25/01/2017 3:52 PM
Năm 2017, một số yếu tố bên ngoài có thể đẩy lãi suất tăng lên. Trong nước, tăng trưởng kinh tế đồng thời với kiềm chế lạm phát đang là bài toán khó. Mặt khác, lãi suất có liên quan đến chính sách tài khóa của Chính phủ. Nếu Chính phủ phát hành nhiều trái phiếu, dẫn đến lãi suất trái phiếu tăng, thì hệ thống ngân hàng khó có thể hạ lãi suất cho vay.
Bài toán khó của Ngân hàng Nhà nước năm 2017 là vừa đẩy tăng trưởng kinh tế 6,7%, vừa giữ lạm phát dưới 4%, đồng thời giảm lãi suất cho vay
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.
Theo ông, năm 2017 liệu có điều kiện thuận lợi hỗ trợ việc giảm lãi suất?
Quan điểm của tôi là năm 2017 khó có điều kiện thuận lợi cho việc giảm lãi suất, thậm chí lãi suất nhiều khả năng còn tăng. Một số yếu tố có thể đẩy lãi suất lên xuất phát từ bên ngoài và cả nội tại nền kinh tế.
Cụ thể, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong năm 2017, điều này sẽ tác động đến tình hình lãi suất ở Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi USD tại các ngân hàng ở Việt Nam vẫn đang ở mức 0%/năm, lãi suất USD ở Mỹ tăng sẽ kích thích sự chuyển dịch dòng ngoại tệ trong nước ra bên ngoài.
Trong trường hợp này, lãi suất USD nên được xem xét tăng lên nhằm ngăn chặn nguy cơ này. Nhưng nếu lãi suất USD tăng, lãi suất VND sẽ được đẩy lên. Bởi lẽ, cần có mức chênh lệch lãi suất khá cao giữa VND và USD để người gửi tiền không chuyển dịch từ VND sang USD.
Một vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua đó là các chính sách dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây bất lợi với các quan hệ mậu dịch trên thế giới. Nếu Chính phủ Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch cực đoan, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị giới hạn rất nhiều.
Để cạnh tranh hay duy trì xuất khẩu, VND phải phá giá. Nếu VND phá giá sẽ kích thích việc mua và găm giữ USD - câu chuyện này lại quay về vấn đề trên là để tránh tình trạng chuyển dịch VND sang USD nhằm kiếm lời từ tỷ giá tăng thì cần duy trì sự chênh lệch lớn giữa lãi suất VND và lãi suất USD. Đó có thể là bài toán “đau đầu” cho các nhà quản lý
Kinh tế thế giới dự báo sẽ có những biến động khó lường. Đồng nhân dân tệ đã bị phá giá một cách mạnh mẽ trong năm 2016 và có thể năm 2017 sẽ tiếp tục bị phá giá. Nếu điều này xảy ra, hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc sẽ trở nên rẻ hơn, làm tăng nhập siêu. Để kiểm soát nhập siêu từ Trung Quốc, tỷ giá buộc phải tăng.
Với những dự báo như trên, điều kiện thị trường tài chính ở bên ngoài trong năm 2017 sẽ khó tạo điều kiện cho việc giảm mặt bằng lãi suất ở Việt Nam.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Vậy còn những vấn đề nội tại là gì, thưa ông?
Ở trong nước, có hai chỉ tiêu quan trọng đó là tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2017 ít nhất 6,7% và giữ tỷ lệ lạm phát dưới 4%. Tôi cho rằng, đây là hai chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến câu chuyện lãi suất.
Chúng ta đều biết, muốn tăng trưởng kinh tế thì phải đẩy một dòng vốn vào lưu thông, tín dụng phải tăng mạnh mới có thể đẩy được tăng trưởng GDP cao. Muốn đẩy vốn vào lưu thông, các ngân hàng phải huy động vào, trong khi muốn huy động vốn mạnh thì thường phải tăng lãi suất.
Song song với đó là đầu năm 2017, quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 60% xuống 50% có hiệu lực, buộc các ngân hàng phải huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn. Chính vì thế, để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng và với quy định mới của Ngân hàng Nhà nước trên, lãi suất huy động sẽ có chiều hướng đi lên nhiều hơn.
Đáng chú ý, nợ xấu vẫn là vấn đề đáng quan ngại. Với tình hình như hiện nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng không thể giải quyết được nhiều nợ xấu.
Để giải quyết từ gốc rễ, Chính phủ phải hỗ trợ thực sự cho VAMC qua việc giúp công ty này mua nợ xấu từ các ngân hàng, mua bằng tiền mặt, mua với giá trị thực, mua đứt bán đoạn. Rõ ràng, với 3 điều kiện tiên quyết này, chúng ta đều thấy, hiện chưa có hướng giải quyết trong giai đoạn trước mắt.
Nếu vấn đề nợ xấu không được giải quyết triệt để thì các ngân hàng tiếp tục phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã bán cho VAMC. Từ đó, chi phí hoạt động sẽ phải duy trì ở mức cao và các ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho vay.
Thực sự không có “cửa” nào cho việc hạ lãi suất 2017?
Có thể có những cơ hội, nhưng bất kỳ một chính sách nào cũng có những tác động ngược. Ví dụ, muốn giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đẩy thanh khoản, bơm lượng tiền lớn trong lưu thông, sẽ đẩy lãi suất xuống, giá vốn rẻ đi. Nhưng đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông sẽ đẩy lạm phát lên và như vậy không thực hiện được mục tiêu lạm phát dưới 4%.
Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang trong “vòng kim cô”. Vừa đẩy tăng trưởng kinh tế 6,7%, vừa giữ lạm phát dưới 4% là việc rất khó khăn. Chính trong giới hạn như vậy, cơ hội để giảm lãi suất thực sự là không có “cửa”. Bằng ý chí, Ngân hàng Nhà nước có thể làm được, nhưng sẽ ảnh hưởng tới lạm phát và cuối cùng là ổn định nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động nhằm hỗ trợ việc hạ lãi suất?
Đúng là chi phí hoạt động của các ngân hàng còn lớn. Nguồn nhân lực rất lớn, trong khi hiệu quả kinh doanh còn thấp. Cần giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh. Để có thể giảm chi phí hoạt động và chi phí vốn, phải quản lý rủi ro một cách chặt chẽ nhằm giảm thiểu nợ xấu, giảm thiểu trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu.
Chi phí đầu vào cao, nhưng giảm thiểu chi phí có thể đẩy lãi suất cho vay xuống, trong đó có dự phòng rủi ro đẩy xuống thấp. Đây là biện pháp mà các ngân hàng nào cũng phải tính đến. Tuy nhiên, thực tế thị trường cho thấy, nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi việc tiết giảm chi phí nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Tuy vậy, nếu tiết giảm chi phí, tôi cho rằng, có thể hỗ trợ cho việc ổn định lãi suất như năm 2016.
Còn câu chuyện phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, thưa ông?
Lãi suất cao, nguyên nhân lớn nhất có thể là ở chính sách tài khóa. Năm nay, Chính phủ dự kiến tiếp tục phát hành nhiều trái phiếu và để thu hút người dân cũng như các thành phần kinh tế tham gia mua, nhiều khả năng sẽ phải đẩy lãi suất trái phiếu lên. Lãi suất của Chính phủ cao thì lãi suất của các ngân hàng không thể thấp hơn.
Bởi lẽ, trái phiếu của Chính phủ hệ số rủi ro bằng 0, còn tiền gửi ngân hàng có rủi ro cao hơn, nên các thành phần kinh tế khó có thể chấp nhận lãi suất huy động thấp tại các ngân hàng thương mại.
Do vậy, nếu chúng ta nói đến câu chuyện phối hợp giữa các bộ, ban, ngành thì vấn đề đầu tiên cần đề cập là phải kiểm soát tốt nợ công, kiểm soát bội chi ngân sách và đầu tư công. Đồng thời với đó, các bộ, ngành phải thực hiện kỷ luật tài chính, như vậy sẽ hạn chế được việc phát hành trái phiếu và phát hành với lãi suất ở mức hợp lý hơn. Từ đó, giúp cho cả hệ thống ngân hàng đẩy lãi suất xuống.
Lãi suất phải bắt đầu từ kế hoạch xây dựng ngân sách của Chính phủ. Chính phủ một mặt “bắt” ngân hàng phải đẩy lãi suất xuống, trong khi bản thân “vung tay quá trán” thì Ngân hàng Nhà nước không thể làm được khi không có kỷ luật tài chính.
Thực tế, hệ thống ngân hàng đâu có mong muốn lãi suất cao…?
Là người trong hệ thống ngân hàng rất lâu, cả ở trong nước và nước ngoài, tôi muốn chia sẻ một điều chính yếu là các ngân hàng đều mong muốn có một lãi suất hợp lý. Lãi suất hợp lý tạo điều kiện cho ngân hàng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, đó là “nồi cơm” của ngân hàng.
Nhưng với bối cảnh hiện tại cùng những điều kiện kinh doanh của thế giới và trong nước, việc giảm lãi suất là rất khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi, trừ trường hợp những nhà làm kế hoạch đưa ra những quyết sách sáng tạo để vượt qua những biến động trong nền tài chính thế giới và nước nhà trong giai đoạn này.
Hồng Dung (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.