Đầu tư công: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi
Tuy nhiên, khi chắp bút để xây dựng các yêu cầu chi tiết, tôi phát hiện ra phần tiên quyết của đầu bài kỹ thuật là bắt buộc máy nén khí trúng thầu phải đáp ứng 100%, trong đó có nhiều chi tiết không cần thiết, thậm chí là rủi ro.
Điều trớ trêu là nếu cứ tuân thủ hết các yêu cầu này thì chỉ có một thương hiệu duy nhất có khả năng đáp ứng. Những thông số không quan trọng nhưng độc nhất như kích thước, màu sắc máy nén khí… không hề quan trọng về mặt kỹ thuật nhưng chỉ có trong thương hiệu này lại được đưa vào đầu bài.
Trong khi đó, nhiều yếu tố về mặt kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả làm việc của máy thì lại bị bỏ qua. Cụ thể, máy này được sử dụng trong môi trường nhiều cát, bụi nên để đảm bảo tuổi thọ máy nén khí phải có cơ cấu trục vít. Song, yếu tố này lại không có trong yêu cầu kỹ thuật. Điều này đồng nghĩa với việc dù yêu cầu kỹ thuật chi tiết thế nào đi nữa thì máy nén khí của hãng đó cũng trở thành máy duy nhất vượt qua vòng kỹ thuật và chuyển sang đánh giá thương mại.
Tôi trình quan điểm lên cấp trên với kỳ vọng sẽ điều chỉnh đầu bài theo hướng mở hơn để có thể có nhiều nhà thầu trúng kỹ thuật. Đấy là cơ hội để sàng lọc và mua được nhiều dòng máy tốt về kỹ thuật, đồng thời khi đánh giá thương mại cũng có giá thấp hơn. Điều này đồng nghĩa với việc phải xin phê duyệt lại phần yêu cầu kỹ thuật tiên quyết này.
Tuy nhiên, khi trình bày vấn đề này với lãnh đạo, một vấn đề mới phát sinh là nhóm kỹ thuật sẽ bị phê bình và chịu mang tiếng, thậm chí có thể bị kỷ luật do xây dựng các đầu bài kỹ thuật không phù hợp. Nhưng vấn đề lớn hơn là rủi ro khi không được phê duyệt, hoặc phê duyệt chậm thì kế hoạch đầu tư cũng như tiến độ giải ngân không hoàn thành. Lúc này tầm lãnh đạo doanh nghiệp có thể bị phê bình và kỷ luật. Vì vậy sếp tôi quyết định cứ xây dựng, cứ làm đầu bài kỹ thuật chi tiết theo đầu bài đưa ra dù nó đã lỗi thời và đầy rủi ro cho dự án.
Là cấp dưới, tôi chỉ biết tuân thủ chỉ đạo. Khi tổ chức đấu thầu, chúng tôi còn phát hiện nhà thầu duy nhất này chưa có kinh nghiệm và đáp ứng năng lực. Nhưng việc đấu thầu vẫn phải kết thúc và máy nén khí được mua về.
Khi chạy thử nghiệm thu chúng tôi phát hiện trục trặc. Do là máy nén khí cánh gạt nên bụi thường xuyên tràn vào bình dầu làm mát, dẫn đến phải thay thế liên tục loại dầu này, trong khi đơn giá dầu làm mát máy nén khí lại rất đắt đỏ. Nhưng gói thầu không thể bể vì lãnh đạo lo ngại các tranh cãi pháp lý có thể phát sinh và có thể gây chú ý của dư luận.
Không nằm ngoài các lo ngại của tôi, chỉ một thời gian ngắn đưa vào vận hành, cát tràn vào bình dầu làm mát, cánh gạt bị gãy, máy nén khí không hoạt động được nữa. Chúng tôi tiến hành thủ tục báo nhà cung cấp, nhưng nhà cung cấp làm biên bản ghi nhận thông báo sẽ mời chuyên gia nước ngoài sang giải quyết. Công việc đình trệ, chúng tôi phải thuê máy nén khí khác hoặc dùng các máy nén khí dầu với chi phí cao hơn hiệu quả sản xuất không còn.
Hết 12 tháng, nhà cung cấp ra thông báo hết hạn bảo hành, máy vẫn hỏng. Chúng tôi phải tự sửa chữa máy nén khí này. Đầu nén khí được trình duyệt để sửa chữa, nhưng thực tế một đầu nén khí trục vít mới được mua và thay thế cho máy nén khi cánh gạt. Đây cũng là chi tiết chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành máy nén khí. Tính ra khi khôi phục lại máy hoạt động, tổng số tiền doanh nghiệp phải bỏ ra gần tương đương 2 máy nén khí trục vít mua mới.
Câu chuyện đầu tư tôi kể trên dù không hoàn toàn được xem là dự án đầu tư công. Nhưng xét ở khía cạnh nào đó, nó cũng gần như đầu tư công bởi doanh nghiệp chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước. Việc đầu tư một dự án công hay doanh nghiệp nhà nước có rất nhiều áp lực từ các bên khác nhau. Chẳng hạn như áp lực giải ngân đúng tiến độ, áp lực thành tích của các lãnh đạo. Đó là chưa kể đều những áp lực có tính tiêu cực khác như vấn đề “cài cắm – gửi gắm”, năng lực có hạn của đội ngũ lãnh đạo, quản lý…
Thời gian qua, báo chí đã tốn khá nhiếu giấy mực, Chính phủ và ngay cả Bộ Chính trị cũng rất đau đầu để xử lý 12 đại dự án của các doanh nghiệp nhà nước không phát huy hiệu quả và xảy ra nhiều trục trặc. Lãnh đạo các doanh nghiệp đó bị pháp luật xử lý nhưng tài sản nhà nước thất thoát, lãng phí và hiện vẫn chưa có cách nào để xử lý dù đã trải qua hàng chục năm.
Dưới góc độ đầu tư công cũng chẳng khá hơn. Các cơ quan nhà nước, từ các công trình ở Trung ương hay địa phương cũng thấp thoáng bóng dáng các dự án không hiệu quả, chất lượng thấp, thất thoát, đội vốn đầu tư rất lớn, chậm tiến độ... Trong khi đó, nhiều dự án được xem là quan trọng cấp bách lại không được đầu tư hoặc đầu tư quá chấp.
Tôi được tham gia thảo luận bài viết về chính sách di dời cảng biển tại thành phố Hồ Chí Minh của thầy Nguyễn Xuân Thành và Jonathan Pincus, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, biên soạn. Quá trình thảo luận đã chỉ ra một số bất cập trong quá trình đầu tư công dẫn đến dự án chưa được hiệu quả như mong đợi.
Đáng chú ý là các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường cao tốc. Trong số đó có một dự án án cảng. Cụ thể, những năm đầu thế kỷ này, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thì nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng biển tăng nhanh. Trong đó, lượng hàng xuất nhập khẩu tại các tỉnh phía nam chủ yếu đi qua hướng các cảng nằm trong nội thành phố Hồ Chí Minh. Các xe vận tải phải thường xuyên lưu thông trong các tuyến đường nội thành, dẫn đến việc không chỉ hàng hóa ùn ứ trong cảng do năng lực bốc xếp mà còn gây ra ách tắc giao thông và hạ tầng đường xá nhanh chóng xuống cấp.
Các nghiên cứu gấp rút được triển khai, các khảo sát được tiến hành cấp thiết. Tất cả kết luận đều thống nhất về việc di chuyển các căn cứ cảng khỏi nội đô, chọn địa điểm để di dời căn cứ cảng trở nên cấp thiết. Sông Cái Mép – Thị Vải ở Bà Rịa – Vũng Tàu được xác định là địa điểm phù hợp nhất để các cảng di dời đến.
Tuy nhiên, một thực tại đáng buồn là đến thời điểm hiện tại, các cảng ở đây vẫn hoạt động dưới công suất. Mặc dù có nhiều quyết định đôn đốc, chỉ đạo ráo riết của Chính phủ, nhưng một số cảng nội đô vẫn duy trì hoạt động. Các xe container vẫn là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn ở ngã tư Mỹ Thủy. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn đó chính là các kết nối hạ tầng giữa các khu vực chưa đồng bộ.
Việt Nam đã là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19. Khi đại dịch đi qua, chúng ta cần nỗ lực trong thời gian ngắn nhất để chữa lành vết thương cũng như khôi phục nền kinh tế. Các chính sách về tài khóa, tiền tệ được chính phủ áp dụng song hành. Một lượng tiền lớn được sử dụng để hỗ trợ người dân nghèo, hay cho các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức vay ưu đãi. Nhiều chính sách giãn thuế, hoãn và miễn thuế được đưa ra để giúp đỡ doanh nghiệp. Các chỉ đạo liên tục về tăng cường đầu tư công được đưa ra.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu các khoản đầu tư này không hiệu quả? Dòng tiền không đi đến đúng các chỗ cần thiết mà chui vào túi cá nhân? Hay nhiều dự án không hiệu quả được vẽ ra để tận dụng chính sách đầu tư, kích thích kinh tế. Hay các dòng vốn không chảy vào sản xuất mà lại chảy vào các kênh đầu cơ như chứng khoán hay bất động sản để hình thành các bong bóng gây đổ hệ thống? Khi đó chúng ta lại cần các chính sách chữa cháy, tổng chi phí tăng lên, các khoản giải cứu có thể trở thành các gánh nặng cho nền kinh tế.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra một sự thật là vì thành tích giải ngân, hoặc do có dòng tiền rủng rỉnh dễ làm cho người ta hạ thấp các chuẩn mực và chấp nhận các dự án chưa hiệu quả. Khi ấy, nhà nước không chỉ mất tiền, mất cán bộ, mà quan trọng hơn đó là mất niềm tin. Các chính sách được ban hành sau đó rất khó thực thi và khó đi vào cuộc sống.
Vì vậy, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các gói đầu tư công thì đề quan trọng đó là hiệu quả. Các cơ quan chức năng phải kiểm soát và nâng cao hiệu quả, cũng như gia tăng tính minh bạch trong công tác đầu tư này. Nếu các dự án chưa được đánh giá cẩn trọng đảm bảo khả thi cả về tài chính và kinh tế có thể không giải ngân.
Một gợi ý để lựa chọn tối ưu, hiệu quả và nhanh nhất đó chính là thúc đẩy tiến độ của các dự án đầu tư dang dở, các dự án đã được phê duyệt đầu tư, các dự án đầu tư liên kết công tư, hay đầu tư để nâng cao hiệu quả của các dự án hiện tại. Các dự án kết nối cơ sở hạ tầng cảng Cái Mép là các ví dụ điển hình.
Câu chuyện, băn khoăn của tôi kể trên không mới, và cũng chỉ lột tả được một phần thực trạng đầu tư công ở Việt Nam mà thôi. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi là những từ giới chuyên môn bàn về thực trạng đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh “bình thường mới” khi mà Chính phủ quyết tâm giải ngân 700 nghìn tỉ đồng đầu tư công năm nay, gấp đôi so với năm 2019 và hàng loại dự án quan trọng mang tầm chiến lược quốc gia như đường cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành được khởi công thì vấn đề hiệu quả đầu tư công trở nên vô cùng quan trọng.
Nếu Việt Nam không khắc phục được tình trạng trì trệ, kém hiệu quả trong đầu tư công như thời gian qua thì việc đầu tư càng nhiều càng làm “hại” nền kinh tế chứ không phải vực dậy nền kinh tế như mục tiêu đề ra.