ 1 doanh nghiệp trên 1 nghìn dân là thước đo sự phồn vinh của đất nước. Một đất nước có nhiều doanh nghiệp hoạt động, có những doanh nghiệp ngừng hoạt động quay lại tiếp tục hoạt động thì nền kinh tế của đất nước đó sẽ rất năng động. Còn một đất nước không có ai dám làm gì cả thì đất nước đó sẽ rất nghèo.

Với những tiềm năng lớn của Việt Nam, việc chúng ta có 1 triệu doanh nghiệp trên 100 triệu dân thì không có gì là nhiều. So với tỉ lệ doanh nghiệp của các nước thì tỉ lệ đó còn thấp. Ví dụ như ở Hồng Kông, số người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh rất đông, một người có trình độ chuyên môn có khi là chủ của vài ba doanh nghiệp vì thế mà số doanh nghiệp của họ rất lớn.

Ở Việt Nam từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 đã xác định quyền tự do kinh doanh của công dân. Mỗi một công dân đều có quyền đăng kí doanh nghiệp. Trước đây, Luật Doanh nghiệp 1990, Chủ tịch tỉnh ký cho phép thành lập doanh nghiệp. Ông Đinh Hạnh nguyên là Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó mỗi chiều thứ 7 triệu tập tất cả các phòng ban để xét duyệt từng hồ sơ doanh nghiệp. Mỗi một tuần ông xét duyệt được hai doanh nghiệp. Như vậy tính ra, mỗi năm Hà Nội chỉ có hơn 100 doanh nghiệp thành lập mới.

Hay tại Đồng Tháp, trước có Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan, hơn 6 giờ sáng ông ngồi ở quán cà phê, doanh nghiệp nào đến gặp cần trao đổi gì ông sẽ tiếp thu và tìm phương án giải quyết. Do vậy năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đồng Tháp luôn xếp ở vị trí top đầu. Tới đây Đồng Tháp có tiếp tục giữ được vị trí đó không nó phụ thuộc vào người lãnh đạo đó có quan tâm, sâu sát với doanh nghiệp hay không.

TS Lê Đăng Doanh

Sau khi có luật quy định người Việt Nam có quyền đăng ký doanh nghiệp thì số doanh nghiệp đã tăng lên, tuy nhiên con số chưa thực sự nhiều. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là môi trường kinh doanh không minh bạch, rất nhiều người có thể can thiệp vào quá trình hình thành doanh nghiệp.

Trong khi đó, ở nước khác, khi thành lập doanh nghiệp được hỗ trợ rất nhiều, khi thành công, phát triển thì được khen thưởng nhưng ở ta chưa làm tốt việc này. Tại Việt Nam, cơ quan đang được giao làm nhiệm vụ này là Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù đã rất cố gắng nhưng quá trình thực hiện còn phụ thuộc vào những quy định ở trên. Thủ tướng Chính phủ thì thúc đẩy, các bộ ngành ra văn bản nhưng đến cấp dưới hơn khi triển khai lại có những mối quan tâm khác… gây khá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại TP.HCM môi trường được đánh giá thông thoáng hơn đối với doanh nghiệp. Người dân có trình độ có tỉ lệ thành lập doanh nghiệp khá cao.

Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 DN (Nguồn Vietnamnet)

Ví dụ như bà bán quầy báo nói rằng tôi có giấy phép được bán báo 3 tháng, sau 3 tháng tôi lại phải làm đơn xin phép thì mới được bán báo. Bán báo gì bán như thế nào đều phải đăng kí.Ở Việt Nam, lãnh đạo lương không đủ sống. Vì thế muốn sống họ phải tìm cách kiếm thêm thu nhập. Luật Doanh nghiệp 1999 được ban hành sau 3 tháng vẫn không thấy bộ nào có động thái gì hết cả. Sau này phát hiện ra có rất nhiều giấy phép con, chứng chỉ, điều kiện.

Hay có câu chuyện có anh làm sà lan ở Nam Định có thể đóng được 5 ngàn tấn nhưng lại chỉ được cấp phép làm 1 nghìn tấn. Chúng tôi hỏi tại sao thì được trả lời vì bộ chưa cho phép. Trên cơ sở sự việc đó chúng tôi mới làm báo cáo gửi lên Chính phủ và Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định bãi bỏ 286 giấy phép. Dân chúng, doanh nghiệp vui lắm.

Nhưng sau đó lại có báo cáo, các bộ có thêm giấy phép mới, rồi có loại giấy phép nữa, trước kia tách làm 3 loại giấy phép nhưng lại dồn 3 giấy phép vào một giấy phép và báo cáo đã đã bỏ bớt giấy phép nhưng thực ra một giấy phép nhưng có nội dung của cả 3 giấy phép.

Sớm hình thành doanh nghiệp kết nối toàn cầu

Những điều ông nói ở trên là khá phổ biến ở nước ta, gây cản trở đối với sự lớn mạnh của doanh nghiệp. Vậy theo ông, việc gì là cần kíp hiện nay để nhanh chóng gỡ khó cho doanh nghiệp?

Về cơ bản, sau khi thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép con, số lượng giảm đạt yêu cầu nhưng về thực chất thì doanh nghiệp không thấy có nhiều thay đổi. Thế thì vấn đề của Việt Nam là làm sao đạt được mật độ doanh nghiệp 74,4 doanh nghiệp trên 1 nghìn dân (hiện đang là 14,4 trên 1 nghìn dân). Vậy bao giờ mới đạt được mật độ này?

Vì nước Việt Nam muốn phồn vinh muốn phát triển nhanh, năng động phải có doanh nghiệp. Các nhà khoa học, bộ máy hành chính không tạo ra của cải mà của cải là do chính doanh nghiệp làm ra. Vì vậy cần phải tạo điều kiện một cách tối đa cho doanh nghiệp phát triển.

Hiện nay có những người trẻ họ làm về công nghệ thông tin, sáng tạo phần mềm phát triển rất mạnh. Hình thành một loại hình doanh nghiệp kết nối toàn cầu, có thể ngồi ở Hà Nội nhưng làm việc ở khắp nơi trên thế giới, lương trả qua tài khoản nước ngoài. Điều này cho thấy công nghệ, internet phát triển tạo ra cơ hội để cho người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh doanh.

Trong bối cảnh này, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân thì nhà nước phải cần nghiên cứu chính sách quản lý như thế nào cho thích hợp. Còn nếu bây giờ nhà nước lại tìm cách kiểm soát thì không thể thúc đẩy được doanh nghiệp phát triển, tạo động lực cho người dân tham gia kinh doanh. Và trong bối cảnh này nếu chúng ta không bắt kịp sẽ tụt hậu một cách thê thảm.

Cơ hội và thách thức đối với Chính phủ hiện nay trong phát triển kinh tế mang màu sắc mới, nó không chỉ là bãi bỏ giấy phép con như trước nữa mà bây giờ là công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ đó là điều kiện kết nối thế giới. Nếu như tạo dựng được không gian cho người Việt Nam kết nối và phát triển được thì điều đó có ý nghĩa rất lớn. Phải tạo ra không gian chứ không nên nghi ngờ cấm đoán, tất nhiên phải có cách kiểm soát hợp lý.

Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt trong giai đoạn tới, cần phải có những giải pháp nào để tạo sự đột phá trong phát triển doanh nghiệp?

Quốc hội cần phải xem xét lại vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là như thế nào? Thời gian qua kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo như thế nào? 12 đại dự án nghìn tỷ thua lỗ có chứng tỏ được vai trò chủ đạo hay không?

Trong kinh tế thị trường thì phải tự do cạnh tranh, chính tự do cạnh tranh tạo ra sự sáng tạo. Trong kinh tế thị trường có mệnh đề "phá sản là sự tàn phá sáng tạo". Phá sản không phải là sự kết liễu. Ví dụ một doanh nghiệp phá sản nhưng lao động vẫn còn đấy, kết quả kinh doanh của ông chủ cũ vẫn còn đấy giờ có một người mới đến mua lại rồi đầu tư khoa học công nghệ vào thì khả năng từ đống tro tàn lại có một "phượng hoàng" bay lên.

Phải cho phép cải cách nếu không cải cách rồi tiếp tục có doanh nghiệp đầu tư vào những dự án đó rồi cũng không mang lại kết quả gì. Đó là cái giá phải trả. Thử hỏi những dự án như Gang thép Thái Nguyên, Phân đạm Hà Bắc… chủ đạo cái gì?

Hiện trong khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam có 5 triệu hộ gia đình và hơn 670 nghìn doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nếu sử dụng trên 5 lao động thì phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng hầu hết hộ gia đình Việt Nam đều không muốn lên doanh nghiệp nên tìm mọi cách lách.

Vì thế, quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới là làm sao phải biến 5 triệu hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp hoặc ít nhất có 1 triệu hộ trong số đó phải trở thành doanh nghiệp vì theo luật thì những hộ kinh doanh này hoàn toàn xứng đáng. Để làm được điều này thì không có cách nào khác là phải có cơ chế chính sách tạo không gian kinh doanh phù hợp bởi thực tế tinh thần kinh doanh của người Việt không hề kém.

Để làm được điều trên thì nhất thiết Chính phủ phải có một đề án toàn diện. Vì không phải tất cả các tỉnh thành đều có truyền thống kinh doanh năng động như nhau. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm cũng nói lên một phần về sự năng động của tỉnh đó. Hiện TP HCM và TP Hà Nội còn rất nhiều tiềm năng để phát triển doanh nghiệp. TP HCM vốn năng động hơn còn Hà Nội cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để khuyến khích tư nhân đầu tư kinh doanh.

Một đất nước phát triển lành mạnh sẽ sinh ra những doanh nghiệp năng động, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Minh Lê (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.