ThS. Trần Hương Giang

ThS. Trần Hương Giang
Thạc sỹ Chính sách công (MPP) Đại học Fulbright Việt Nam

Rừng thông cổ thụ, sân golf và FLC

31/12/2020 8:41 AM
ThS. Trần Hương Giang ThS. Trần Hương Giang
CafeLand - Một nhà nghiên cứu từng nói với tôi rằng: “trước đây chúng ta thật sai lầm khi cho rằng đồng bào dân tộc thiểu số với văn hóa du canh du cư là tác nhân phá rừng mạnh mẽ nhất, bây giờ thì đã rõ, người Kinh mới là nhóm gây ảnh hưởng đến môi trường sống nhiều nhất”. Thời gian trôi qua, ngẫm lại câu nói này, tôi lại thấy điều người ấy chia sẻ rất đúng.

Những khu rừng với các thân cây gỗ sần sùi và mấy tán lá xanh um xòe ra che phủ một vùng đất rộng lớn ít khi xuất hiện trực diện trước mặt cư dân sống ở thành phố hay vùng đô thị phát triển nên thường khó nhận được sự quan tâm của công chúng. Dù tính nhận diện thấp nhưng rừng vẫn ngày đêm âm thầm cung cấp oxy giúp thanh lọc không khí, điều hòa nguồn nước, ngăn chặn bão lũ, là nơi cư trú của nhiều loại động thực vật,… Nhắc đến rừng là nhắc đến vai trò bảo vệ sự sống. Thế nhưng, khi xã hội ngày càng phát triển cùng với việc bùng nổ các hoạt động kinh tế, nhân loại dường như đang nỗ lực đánh đổi sự sống ấy để có được những lợi ích vật chất trong ngắn hạn nhiều hơn.

Theo tôi, rừng là hàng hóa công, vì thế, những chính sách xoay quanh rừng cũng nên được thiết kế căn cứ vào tính chất này. Về cơ bản, một hàng hóa công bao gồm hai đặc điểm chính đó là: tính không tranh giành và không loại trừ. Rừng thường được ví như mẹ thiên nhiên đã đem đến cho những người con của mình một môi trường sống trong sạch và an toàn. Sản phẩm của người mẹ ấy luôn sẵn có và đủ để cung ứng cho tất cả những sinh linh tồn tại trên mặt đất. Tính không loại trừ của rừng thể hiện ở việc một người được hít thở không khí trong lành do rừng mang lại cũng không làm giảm khả năng được tận hưởng điều này của một người khác. Có thể thấy rừng luôn nhân ái và công bằng đối với tất cả chúng ta khi phục vụ hào phóng và vô điều kiện.

Vậy ngược lại, chúng ta đã đối xử với rừng như thế nào? Ở Việt Nam, thực trạng muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng những công trình hướng đến các hoạt động kinh tế ngày càng phổ biến. Gần đây nhất là việc tỉnh Gia Lai xin chuyển mục đích sử dụng 174 ha rừng thông để xây dựng khu du lịch và sân golf Đak Đoa, huyện Đak Đoa. Khi cân nhắc chính sách này, Nhà nước cần so sánh lợi ích sử dụng đất rừng với việc đổi mục đích sử dụng đất cho các hoạt động kinh tế dưới góc độ hàng hóa công và hàng hóa tư.

Nếu không đánh giá rừng như một hàng hóa công thì chúng ta sẽ thấy giá trị mà rừng đem lại khó mà bì kịp với hàng ngàn tỷ đồng có được từ những dự án khổng lồ, những tòa nhà chọc trời, những phân xưởng làm việc ngày đêm mang đến thu nhập cho biết bao nhiêu người lao động. Tuy nhiên, những hạng mục được kể trên lại là hàng hóa tư ra đời nhằm phục vụ lợi ích cho một nhóm người nhất định trong xã hội.

Tất nhiên, những dự án lớn có thể phục vụ cho nhu cầu của hàng ngàn người nhưng lại không phải là tất cả, hàng hóa tư vẫn có tính tranh giành và loại trừ. Trong khi đó, sản phẩm rừng đem lại cho nhân loại tuy miễn phí nhưng lại là vô giá, không gì có thể thay thế được. Hiểu như vậy để thấy rằng việc bảo vệ một loại hàng hóa công như rừng là đã tiết kiệm được biết bao nhiêu chi phí bảo vệ môi trường khi mất đi người mẹ thiên nhiên này.

Trong khi đó, vai trò quan trọng của rừng đối với cuộc sống con người là không thể chối cãi nhưng trải qua nhiều thời kỳ, diện tích đất trồng rừng vẫn phải tiếp tục nhường chỗ cho các hoạt động khác. Rõ ràng việc bảo vệ rừng không nên chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi hay chỉ trích hành động muốn chuyển đổi đất rừng mà những người làm chính sách cần có sự quan tâm nhiều hơn những đối tượng liên quan trực tiếp đến sự hiện diện của rừng.

Tất nhiên, nếu tham khảo ý kiến của hầu hết những người dân trong nước thì chắc chắn quan điểm bao trùm sẽ là không chấp nhận thay thế rừng bằng bất cứ hạng mục nào khác. Nhưng ở những địa phương có phần lớn diện tích đất là rừng thường tập trung ở các vùng xa xôi hẻo lánh, người dân vẫn đang thiếu thốn cơ hội việc làm để tăng thu nhập, chính quyền vẫn đang cần có thêm nguồn thu ngân sách cho mục đích công, nền kinh tế vẫn chưa thể phát triển. Bối cảnh này rất dễ dẫn đến nhu cầu muốn sử dụng đất rừng để tạo ra các mô hình kinh doanh cải thiện đời sống cho những đối tượng có liên quan.

Sứ mệnh của các địa phương nắm giữ diện tích đất trồng rừng đối với cả nước là rõ ràng, tuy nhiên, để thực hiện được sứ mệnh đó, chính quyền và người dân tại đây sẽ phải sử dụng nguồn lực của mình để bảo vệ rừng, một hoạt động công ích không đẹm lại nhiều thu nhập cho họ. Nếu nhìn thấy được thiệt thòi của những địa phương nắm trọng trách chăm sóc lá phổi của đất nước, một chính sách ưu đãi hay thúc đẩy các cơ hội kinh tế đặc thù cho các địa phương này cũng nên được xem là một giải pháp bảo vệ rừng. Nếu chính quyền và người dân ở những nơi có diện tích đất trồng rừng lớn có thêm nhiều cơ hội làm ăn và phát triển kinh tế, họ sẽ ít có động cơ muốn chuyển đổi mục đích đất trồng rừng sang các hoạt động khác.

Bài toán bảo vệ rừng, người mẹ thiên nhiên của chúng ta, nên được nhìn nhận sâu rộng và có tính cảm thông nhiều hơn. Rừng bao đời nay vẫn rộng lòng chở che và yêu thương con người. Tuy nhiên, để tình yêu đó được tồn tại bền vững và lâu dài, một bài toán chính sách sao cho tất cả những đối tượng liên quan đến rừng đều được quan tâm và bảo vệ quyền lợi chính đáng là điều mà những người làm công tác quản lý cần chú trọng.

Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) đang đề xuất thực hiện dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái được xây dựng tại thị trấn Đak Đoa với một số thông tin sau:

Địa điểm: Thị trấn Đak Đoa, Xã Glar và xã Tân Bình, Huyện Đak Đoa, Tỉnh Gia Lai

Tổng diện tích: Khoảng 500 ha (Giai đoạn 1: 197 ha)

Tổng vốn đầu tư: Khoảng 3.631 tỷ đồng (Giai đoạn 1)

Hạng mục đầu tư:

  • Sân golf
  • Trung tâm hội nghị quốc tế
  • Khách sạn
  • Khu nhà ở biệt thự và liền kề
  • Khu vui chơi, thể thao ngoài trời
  • Công viên
  • Trường học liên cấp
  • Safari

Thời gian khởi công: Quý IV/2021

Thời gian hoàn thành: Năm 2022

Thời gian qua Tập đoàn FLC rất tích cực trong việc đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng và sân Golf. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng để lại không ít tai tiếng trên thị trường bất động sản khi không bàn giao nhà cho người mua đúng tiến độ hay không thực hiện được nhiều dự án như cam kết. Giá cổ phiếu FLC hiện đang được giai dịch quanh mức 4.500 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa của doanh nghiệp này khoảng 3.100 tỉ đồng, bằng 1/3 so với giá trị sổ sách. Rất nhiều cổ phiếu liên quan tới FLC đang được giao dịch quanh mức 1.000 -3.000 đồng/cổ phiếu. Điều này đang gây nghi ngại cho không ít người về năng lực tài chính và khả năng thực hiện dự án một cách hiệu quả của tập đoàn này.

https://www.flc.vn/wp-content/uploads/2019/10/Untitled-3-01_1570670803.jpg

Hình phối cảnh dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Gia Lai

Trần Hương Giang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.