GS. Đặng Hùng Võ

GS. Đặng Hùng Võ
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường

Bắt mạch đầu tư công thời hậu covid

22/05/2020 9:12 AM
GS. Đặng Hùng Võ GS. Đặng Hùng Võ
CafeLand - Tôi có mấy anh bạn, trí thức có, doanh nhân có, quản lý có, thường hẹn nhau uống cà phê hàng sáng chủ nhật, như để thư giãn sau một tuần làm việc. Chủ đề câu chuyện đưa đẩy ở đây cũng tùy hứng theo dòng thời sự...

Lần cà phê gần đây nhất là sau lệnh kết thúc giãn cách xã hội do Covid-19. Như lẽ tự nhiên, câu chuyện đang thời sự là làm gì để kích thích kinh tế sau đại dịch toàn cầu được nhiều người quan tâm.

Một ý kiến đầu tiên bàn rằng chủ trương của Chính phủ sử dụng cách thức đẩy mạnh đầu tư công để kích thích các hoạt động kinh tế là chính xác, đúng cả lý luận và thực tiễn, cứ thế mà làm là tuyệt vời. Một ý kiến khác bổ sung thêm “đành là vậy, ai chẳng biết, nhưng xin lỗi là đầu tư công ở ta ách tắc từ trước Covid rồi, đẩy lên đâu có dễ, thuốc chữa Covid không chữa được bệnh đầu tư công ì ạch”.

Tôi nhớ lại một lần vào năm 2008, khi cả thế giới rơi vào khủng hoảng tài chính, tôi có dịp qua Thụy Điển, tới thăm nhà một anh bạn người Thụy Điển. Kết thúc bữa cơm tối đầm ấm trong mùa đông lạnh ghê người tại đây, mọi người cùng uống trà nóng và đàm đạo thế sự. Tôi có hỏi bạn tôi “Thụy Điển chắc cũng rơi vào khủng hoảng tài chính, vậy phải làm gì để vượt qua?”. Bạn tôi chưa kịp nói thì con anh ta đang học lớp 10 đã thao thao diễn giải “nếu kinh tế nguội thì tăng mua sắm công và giảm lãi suất tín dụng để đẩy tiền ra thị trường, mà kinh tế nóng thì làm ngược lại, sách kinh tế học dạy thế mà”.

Tôi giật mình, sao tuổi học đường nước ngoài biết về kinh tế như thuộc lòng, mà ở ta không dạy những thứ tối cần thiết như vậy. Nghĩ mà buồn quá, có thể lấy câu thơ của Xuân Diệu về tuổi học đường ở ta “Các em khờ khạo, ngu ngơ quá / chỉ biết học thôi chẳng biết gì”.

Trở lại câu chuyện giải pháp đẩy mạnh đầu tư công thời hậu Covid-19. Theo số liệu thống kê, vào thời điểm hết tháng 8/2019, giải ngân đầu tư công cả nước chỉ đạt gần 38% so với kế hoạch được giao, có địa phương chỉ đạt dưới 20%. Thu thập mọi nguyên nhân đăng tải trên mặt báo chí thì phải dài tới 2 trang giấy khổ giấy A4 với khổ chữ Arial 9, nếu phân tích chi tiết nữa thì phải tốn tới vài chục trang giấy.

Từ những nguyên nhân ngổn ngang này, có thể rút ra 2 nguyên nhân chính: một là ách tắc trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng; hai là xung đột pháp luật giữa các luật có liên quan đến các dự án đầu tư công. Nói là hai nhưng thực ra chỉ là một: pháp luật chưa phù hợp nhu cầu thực tiễn. Khó khăn trong giải phóng mặt bằng cũng là do pháp luật đất đai thiếu phù hợp thực tiễn; xung đột pháp luật cũng do hệ thống pháp luật không đồng bộ hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi cho thực tế phát triển.

Ách tắc do pháp luật thường dễ giải quyết vì pháp luật là do con người đặt ra. Chưa phù hợp thì sửa, có khoảng trống thì bổ sung, xung đột thì chỉnh lại cho thuận. Không chỉnh sửa được kịp thời thì cảnh tượng như người xưa đã nói rằng “tự lấy đá ghè chân mình”. Chẳng phải tại ai cả, quyết tâm tự tháo gỡ là xong.

Ví dụ, ngay khi phát hiện có bất cập trong Luật Đầu tư công 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết tâm chỉnh sửa ngay để Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công đã được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, tháo gỡ được 6 điểm đã gây trở ngại. Về các luật khác có liên quan, Bộ Xây dựng đã trình Dự án sửa đổi các Luật quan hệ đến các dự án đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng; Bộ Tài nguyên và Môi trường lại xin lùi việc sửa đổi Luật Đất đai tới cuối 2021. Vậy là đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công vượt qua các trở ngại pháp luật do thiếu đồng bộ lại phải chờ đợi tiếp.

Câu chuyện chậm giải phóng mặt bằng trong các dự án đầu tư công có nguyên do chính vì chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không hợp lý. Về quy định của Luật Đất đai, ta vẫn sử dụng cách Nhà nước thu hồi đất bắt buộc và bồi thường về đất theo giá trị thị trường dựa trên định giá đất cho từng trường hợp cụ thể. Quy định của Luật như vậy là rất tiến bộ, nhưng Chính phủ lại hướng dẫn cách định giá cho từng trường hợp cụ thể theo phương pháp hệ số nhân với giá đất trên Bảng giá đất của Nhà nước (phương pháp định giá đất thứ 5 quy định Khoản 5, Điều 4 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất ngày 15/5/2014) với hệ số do UBND cấp tỉnh quyết định. Theo mọi lý thuyết về định giá đất, theo mọi tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật về định giá đất trên thế giới cũng như ở Việt Nam, phương pháp định giá đất thứ 5 không phải là phương pháp định giá đất cụ thể.

Trên thực tế, hệ số nói trên thường được chính quyền cấp tỉnh quyết định trong khoảng 1,5 - 2,0, giá đất theo Bảng giá đất chỉ bằng khoảng 30% giá đất trên thị trường. Vậy là giá đất tính bồi thường theo phương pháp định giá đất thứ 5 này chỉ bằng khoảng 50% - 60% giá đất trên thị trường. Người bị thu hồi đất không chấp nhận, cách làm của cơ quan nhà nước lại đúng quy định pháp luật, nhưng pháp luật không phù hợp. Người bị thu hồi đất khiếu nại, mọi khiếu nại bị từ chối giải quyết, khiếu nại lại lên cấp cao hơn và không bàn giao được mặt bằng… Cứ như thế làm cho không thể giải phóng mặt bằng kịp thời. Cứ mỗi tháng, tôi phải nhận được vài chục cuộc điện thoại của người được bồi thường về đất hỏi ý kiến, xin giúp đỡ, kêu cứu… Tôi chỉ biết nói rằng “tôi biết rõ những bức xúc, thiệt thòi của bác, tôi rất đồng cảm, nhưng cũng không thể giúp gì được vì pháp luật quy định như vậy mất rồi”.

Về tình trạng vênh nhau giữa các luật có liên quan tạo ngữ cảnh đúng luật này thì trái luật khác, có thể dễ xử lý hơn, không nhất thiết phải chờ đợi sửa luật. Giải pháp ở đây là thống nhất 3 nguyên tắc áp dụng pháp luật hiện hành: văn bản quy phạm pháp luật do cấp có thẩm quyền cao hơn ban hành có hiệu lực thực thi cao hơn; trong các văn bản quy phạm pháp luật cùng cấp có thẩm quyền ban hành thì văn bản ban hành sau có hiệu lực thực thi cao hơn; trong một vụ việc cần áp dụng pháp luật thì pháp luật chuyên ngành điều chỉnh vụ việc đó có hiệu lực thực thi cao hơn các quy định của các loại văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nói vậy, nhưng 3 nguyên tắc áp dụng pháp luật nói trên cần được Chính phủ chỉ đạo thực hiện, nếu không cũng khó vì ít cán bộ dám dấn thân vào nơi khó khăn trước thềm Đại hội Đảng.

Những phân tích hiện trạng nêu trên chỉ thuần túy là tháo gỡ ách tắc để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, không liên quan gì đến Covid-19. Dưới góc nhìn hậu Covid, việc cần làm đầu tiên là rà soát lại tình trạng triển tất cả các dự án đầu tư công, đầu tư công - tư đối tác (PPP) để điều chỉnh lại việc phân bổ vốn từ ngân sách nhà nước sao cho khả thi trong giải ngân, phù hợp nhu cầu sử dụng và tránh sử dụng lãng phí. Trước hết, một phần vốn đầu tư công phải chuyển sang sử dụng vào mục đích trợ giúp các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng để tồn tại qua dịch bệnh. Tiếp theo cần đánh giá lại mọi dự án, kể cả các dự án đầu tư theo phương thức PPP để thiết lập lại kế hoạch triển khai đầu tư công nhằm bảo đảm tính khả thi trong giải ngân. Một số dự án đầu tư PPP và dự án đầu tư công có thể được chuyển đổi phương thức đầu tư trong quá trình sắp xếp lại kế hoạch triển khai.

Trong tình trạng sắp xếp lại vốn đầu tư công, việc cần làm là hoãn lại một số dự án án đầu tư công mà không tạo tác động tích cực trong phục hồi kinh tế đang bị đình đốn do Covid gây ra. Tiền nhân đã có câu “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Tư duy này có nghĩa là cần dừng lại những dự án đầu tư công phát triển thượng tầng kiến trúc như tượng đài, công viên, cơ sở văn hóa, v.v. vì phải ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện để kích hoạt trực tiếp guồng máy kinh tế hoạt động trở lại.

Một vấn đề tiếp cần quan tâm trong đầu tư công là quản lý chặt hơn rủi ro tham nhũng trong mua sắm công thuộc khu vực trang thiết bị công nghệ. Vừa qua, Nhà nước ta chỉ có yêu cầu phải đấu thầu các mua sắm công loại này, chưa quan tâm tới quản lý quá trình triển khai. Ngay trong đại dịch bùng phát, việc mua máy xét nghiệm Covid-19 Realtime PCR đã tình cờ mà phát hiện ra giá máy mua cao hơn giá thực rất nhiều lần, mặc dù cũng đã đấu thầu việc cung cấp. Các cơ sở được mua trang thiết bị công nghệ có trăm phương nghìn kế để lập hồ sơ đấu thầu, tổ chức đấu thầu dựa trên thông thầu để vẫn đúng pháp luật mà giá trúng thầu vẫn cao hơn giá thực vài lần. Cứ sử dụng các chuyên gia chuyên sâu về trang thiết bị công nghệ của từng ngành vào việc kiểm tra sẽ phát hiện được các thủ thuật đội giá.

Ai cũng biết đẩy mạnh đầu tư công là việc cần làm mỗi khi hoạt động kinh tế rơi vào đình đốn, kể cả do khủng hoảng bất cân xứng cung - cầu, do thiên tai, do chiến tranh hay do dịch bệnh. Giải pháp chung là vậy, nhưng giải pháp cụ thể cho từng trường hợp lại rất khác nhau. Giải pháp cho Việt Nam vì Covid-19 lúc này là phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trên cơ sở sắp xếp lại các dự án sao cho khả thi trong giải ngân, ưu tiên các dự án có tác động tích cực tới kinh tế và phòng chống tham nhũng trong mua sắm công.

Đặng Hùng Võ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.