13/09/2024 9:03 AM
Mặc dù nguồn cung ghi nhận có tăng nhẹ nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Lượng giao dịch tập trung ở những sản phẩm có giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn.

Sức cầu và thanh khoản giảm

Theo dữ liệu của DKRA, trong tháng 8, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận 2.180 căn, tăng nhẹ so với tháng 7 nhưng giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm 2023. Thanh khoản thị trường ở mức thấp, sức cầu giảm xấp xỉ 22%. Lượng giao dịch tập trung ở những sản phẩm có mức giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn.

Giá bán sơ cấp có xu hướng đi ngang, ở miền Bắc dao động 6 - 106 tỷ đồng/căn, miền Trung 14,6 - 134,4 tỷ đồng/căn và miền Nam ở mức 5,2 - 155,7 tỷ đồng/căn. Dự báo thị trường tiếp tục gặp nhiều khó khăn về thanh khoản lẫn khả năng tăng giá khi niềm tin của nhà đầu tư cũng như động thái phục hồi của phân khúc này vẫn còn rất thấp.

Với nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, nguồn cung trong tháng ghi nhận 2.907 căn, tương đương hồi tháng 7. Toàn bộ sản phẩm này đến từ lượng hàng tồn kho của các dự án cũ đã mở bán từ những năm trước. Thanh khoản thị trường gần như chững lại, đa số dự án đóng giỏ hàng khiến thị trường không ghi nhận giao dịch trong tháng vừa qua.

Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, ở miền Bắc dao động 4,6 - 34,2 tỷ đồng/căn, miền Trung khoảng 6 - 56,7 tỷ đồng/căn, miền Trung khoảng 5,8 - 70 tỷ đồng/căn và Tây Nguyên ở mức 5,2 - 16,2 tỷ đồng/căn.

Trong khi đó thị trường thứ cấp ghi nhận những sản phẩm giảm giá 30 - 40% vẫn gặp khó trong thanh khoản. Sức mua giảm mạnh, nguồn cung mới vắng bóng, lượng hàng tồn kho giá trị cao,... đã gây ra những trở ngại đáng kể trong những tháng 8, khiến phân khúc này gần như rơi vào chu kỳ ngủ đông kéo dài.

Với condotel, nguồn cung ghi nhận 4.826 căn, giảm 7% so với tháng trước và hầu hêt đến từ lượng hàng tồn kho từ những dự án cũ (chiếm 99% tổng nguồn cung). Sức cầu thị trường giảm hơn 53% so với tháng trước, giao dịch chủ yếu tập trung ở những dự án có pháp lý hoàn thiện với giá bán dưới 3 tỷ/căn.

Một số dự án nghỉ dưỡng khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hoà. Ảnh: Kỳ Nam - Người Lao động

Mặt bằng giá bán vẫn neo ở mức cao. Giá bán condotel sơ cấp ở khu vực miền Bắc dao động 36,6 - 141,1 triệu đồng/m2, miền Trung khoảng 42,4 - 180 triệu/m2 và miền Nam khoảng 55,5 - 154,5 triệu/m2. Miền Trung chiếm 67% tổng nguồn cung và 65% tổng lượng tiêu thụ cả nước. Thị trường vẫn gặp khó trong thanh khoản và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.

Theo Báo cáo mới đây của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã có tín hiệu tích cực hơn ở quý 2 so với quý 1. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, dù nguồn cung và lượng giao dịch ghi nhận tăng mạnh so với cùng kỳ.

6 tháng đầu năm 2024, toàn thị trường ghi nhận 3.114 sản phẩm mở bán mới, gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2023 nhưng mới chỉ bằng 27% cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới trong 2 quý đầu năm đạt 58% tương đương với 1.799 giao dịch. Tuy nhiên, 87% nguồn cung, 94% lượng giao dịch đến từ 1 dự án phân khúc căn hộ du lịch (condotel) duy nhất ở tại Nha Trang và hiếm hoi trên cả nước được cấp sổ hồng.

Do đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc khá trầm lắng trên thị trường trong nửa đầu năm nay, tuy nhiên đã có những tín hiệu phục hồi nhất định. Đặc biệt, biệt thự nghỉ dưỡng và nhà mặt phố đã ghi nhận sự phục hồi rõ rệt hơn so với condotel. Sự chuyển biến này đang diễn ra mạnh mẽ ở các tỉnh phía Bắc, nhất là trong các dự án liên quan đến du lịch đường bộ. Tuy nhiên, các tỉnh phía Nam như Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc vẫn chưa thấy sự tăng trưởng đáng kể trong tìm kiếm bất động sản nghỉ dưỡng.

Nhiều chủ đầu tư vẫn thua lỗ

Theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn lỗ sau thuế khoảng 199,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Mức này cao gấp 5,8 lần so với cùng kỳ và vượt cả khoản lỗ hơn 152 tỷ của cả năm 2023. Hưng Thịnh Quy Nhơn là chủ đầu tư dự án Merryland Quy Nhơn và Grand Center Quy Nhơn (Bình Định).

Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sông Tiên cũng báo lỗ hơn 62 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, gấp 2,8 lần cùng kỳ. Đây là chủ đầu tư của Angel Island - tuy nằm tại cù lai Nhơn Phước (Đồng Nai) không giáp biển, dự án vẫn được định vị là khu đô thị du lịch với nhiều tiện ích giải trí, nghỉ dưỡng.

Tonlin Land - chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng phức hợp Le Méridien Đà Nẵng - đã lỗ liên tiếp từ khi công bố thông tin năm 2021 đến nay. 6 tháng qua, công ty này báo lợi nhuận âm hơn 8 tỷ đồng.

Khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Đồ Sơn (Hải Phòng).

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương - chủ khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Đồ Sơn (Hải Phòng) - cũng hụt hơn 34 tỷ đồng lợi nhuận.

Ngoài ra, Sunbay Ninh Thuận - đơn vị đầu tư tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang (Ninh Thuận) - báo lỗ hơn 14 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Crystal Bay lỗ gần 76 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Họ đầu tư nhiều dự án như SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang, Sailing Bay Ninh Chữ (Ninh Thuận, Crystal Marina Bay (Khánh Hoà)...

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng giao dịch có phần kém do nguồn cung yếu, hàng tồn kho chủ yếu là sản phẩm giá trị cao, phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm đã cắt lỗ từ trước của các chủ đầu tư.

Trong khi đó, niềm tin nhà đầu tư chưa được phục hồi do hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, thanh khoản kém... Ông Đính đưa ra thông tin, phần lớn giao dịch tập trung ở những dự án biệt thự nghỉ dưỡng có mức giá bán dưới 10 tỉ đồng/căn, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ thi công đảm bảo và các căn hộ du lịch có giá trị dưới 3 tỉ đồng/căn.

Riêng sản phẩm biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng, nhà ven biển ghi nhận lượng quan tâm nhiều hơn từ nhóm có nhu cầu sở hữu second-home và nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, một số dự án condotel vẫn đóng giỏ hàng, không phát sinh giao dịch do vướng mắc pháp lý.

Cần sớm lấp đầy khoảng trống pháp lý

Chủ tịch VARS dự báo, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng năm 2024 sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức và chỉ có thể xoay chuyển tình thế tốt nếu ngành du lịch đạt được kết quả ấn tượng.

Nguồn cung sẽ có cơ hội được cải thiện, song số lượng là không nhiều, dự kiến tăng khoảng 20% so với năm 2023. Sản phẩm mới chủ yếu là các căn hộ du lịch ở những dự án quy mô lớn, dự kiến chiếm ít nhất 60% thị phần.

Giá bán sơ cấp lẫn thứ cấp đều có xu hướng cải thiện nhẹ. Tại thị trường thứ cấp, giá căn hộ du lịch khoảng 50 triệu đồng/m2 sẽ tiếp tục đi ngang, thậm chí tăng nhẹ tại một số nơi có tỷ lệ lấp đầy phòng cao.

Về lực cầu, các kết quả ngoại giao từ cuối năm 2023 là tín hiệu tốt đẩy lực cầu lên cao hơn, thu hút khách du lịch nước ngoài. Giao dịch có xu hướng tăng trong dài hạn, song vẫn còn khoảng cách rất xa so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Dự kiến lượng giao dịch sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2023.

Ông Đính cho rằng, để hồi sinh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhà nước cần sớm lấp đầy khoảng trống pháp lý cho người mua, quy định ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm rõ ràng của chủ đầu tư, khách mua, đơn vị quản lý. Cùng với đó, các chủ đầu tư cần chú trọng vào việc quy hoạch và phát triển dự án, bảo vệ, tôn trọng cảnh quan tự nhiên.

Đồng thời, cần nỗ lực để thích nghi với các xu hướng mới, đem tới những trải nghiệm mới, sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.