30/12/2020 9:25 AM
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang cân nhắc rất kỹ và muốn lắng nghe các ý kiến trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi rừng thông Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) để làm sân golf, khu du lịch.

Đồi cỏ hồng - nơi dự kiến được chuyển đổi để làm dự án sân golf Đak Đoa, Gia Lai - Ảnh: Huỳnh Công Đông

Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc tỉnh Gia Lai xin chuyển mục đích sử dụng 174ha rừng thông để xây dựng khu du lịch và sân golf Đak Đoa, huyện Đak Đoa.

Ông Tuấn khẳng định chủ trương, pháp luật về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hiện nay rất chặt chẽ. Ông Tuấn cho biết diện tích rừng xin chuyển đổi mục đích là rừng thông trồng cách đây 40-50 năm.

"Đây là vùng mà tỉnh có chủ trương dự án làm du lịch, sân golf từ lâu và địa phương cũng rất cân nhắc. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa đồng ý để tỉnh chuyển đổi rừng" - ông Tuấn khẳng định.

Ông Tuấn cho biết tỉnh Gia Lai nhận định đây là dự án rất cần thiết cho kinh tế địa phương, Chính phủ đã đồng ý chủ trương, việc chuyển mục đích sử dụng rừng là rừng thông trồng, không có rừng tự nhiên. Tỉnh cũng cam kết đảm bảo không chặt cây nào mà sẽ di thực để giữ lại toàn bộ số cây này.

"Tuy nhiên, chủ trương dự án đã có nhưng chủ trương cuối cùng là có chuyển mục đích sử dụng rừng hay không thì Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang cân nhắc rất kỹ mặc dù hội đồng các bộ, ngành đã thẩm định và nhận thấy là dự án này cần thiết, giải pháp của tỉnh đưa ra là được. Tuy nhiên, bộ là đơn vị ký trình nên phải cân nhắc. Bộ cũng áp lực và muốn lắng nghe các ý kiến trước khi đưa ra quyết định" - ông Tuấn nói.

Bộ Nông nghiệp chưa đồng ý chuyển đổi rừng thông Đak Đoa làm sân golf - Ảnh 2.

Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn - Ảnh: Chí Tuệ

Trước đó, trong bài viết "Có nên đổi rừng lấy sân golf?" đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 18-12, nhiều chuyên gia khuyến nghị các địa phương phải hạn chế, tiến tới không cho phép sử dụng đất rừng làm sân golf. Với đồi cỏ hồng tại Đak Đoa, không thể cấp phép làm sân golf vì đây là một danh thắng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nên ưu tiên phát triển thành một địa danh du lịch sẽ tốt hơn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần ngăn chặn tình trạng nhiều chủ dự án sân golf lợi dụng cấp phép đầu tư sân golf để xây dựng khách sạn nhằm kinh doanh cho thuê, thậm chí xây dựng nhà ở, biệt thự để bán ngay trong khu vực sân golf.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc chuyển mục đích sử dụng rừng quy mô lớn để làm sân golf phải được cân nhắc cẩn trọng, trước khi chuyển đổi cần có những phân tích, đánh giá sâu tác động đa chiều của việc triển khai dự án đến kinh tế, môi trường và xã hội.

Ngày 24-12, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc nghiên cứu, xử lý thông tin báo Tuổi Trẻ phản ánh về dự án sân golf Đak Đoa.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng kết quả.

Liên quan đến việc xin chuyển đổi mục đích 4.700ha rừng Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), ông Tuấn cho biết dự án công trình thủy lợi Ia Mơr đã triển khai hơn 10 năm nay.

Trong đó, vùng tưới của dự án lên tới 11.000ha rừng, riêng huyện Ea Súp (Đắk Lắk) 4.000ha đã làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích xong từ nhiều năm trước. Còn Gia Lai đến nay mới xin chuyển đổi thì phải rà soát theo đúng luật và diện tích phải chuyển đổi của Gia Lai lên tới hơn 7.000ha.

"Nhưng một số diện tích trong vùng tới đó nước chảy đến đâu khai hoang đến đó để làm nhà dân, trồng cao su và cây trồng khác. Sau khi rà soát lại thì còn 4.700ha phải làm thủ tục xin chuyển đổi" - ông Tuấn nói

Theo ông Tuấn, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ở la Mơr là cần thiết và không thể không chuyển đổi. Tuy nhiên muốn chuyển phải làm đúng thủ tục, quy định.

Chí Tuệ (Tuổi Trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.