09/10/2024 3:26 PM
Sáng 09/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Trình bày báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, tình hình kinh tế xã hội nước ta khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo.

Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân.

Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi Ngân sách Nhà nước được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép.

Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được vẫn có một số hạn chế, khó khăn, thách thức. Trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.

Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh rườm rà, chưa triệt để...

Dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%

Về năm 2025, theo Bộ trưởng Dũng, Chính phủ dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP.

GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,5%...

Trên cơ sở này, theo ông Dũng, Chính phủ đề ra 12 nhóm giải pháp như ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức triển khai tích cực các dự luật sau khi Quốc hội thông qua...

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam
Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.