Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh đồng tình với quan điểm cần thu hồi đất với cả các dự án du lịch, vui chơi, giải trí đơn thuần.
Tại Hội thảo khoa học với chủ đề "Sửa Luật đất đai: Tạo đất cho du lịch" mới đây, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh cho biết, trong các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được nêu tại Điều 79 dự thảo hiện nay vắng bóng các dự án phát triển du
lịch, vui chơi, giải trí thông thường. Dự thảo chỉ quy định thu hồi đất phục vụ dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ nếu được HĐND cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện của địa phương. Như vậy, dự án phải “dính” một phần chức năng ở (không quy định mức độ nào, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm) thì Nhà nước mới được thu hồi đất.
“Tôi đồng tình với quan điểm cần thu hồi đất với cả các dự án du lịch, vui chơi, giải trí đơn thuần (không có chức năng ở), thậm chí trong một số trường hợp loại hình dự án này cần khuyến khích hơn cả các dự án phát triển nhà ở”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Dẫn ví dụ, ông Đỉnh cho biết, chẳng hạn, tại các địa điểm phù hợp để làm du lịch (các địa phương ven biển còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn... thuộc địa bàn cần thu hút đầu tư) thì cần ưu tiên thu hồi đất để thực hiện các dự án du lịch trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, thậm chí tạo động lực lan tỏa cho cả vùng, khu vực.
Thực tế cho thấy, nếu không cho phép thu hồi đất thì không thể triển khai được các dự án quy mô lớn (ví dụ các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn hàng nghìn héc-ta, vốn đầu tư vài tỷ USD) để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, giàu năng lực.
Do đó, ông Đỉnh cho rằng, đây là vấn đề cần được nghiêm túc nhìn nhận.
“Nếu giữ quy định như dự thảo luật hiện nay thì việc triển khai các dự án du lịch trọng điểm sẽ gặp ách tắc”, ông Đỉnh cho hay.
Theo ông, để thực hiện các dự án du lịch, vui chơi, giải trí thì địa phương buộc phải “nhét” một phần đất ở (có thể tỷ lệ rất nhỏ) vào trong đồ án quy hoạch của dự án nhằm đáp ứng điều kiện thu hồi đất. Hình thức “lách” này sẽ gây ra hệ lụy: quỹ đất ở không được sử dụng, gây lãng phí nguồn lực; hoặc nếu sử dụng thì sẽ hình thành chức năng ở trong phạm vi dự án du lịch, việc cư dân sinh sống lâu dài trong dự án (đồng thời phải có các chức năng giáo dục, y tế, văn hóa..., hạ tầng xã hội khác kèm theo) sẽ làm giảm mức độ sang trọng của một dự án du lịch nghỉ dưỡng. Như vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt, phơi quần áo của cư dân... khiến du khách mất thiện cảm.
“Do vậy, tôi tán thành với ý kiến cần bổ sung vào Điều 79 dự thảo trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án du lịch, vui chơi, giải trí đơn thuần không có chức năng nhà ở”, ông Đỉnh nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, hiện tại Việt Nam đang có hơn 200 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các khu du lịch đã được triển khai. Các dự án này tạo ra gần 100.000 căn condotel, khoảng 30.000 căn villa và 15.000 căn khách sạn mới.
Theo chủ trương của Chính phủ, tới năm 2030 Việt Nam đặt mục tiêu trở thành cường quốc du lịch, với 160 triệu lượt khách trong nước, khoảng 50 - 70 triệu khách quốc tế mỗi năm. Do đó, theo ông Đính, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch phải có khoảng 400.000 - 500.000 căn phòng lưu trú. Chưa kể các loại hình dịch vụ như vui chơi giải trí,... đặc biệt là du lịch cao cấp gần như không có.
Lãnh đạo VNREA cũng cho biết, trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam mới đạt được 1/3 hệ thống hạ tầng để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch trong tương lai và chất lượng chưa cao. Tuy nhiên, trong các quy định pháp luật như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đều chưa nhắc tới các nhà phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
“Nếu các dự án du lịch không thuộc trường hợp thu hồi đất có nghĩa là các chủ đầu tư phải tự xoay sở. Hiện nay có khoảng hơn 100 dự án khu du lịch quy mô lớn đang nằm án binh bất động chờ phê duyệt, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục sẽ không khuyến khích đầu tư du lịch và sẽ làm nản lòng nhà đầu tư. Ngay cả chính quyền địa phương muốn thúc đẩy kinh tế khu vực thông qua thu hút đầu tư về du lịch cũng sẽ gặp khó khăn”, ông Đính nhận định.
-
Đề xuất sửa quy định xác định giá đất để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 44/2014/NĐ-CP về giá đất và Nghị định 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2013.
-
Thu hồi 1,5ha đất tại khu đô thị đắt đỏ bậc nhất Thủ đô
UBND TP. Hà Nội mới đây đã có động thái thu hồi hơn 1,5ha đất tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (tên thương mại Starlake Tây Hồ Tây).
-
Đơn giá bồi thường khi thu hồi đất tại Bắc Giang là bao nhiêu?
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định quy định đơn giá bồi thường thiệt hại về nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2025....
-
Để được bồi thường khi thu hồi đất cần điều kiện gì?
Xin hỏi điều kiện được bồi thường khi thu hồi đất theo quy định mới nhất hiện nay?