Yếu tố tích cực trong ngắn hạn gần như không có
Tại diễn đàn DInsights “Biến động TTCK: Tâm điểm ngành thép và bất động sản”, các chuyên gia đã phân tích về hai nhóm ngành nhận được nhiều sự quan tâm gần đây là thép và bất động sản.
Các chuyên gia cho rằng thời điểm khó khăn của ngành thép đã qua. Tuy nhiên, khi nào ngành thép mới khởi sắc thì cần tìm hiểu các biến số nào tác động đến ngành thép.
Hiện tại, hơn 60% sản lượng thép dùng cho mảng xây dựng dân dụng trong nước và điều này liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thép của các nhà máy.
Đối với mảng xuất khẩu, tại ASEAN - thị trường truyền thống tiêu thụ khoảng 10% tổng lượng thép của Việt Nam trong năm 2023 là điểm sáng, ngoại trừ Indonesia. Cụ thể, các nước như Thái Lan hay Singapore đều chứng kiến hoạt động xây dựng bị chậm lại. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực ASEAN dự kiến tăng trưởng chậm hoặc đi ngang.
Với khu vực châu Âu, Mỹ, phần sản xuất công nghiệp chưa có dấu hiệu khả quan do đó nhu cầu khó có mức độ tăng mạnh, nhất là khi Fed có thể tăng lãi suất ít nhất thêm 2 lần nữa trong 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, ngành thép vẫn còn cơ hội đến từ việc đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ, trong đó dự án sân bay Long Thành góp phần giảm bớt sự sụt giảm trong nhu cầu của ngành thép. Dự kiến hoạt động giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng 20-25% bao gồm cả việc sân bay Long Thành xây dựng đúng tiến độ.
Bà Nguyễn Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect, nhận định nhìn chung các yếu tố tích cực đối với thị trường thép trong ngắn hạn gần như là không có. “Chúng tôi dự báo nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khoảng 9% trong năm 2023. Hầu hết các tổ chức dự báo giá thép giảm 3% so với năm 2022. Tuy nhiên, về lâu dài nhu cầu tiêu thụ thép Trung Quốc đối với các dự án đầu tư công sẽ hỗ trợ cho giá thép và giúp biên lợi nhuận ngành tìm đến điểm cân bằng”.
Doanh nghiệp có thị phần lớn sẽ phục hồi nhanh hơn
Sau giai đoạn khó khăn, ngành thép đang được kỳ vọng sẽ khởi sắc trước tín hiệu lạc quan từ nguồn cung thép thế giới. Một số lãnh đạo của các doanh nghiệp thép đã có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng ngành và nhận định khó khăn nhất của ngành thép đã đi qua.
Những doanh nghiệp thép đầu ngành có thị phần lớn sẽ phục hồi nhanh hơn nhờ lợi thế thương hiệu và năng lực phân phối khi chu kỳ của ngành thay đổi
Đơn cử, Tập đoàn Hòa Phát đánh giá ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Theo đó, doanh nghiệp đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt.
Trong khi đó, lãnh đạo Thép Nam Kim mặc dù từ chối đưa nhận định cụ thể về ngành thép, nhưng vẫn nhấn mạnh giai đoạn khó khăn nhất hai quý vừa rồi đã qua, khởi đầu năm 2023 dự đoán ổn hơn.
Thận trọng hơn, Tập đoàn Hoa Sen đánh giá xuất khẩu thép 2023 vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Ngoài ra, cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành.
Nhiều chuyên gia cũng chung quan điểm khi cho rằng thời điểm khó khăn của ngành thép đã qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nắm được các yếu tố tác động đến ngành thép để đạt mức tăng trưởng như kế hoạch đặt ra.
Những yếu tố được đánh giá là sẽ tác động đến triển vọng doanh nghiệp thép trong thời gian tới là các dấu hiệu tích cực từ việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản; tiến trình giải ngân vốn đầu tư công trong nước được đẩy mạnh; thị trường xuất khẩu thép sang EU và Mỹ; biến động giá nguyên vật liệu; giá thép đầu ra; biến động tỷ giá và lãi suất.
Trước nhiều yếu tố khó lường, VNDirect cho rằng cần chọn lựa những doanh nghiệp có khả năng thay đổi để phù hợp bối cảnh mới.
Theo đó, những doanh nghiệp có khả năng quản trị rủi ro tốt hơn sẽ có sức chống chịu tốt hơn trong thời điểm này. Ngoài ra, những doanh nghiệp đầu ngành có thị phần lớn sẽ phục hồi nhanh hơn nhờ lợi thế thương hiệu và năng lực phân phối khi chu kỳ của ngành thay đổi.
“Thép là ngành hiếm hoi có tăng trưởng dương về lợi nhuận trong năm 2023 nhờ nền thấp của năm 2022. Tuy nhiên, xét yếu tố tích cực trong ngắn hạn rất ít nên rủi ro nhiều hơn. Do vậy, cần nhìn nhận mô hình kinh doanh của từng doanh nghiệp thế nào, có đáp ứng được thay đổi và rủi ro ở hiện tại hay không. Chẳng hạn như thị trường xuất khẩu gặp khó. Tuy nhiên, có một vài điểm sáng như Mỹ tốt hơn EU, Indonesia tốt hơn Thái Lan. Do đó, những doanh nghiệp nào có thể chuyển đổi thị trường tốt hơn sẽ có lợi thế”, bà Hiền cho biết.
Bốn quả tạ có thể ghìm chân doanh nghiệp thép
Cũng tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng ngành thép đang đối diện bốn yếu tố khó khăn trong thời điểm này.
Thứ nhất, chi phí tài chính cao do lãi suất vẫn neo mức cao. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp đang gặp thách thức khi ngành thép phải chuyển đổi, tăng hàm lượng xanh khi xuất khẩu sang Mỹ, EU… Thứ ba, chi phí sản sản xuất cao khi điện tăng. Cuối cùng là rủi ro từ chính sách phòng vệ thương mại của các nước trên thế giới.
Ở chiều ngược lại, ông Lực cũng cho rằng ngành công nghiệp này cũng có nhiều điểm thuận lợi như giá thép bắt đầu nhích lên, Trung Quốc mở cửa trở lại và Chính phủ tăng cường đầu tư công.
Trong khi đó, VNDirect cho biết, trong tháng 1.2023, nguồn cung thép thế giới tăng trở lại sau nhiều quý giảm. Điều này chứng tỏ nhiều doanh nghiệp thép trên thế giới dự báo nhu cầu sẽ tăng lên và họ tái khởi động một số nhà máy. Biên lợi nhuận ngành thép Trung Quốc bắt đầu tạo đáy. Ở thị trường trong nước, hàng tồn kho giá cao của các doanh nghiệp thép giảm mạnh vào cuối quý 4.2022.
Có thể nói, thời điểm khó khăn nhất của ngành thép đã qua. Song vấn đề được quan tâm là sau cơn bĩ cực, khi nào ngành thép sẽ khởi sắc trở lại?
-
Hòa Phát bị “vạ lây” từ khó khăn của bất động sản
Bên cạnh áp lực biến động tỷ giá và lãi suất tăng cao, những khó khăn của thị trường bất động sản có thể khiến Hòa Phát tiếp tục thua lỗ trong quý đầu năm 2023.
-
Hòa Phát, Nam Kim… và loạt doanh nghiệp thép mạnh tay đầu tư nhà máy mới để “đón sóng” thị trường bất động sản
Trong khi dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát sẽ bắt đầu chạy thử đầu quý 1/2025, nhiều doanh nghiệp ngành thép khác cũng đang chuẩn bị nguồn vốn để xây thêm nhà máy mới, đón sóng phục hồi của thị trường....
-
Những khoản lãi ngành thép 2024 dần lộ diện, một hãng thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu vừa báo lợi nhuận tăng hơn 1.100%
Doanh nghiệp này đánh giá thị trường thép năm 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần ổn định trở lại.
-
Hãng thép top đầu miền Nam sở hữu 3 nhà máy lớn giờ lâm cảnh thua lỗ nghìn tỷ, giá cổ phiếu thua ly trà đá, lãnh đạo thoái vốn bất thành
Ra đời từ cuối thập niên 2000, Công ty CP Thép Pomina (Mã: POM) từng là một trong những nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất cả nước với 3 nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng, tổng công suất 2,6 triệu tấn/năm....