09/10/2014 9:28 PM
Đến năm 2020, thậm chí xa hơn nữa, chợ truyền thống vẫn là loại hình phân phối hàng hóa chủ yếu, các mô hình khác chưa thể thay thế.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Chiến, chuyên gia thương mại nhận định:

- Quy hoạch chợ toàn quốc được thực hiện theo Quyết định số 12/2007 của Chính phủ, nhưng chỉ cho các chợ lớn. Quy hoạch các chợ hạng 2, hạng 3 do UBND các tỉnh, thành phố quyết định.

Do đó, các tỉnh có quy hoạch chợ riêng biệt và mô hình cũng khác nhau, có tỉnh lồng ghép quy hoạch chợ với quy hoạch siêu thị hay trung tâm thương mại, có tỉnh lại gắn quy hoạch chợ với quy hoạch thương mại. Song dù mô hình nào, vấn đề cơ bản vẫn nằm ở chất lượng của quy hoạch.

Thực tế cho thấy, không ít quy hoạch chợ không phù hợp thực tế. Hà Nội xây dựng quy hoạch chợ rất sớm, từ năm 1998 nhưng không theo kịp sự phát triển khi để chợ đầu mối lọt thỏm giữa khu nội đô. Không ai tính trước được việc Hà Nội mở rộng bao gồm cả Hà Tây.

* Các địa phương đều nói thiếu vốn xây chợ, nhưng ở các chợ đã xây xong, tỷ lệ lấp đầy thấp, ông nói gì về điều này ?

- Chọn địa điểm xây chợ rất quan trọng, không thể theo ý chí chủ quan của một người hay một số người. Chợ khác trường học, khác bệnh viện, khác cơ quan hành chính nhà nước, xây ở đâu thì học sinh, bệnh nhân, người dân cần vẫn phải đến. Chợ có đặc thù riêng, nếu không phù hợp với tập quán tiêu dùng, không thuận tiện cho người mua, người bán, hiệu quả mang lại sẽ rất thấp.

Một vấn đề quan trọng nữa, thiết kế chợ không đúng công năng, không tạo thuận lợi cho người mua, người bán, sẽ không phát huy được công suất. Đặc thù chợ truyền thống và chợ kết hợp trung tâm thương mại rất khác nhau. Giá thuê mặt bằng chợ kết hợp trung tâm thương mại không rẻ như chợ truyền thống.

Nhà đầu tư bỏ vốn lớn xây công trình, thu lại là đương nhiên, nhưng giá thuê cao vượt quá khả năng của các hộ kinh doanh, đồng thời tác động đến giá cả hàng hóa bán tại đây.

Đối tượng vào chợ và chợ kết hợp trung tâm thương mại khác nhau về thu nhập. Vào chợ, phần lớn là người có thu nhập trung bình, còn vào chợ kết hợp trung tâm thương mại là người có thu nhập trung bình và cao.

Một yếu tố nữa là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc để tồn tại chợ cóc, thậm chí còn thu phí, xung quanh các chợ kết hợp trung tâm thương mại. Ở đây, người mua, người bán có thể trao đổi trực tiếp, giá rẻ, ai vào chợ kết hợp trung tâm thương mại làm gì?

* Vậy, làm gì để chợ xây xong có thể hoạt động hiệu quả, thưa ông ?

- Quy hoạch chợ vừa cần thiết cho quản lý nhà nước, vừa là cơ sở để nhà đầu tư yên tâm về mặt pháp lý, nhưng muốn chợ hoạt động hiệu quả phải làm tốt ngay từ khâu quy hoạch. Chẳng hạn, khi chọn địa điểm, cơ quan quản lý và nhà tư vấn phải khảo sát rất kỹ về dung lượng thị trường, về số lượng thương nhân trên địa bàn, số dân, lượng hàng hóa, thói quen mua bán.

Một điều quan trọng nữa là phải lấy ý kiến của người dân và tiểu thương về vị trí đặt chợ. Các nhà quản lý phải suy nghĩ về việc đa số người dân, và tiểu thương ủng hộ điểm A thay vì điểm B, dù nó không đúng ý mình song nó xuất phát từ nhu cầu thực tế.

* Cảm ơn ông.

Tại các nước thương mại phát triển như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Pháp... vẫn duy trì chợ truyền thống và Việt Nam cũng không ngoài xu hướng này. Hiện cả nước mới có khoảng 8.500 chợ, nếu tính trên 90 triệu dân thì không nhiều. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại vẫn rất ít, khoảng 600 siêu thị, 150 trung tâm thương mại, tập trung ở Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, còn vùng nông thôn chủ yếu là chợ truyền thống.
Hải Vân (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.