Báo cáo tại phiên họp Chính phủ ngày 30/6, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tính đến 20/6, tổng phương tiện thanh toán ước tăng hơn 8% so với tháng 12/2015, tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng ước tăng 8,23%, tổng dư nợ tín dụng tăng 6,2%. Tỷ giá ngoại tệ VND/USD trong ngân hàng thương mại vừa qua có biến động do ảnh hưởng từ việc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
"Sự kiện Brexit của nước Anh đã có ảnh hưởng nhất định tới thị trường ngoại hối và chứng khoán của Việt Nam. Tỷ giá VND/USD trong hệ thống các ngân hàng thương mại tăng nhẹ trong mấy ngày qua chủ yếu do yếu tố tâm lý từ việc người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, nhưng vẫn trong biên độ cho phép", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Brexit đã tác động tới tỷ giá và thị trường chứng khoán của Việt Nam.
Còn về thị trường chứng khoán, ngay sau khi Brexit xảy ra, sàn Hà Nội và TP HCM đã có những phiên giảm liên tục. Riêng trong ngày Anh công bố kết quả trưng cầu dân ý về việc rời bỏ EU, Vn-Index có lúc giảm tới 34 điểm, mạnh nhất kể từ đầu năm. Toàn thị trường chốt phiên mất hơn một tỷ USD ngày 26/6.
Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ cũng lắng nghe báo cáo của Bộ Ngoại giao về việc Anh rời bỏ EU. Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý thông tin về nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc người Anh quyết tâm rời bỏ EU. Theo đó, đây không phải lần đầu người dân Anh muốn "tạm biệt" EU, bởi chỉ 2 năm sau khi gia nhập khối này (1975), người dân Anh đã đòi ra đi.
"Người Anh thất vọng về câu chuyện an ninh khi nhập cư và việc giải quyết nợ công của Anh", Thứ trưởng Đặng Đình Quý nói. Sau sự kiện Brexit, trên 3 triệu người Anh muốn nước này quay trở lại EU và kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2, song khả năng này khó xảy ra.
Brexit xảy ra khiến đồng bảng Anh bị tác động mạnh, nền kinh tế Anh bị ảnh hưởng. Tính toán của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP của Anh sẽ giảm tới 5% vào năm 2020.
Với Việt Nam, Bộ Ngoại giao đánh giá, tác động trực tiếp của Brexit không nhiều, nhưng tác động gián tiếp là có, song tới giờ chưa thể đánh giá được hết.
Thứ trưởng Đặng Đình Quý phân tích: Nếu nền kinh tế Anh, EU khó khăn bởi giá các đồng tiền chủ chốt như đồng bảng Anh, đôla Mỹ, euro... sụt giảm. Hệ quả là có thể Trung Quốc sẽ phải giảm giá đồng nhân dân tệ, và khi đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá đồng tiền Việt Nam. Rủi ro về tài chính, trả nợ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt trong đàm phán hiệp định thương mại với EU tới đây nhiều khả năng sẽ kéo dài vì phải đàm phán lại...
"Theo luật phải 2 năm nữa, Anh mới rời bỏ EU. Đây là khoảng thời gian Việt Nam cần tận dụng, thúc đẩy các mối quan hệ thương mại, đầu tư sẵn có với Anh và thúc đẩy, xây dựng những mối quan hệ mới", Thứ trưởng Quý kiến nghị.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tỏ ra lo lắng trước chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 không mấy lạc quan. Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy, tháng 6 tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,35% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước CPI tháng 6 tăng 2,4%, bình quân 6 tháng tăng 1,72%. Tính chung lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát tăng trở lại, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP lại đang có dấu hiệu chững lại. Quý II, GDP ước đạt 5,55%, tính chung 6 tháng tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 0,18% đã để lại hậu quả nặng nề cho các mùa vụ sau.
"Lạm phát đang có nguy cơ tăng trở lại, nhiều khả năng khó đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% như Quốc hội đề ra", ông nói.
Về thu chi ngân sách Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt gần 477.000 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2015. Trong khi đó, chi vẫn vượt xa thu ngân sách gần 86.000 tỷ đồng khi 6 tháng tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt gần 563.000 tỷ đồng (tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015).