TS. Cấn Văn Lực cho rằng, chính sách ưu đãi đối với ngành du lịch chưa được cụ thể hóa rõ trong một số luật, quy định liên quan.
Hạ tầng du lịch Việt Nam vẫn còn kém
Theo Tổng cục du lịch, tính đến cuối năm 2022, tổng số cơ sở lưu trú du lịch là 35.000 cơ sở, tăng 16,7% so với năm 2019. Quy mô số phòng năm 2022 đạt 700.000 buồng, tăng 7,7% so với cuối năm 2019 nhờ nhu cầu du lịch vẫn tăng trưởng tích cực dù mức tăng trưởng bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch Covid-19.
Đáng lưu ý, các cơ sở lưu trú chủ yếu là xếp hạng 3 sao hoặc không xếp hạng. Các cơ sở xếp hạng cao cấp chỉ chiếm tỷ trọng thấp, trong đó, xếp hạng 5 sao chiếm 10,7%; hạng 4 sao chiếm 6,6% cho thấy hạn chế trong năng lực cấp dịch vụ du lịch cao cấp tới các khách du lịch có thu nhập cao từ Châu Âu, Mỹ…
Cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam cũng được đánh giá kém hơn các quốc gia trong khu vực khi xếp hạng cơ sở hạ tầng du lịch năm 2021 của Việt Nam đứng thứ 58/117 quốc gia.
Ngoài ra, chính sách phát triển và cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam được đánh giá còn kém hơn so với các nước trong khu vực. Căn cứ hệ thống chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành năm 2021 (là số liệu mới nhất, được thực hiện 2 năm 1 lần), xếp hạng chỉ số chính sách và mức độ sẵn sàng phát triển du lịch của Việt Nam năm 2021 đứng thứ 55/117 quốc gia.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang “bỏ quên” dự án du lịch?
Tại Hội thảo khoa học “Sửa Luật Đất đai – Tạo đất cho du lịch”, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Cơ sở hạ tầng du lịch được chú trọng đầu tư trong những năm gần đây đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Hệ thống giao thông vận tải của Việt Nam đã có sự liên kết bằng nhiều phương thức như: đường hàng không, đường biển và đường thủy - bộ đã tăng sự liên kết với các điểm đến du lịch tại các địa phương. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế do những vướng mắc về chính sách.
Theo đó, chính sách ưu đãi đối với ngành du lịch chưa được cụ thể hóa rõ trong một số luật, quy định liên quan: Du lịch chưa thuộc danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư 2020, chưa thuộc danh mục lĩnh vực được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020; việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế đêm gắn với thu hút khách du lịch còn vướng các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, lao động...
Cũng theo ông Lực, khung pháp lý trong việc cấp đất cho các dự án phát triển du lịch còn nhiều bất cập. “Mặc dù quy định pháp luật hiện hành đã cho phép đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án du lịch, thương mại dịch vụ, song còn thiếu cơ chế thu hồi đất đối với các loại dự án này. Doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện chỉ có thể tiếp cận quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án du lịch thông qua hình thức nhận chuyển nhượng hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà không được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất theo quy định”, ông Lực cho hay.
Trong khi đó, hình thức đấu giá quyền sử dụng đất lại phụ thuộc phần lớn vào quỹ đất do địa phương nắm giữ và phụ thuộc vào ngân sách của địa phương và khả năng thỏa thuận đền bủ giải phóng mặt bằng dự án (cần thỏa thuận đền bù với 100% số hộ dân). Ông Lực cho rằng, đây là một trong những vướng mắc lớn, khiến nhiều nhà đầu tư còn e ngại.
Hạ tầng du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh minh hoạ
Đặc biệt, Điều 79 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, nhưng lại không có các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí.
Theo chuyên gia này, cần có cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất và thực hiện đấu thầu hay đấu giá các dự án du lịch hoặc các dự án nhà ở/khu đô thị kết hợp với du lịch, thương mại dịch vụ để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Ông cho rằng, đối với lĩnh vực du lịch, đất đai là nguồn lực quan trọng để thu hút nguồn vốn xã hội (trong và ngoài nước) do muốn phát triển đồng bộ, bền vững các dự án đầu tư khu du lịch cần số vốn đầu tư lớn, quỹ đất phát triển tương xứng cùng với thời gian đầu tư và vận hành dài hạn. Do đó, việc không quy định lĩnh vực du lịch thuộc các trường hợp thu hồi đất như trên có thể khiến việc tìm kiếm các nguồn quỹ đất cho các dự án du lịch quy mô lớn có thể tiếp tục gặp khó khăn, trở thành rào cản phát triển.
Bên cạnh đó, các quy định về cấp và chuyển nhượng quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất thương mại, dịch vụ du lịch (condotels, shophouse, ….) còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Hiện Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang quy định Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau (Điều 144) mà chưa quy định chi tiết việc cấp giấy chứng nhận đối với đất thương mại, dịch vụ bao gồm đất du lịch và các loại hình bất động sản du lịch hình thành trên đất du lịch.
Kiến nghị xem xét, bổ sung cơ chế giao đất
Từ những bất cập trên, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên xem xét bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí (thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79 dự thảo Luật đất đai sửa đổi) có quy mô hoặc tổng mức đầu tư lớn, đặc biệt là những dự án du lịch tại địa bàn khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo…
Theo ông Lực, việc này có thể giúp tháo gỡ khó khăn, giúp các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần làm rõ tiêu chí để xác định các dự án lớn, tác động đối với phát triển KT-XH cũng như an sinh xã hội.
Đồng thời, nên xem xét bổ sung cơ chế cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại và dịch vụ để phát triển du lịch tại Điều 121 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Từ đó tạo điều kiện để thu hút hơn nữa nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.
Ngoài ra, luật hóa cùng với việc tăng cường chế tài đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về qui hoạch, về đầu tư phát triển du lịch, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí và tranh chấp đất đai.
Cũng theo ông Lực, Quốc Hội, Chính phủ cần tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư du lịch về tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường (thông tin, pháp lý…), giảm thuế, phí, tiền thuê đất… với mức độ và thời gian hỗ trợ dài hơn nhằm huy động hơn nữa nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch.
-
Đề xuất thu hồi đất với các dự án du lịch, vui chơi, giải trí đơn thuần, không có chức năng ở
Theo chuyên gia pháp lý bất động sản, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh, trong một số trường hợp loại hình dự án này cần khuyến khích hơn cả các dự án phát triển nhà ở.
-
Công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai với loạt điểm mới
Thừa lệnh của Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố toàn văn Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng.
-
Chờ Luật Đất đai (sửa đổi) “thẩm thấu”, thị trường bất động sản sẽ phục hồi rõ nhất trong các năm sau
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaws cho rằng, cần thời gian để Luật Đất đai (sửa đổi) có thể “thẩm thấu” vào thị trường, kèm theo đó là những nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Do đó, thị trường bất động sản vẫn ...
-
Những điểm mới, nổi bật của Luật Đất đai sửa đổi vừa thông qua
Sáng 18/1, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi với nhiều điểm mới, nổi bật được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.