Ông Đính cho rằng, lực của doanh nghiệp trên thị trường vẫn còn yếu, năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng yếu, rất khó để có những sự phát triển tăng tốc trong năm 2024.
Ông đánh giá thế nào về cơ hội của doanh nghiệp và thị trường bất động sản năm 2024?
Ông Nguyễn Văn Đính: Năm 2023, những vấn đề khó khăn, vướng mắc của thị trường vẫn chưa được xử lí dứt điểm. Bước sang 2024, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong hoạt động phát triển đầu tư và dự án bất động sản. Lực của doanh nghiệp trên thị trường vẫn còn yếu, năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng yếu, rất khó để có những sự phát triển tăng tốc trong năm 2024.
Tuy nhiên vẫn phải khẳng định năm 2024 là một năm rất nhiều cơ hội, và điểm sáng. Đơn cử là sự quyết liệt của Chính phủ, chắc chắn sẽ mạnh hơn năm 2023. Những chỉ đạo có thể sẽ sát sao và trực diện vào những vấn đề khó khăn hơn.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có những buổi làm việc với chính quyền các địa phương , bộ ngành, doanh nghiệp và các hiệp hội để xây dựng những kế hoạch trong năm 2024. Đây là những trạng thái quyết liệt mà tôi tin rằng sẽ có những tác động tích cực đối với thị trường trong thời gian tới.
Vấn đề của doanh nghiệp là phải tự nâng cao sức đề kháng, để hấp thụ tốt hơn các cơ chế chính sách, đặc biệt là về vốn. Các giải pháp từ Chính phủ, cơ quan quản lý cũng cần đồng bộ hơn để tạo ra những động thái tốt, tín hiệu tích cực trên thị trường.
Theo ông, cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp đã đươc thể hiện ra sao thời gian gần đây?
Năm 2023, chúng ta đã kí kết, hợp tác với nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. Các hợp tác này chắc chắn sẽ có sự khởi động trong năm 2024 khi nhiều “đại bàng” đã vào thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, đặc biệt là một số nhóm tỉ phú về ngành công nghệ, điện tử số đang tìm những nơi thích hợp để xây dựng “tổ lớn” về đào tạo và sản xuất chip, công nghệ số.
Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam cất cánh, là những tín hiệu rất tốt cho sự phát triển. Đồng thời, Chính phủ đang thúc đẩy rất mạnh hoạt động đầu tư công, từ đó kích thích sự phát triển kinh tế, kích thích sản xuất. Nhất là thị trường bất động sản, những khu vực được đẩy mạnh đầu tư công sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng.
Do đó, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thị trường 2024 cũng sẽ chứa đựng nhiều cơ hội, tuy chưa xuất hiện “đỉnh” nhưng năm 2024 sẽ nhìn thấy điểm xuất phát của một chặng đường mới của nền kinh tế cũng như ở thị trường bất động sản.
Vậy những rào cản nào cần tháo gỡ để hiện thực hoá những cơ hội đặt ra trong năm 2024, thưa ông?
Tôi cho rằng trước hết cần xác định rõ công tác quy hoạch. Rất may mắn năm nay việc quy hoạch đang được thực hiện với tốc độ rất tốt, khoảng 40 tỉnh thành được xây dựng quy hoạch trong năm 2023 và chúng tôi đang nhận những tín hiệu trong khoảng nửa năm đầu năm 2024 có thể hầu hết các tỉnh thành sẽ được phê duyệt quy hoạch. Đó cũng là cơ sở để phát triển các dự án đặc biệt trong đó có quy hoạch về các nhà ở xã hội.
Vấn đề thứ hai, Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải xử lí cái khó rất quan trọng đó là những rào cản trong việc phát triển nhà ở xã hội. Chúng tôi hy vọng 2024 sẽ có nhiều khu nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, đây sẽ là những sản phẩm chủ đạo của thị trường bất động sản 2024.
Theo ông trong năm 2024, doanh nghiệp có thực hiện được việc giảm giá nhà?
Tôi nghĩ đây là một vấn đề khó có thể làm được. Đây rõ ràng là một bài toán khó bởi vì chi phí ở các ngành đầu vào của bất động sản đều tang. Bên cạnh đó, các quá trình xử lí thủ tục rất phức tạp, khó khăn về đấu thầu, đấu giá rồi các doanh nghiệp phải tự thỏa thuận đền bù đất. Đặc biệt là giá đất đang rất cao trên thị trường… Tất cả các yếu tố đầu vào bất động sản đều tang nên để giảm được giá nhà, phải có sự hỗ trợ rất mạnh về các thể chế.
Thứ nhất là rút ngắn các thủ tục, tiết kiệm chi phí, duy trì các mức lãi suất đặc biệt là các gia hạn về đất đai. Nếu không có sự điều chỉnh hợp lí thì sẽ rất khó để giảm được giá nhà, vì vậy việc giảm giá nhà là bài toán rất khó, phải giải quyết tất cả các vấn đề đó thì mới có thể đạt được.
Mặt khác, quá trình quản lý, sàng lọc thị trường, nhất là giám sát hoạt động môi giới phải tốt hơn. Môi giới đủ điều kiện đảm bảo năng lực mới có thể hoạt động.
Như vậy chúng ta sẽ quản lý được đầy đủ hoạt động của các môi giới trên thị trường, hạn chế việc môi giới bắt tay với đầu cơ gom hàng, thổi giá, đẩy giá bất động sản lên cao.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, theo ông doanh nghiệp phải làm gì để nắm bắt được những cơ hội sắp tới?
Doanh nghiệp phải cấu trúc bộ máy làm sao để phù hợp với khả năng, năng lực của mình, lựa chọn thị trường, mục tiêu sao cho phù hợp với năng lực, đặc biệt là lựa chọn các sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của thị trường, tức là nhu cầu của đại bộ phận dân chúng.
Kể cả các doanh nghiệp làm các sản phẩm cao cấp, hạng sang nên cấu trúc lại tỷ lệ bao nhiêu, nên dành một phần để tham gia vào phân khúc thị trường có giá thành phù hợp. Mặt khác, doanh nghiệp nên có giải pháp để có thể hấp thụ được các dòng vốn của xã hội, ngân hàng, nhà đầu tư một cách hiệu quả nhất.
Xin cảm ơn ông!
-
Làn sóng FDI dự báo bùng nổ trở lại vào năm 2025
Thực tế thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam 2024 đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên trong bối cảnh chính trị mới, giới chuyên gia đầu ngành dự báo, làn sóng đầu tư sẽ bùng nổ trở lại trong năm 2025, khi các doanh nghiệp FDI đã và đang mở ...
-
Bao giờ bất động sản nghỉ dưỡng mới “tan băng”?
Mặc dù nguồn cung ghi nhận có tăng nhẹ nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Lượng giao dịch tập trung ở những sản phẩm có giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn.
-
Điểm tên loạt khu vực có nhiều tiềm năng phát triển bất động sản tại miền Trung - Tây Nguyên
Theo quy hoạch, nhiều đô thị tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ được nâng cấp trở thành đô thị loại 1, loại 2,… Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản các địa phương trong thời gian tới....