Ấm chén Hải Phòng
Do đó, rút kinh nghiệm mỗi lần muốn tặng quà tôi thường đưa con gái mình đi mua. Tuy mất đi yếu tố bất ngờ khi nhận quà nhưng con gái tôi thường rất vui vẻ và hạnh phúc với món quà mà mình tự chọn.
Cũng liên quan đến vấn đề “quà tặng” thông tin được nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây là việc TP Hải Phòng dự kiến chi 269 tỉ đồng tặng ấm chén và cờ cho người dân nhân dịp 65 ngày giải phóng thành phố này. Không may mắn như trường hợp của con gái tôi người dân Hải Phòng không được tự chọn món quà cho mình.
Tuy vậy, theo thông tin khảo sát của Tuổi Trẻ Online với người dân Hải Phòng lại cho thấy đa phần người dân Hải Phòng, nhất là dân khu vực nông thôn ủng hộ, hào hứng chờ quà tặng. Số không thích thú với món quà này vì cho rằng việc tặng ấm chén tới toàn bộ người dân là rất lãng phí, thừa thãi bởi nhà nào cũng có bộ ấm chén để dùng rồi lại không nhiều.
Về phía chính quyền ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cho rằng: “Thành phố có quyết định tặng quà tới các hộ gia đình để tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi nhận, tri ân đóng góp, cống hiến của nhân dân với đảng bộ, chính quyền thành phố trong suốt 65 năm qua”.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội khuyến cáo Hải Phòng hoàn toàn có thể dùng số tiền gần 300 tỉ đồng để đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, cải tạo nhà ở hay nâng cao mức sống cho gia đình chính sách, người già neo đơn… thậm chí là một công trình nào đó về văn hóa thì nó sẽ ý nghĩa hơn là mỗi nhà một bộ ấm chén và cờ.
Trước những ý kiến trái chiều đó, tôi tham vấn ý kiến một số bạn bè mình làm ở các lĩnh vực khác nhau để mong có một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này. Anh bạn tôi một chuyên gia kinh tế phân tích về phúc lợi xã hội khi nhà nước trợ cấp cho người dân. Theo đó việc tặng “hiện vật” thường không mang lại phúc lợi cao nhất.
Nguyên nhân là theo quy luật kinh tế thì mỗi người do điều kiện khác nhau nên sẽ có một độ thỏa dụng (sự thỏa mãn hay hài lòng của người tiêu dùng khi tiêu dùng hàng hóa) khác nhau khi được tặng hàng hóa.
Chẳng hạn một người nào đó chưa có bộ ấm chén và cờ thì việc tặng cờ và ấm chén sẽ mang lại cho họ độ thỏa dụng cao hơn những người đã có. Tuy nhiên, ngay cả khi những người không có ấm chén nhưng họ không có nhu cầu sử dụng thì việc tặng ấm chén cũng vô nghĩa.
Ở góc độ khác, việc tặng sản phẩm theo hộ gia đình cũng không mang lại phúc lợi cao bằng việc tặng cho từng cá nhân riêng lẻ. Bên cạnh đó, việc Hải Phòng cùng một lúc bỏ ra 269 tỷ đồng để mua nửa triệu bộ ấm chén và cờ sẽ làm tăng cung mặt hàng này đột ngột trên thị trường. Điều này không có nhiều tác dụng trong việc kích thích kinh tế bằng việc tặng tiền.
Lý giải cho việc nhiều người dân “hào hứng” thì anh bạn tôi cho rằng đây cũng là điều bình thường vì chính họ là người thụ hưởng nên chắc chắn về mặt tâm lý họ sẽ vui thích khi nhận được quà. Hơn nữa, phần lớn người dân họ chỉ mới nghĩ đến việc “có còn hơn không” chứ không nghĩ đến việc so sánh giữa nhận tiền hay hàng.
Còn đối với những người nhận quà vẫn phản đối có thể vì món quà đó không có ý nghĩa gì đối với họ hoặc họ là nhóm người cho rằng chính sách này không hiệu quả nên phản đối. Đối với những người đưa ra chính sách này như các quan chức ở Hải Phòng thì họ ủng hộ lại là điều đương nhiên.
Cuối cùng, anh bạn chuyên gia kinh tế của tôi kết luận việc tặng ấm chén hay hiện vật nói chung là một chính sách tồi do nó không mang lại hiệu quả kinh tế và phúc lợi xã hội cao nhất. Thay vào đó, cũng bằng số tiền đó Hải Phòng tặng tiền cho từng người dân thì vừa đạt được phúc lợi xã hội cao, vừa kích thích được kinh tế do người dân tăng tiêu dùng nhiều mặt hàng thay vì chỉ ấm chén và cờ.
Những phân tích của anh bạn là chuyên gia kinh tế cùng với những trải nghiệm về việc tặng quà con gái đã giải đáp phần nào khúc mắc trong tôi. Tuy nhiên, xung quanh việc tặng quà này vẫn còn nhiều điều làm tôi băn khoăn. Với một bộ máy hùng hậu chẳng lẻ chính quyền TP Hải Phòng lại không nhận ra những bất cập trong việc tặng ấm chén cho người dân hay sao?
Tôi đem những điều băn khoăn này hỏi một người bạn đang làm ở một cơ quan của nhà nước. Anh bạn tôi cho rằng những phân tích của anh bạn là chuyên gia kinh tế rất chính xác nhưng chưa đủ. Việc chi tiêu ngân sách thường trải qua một quy trình khá phức tạp. Ngân sách nhà nước thường được phân chia theo kiểu “đồng mắm - đồng mua tương”.
Do đó hàng năm nhiều địa phương hay cơ quan nhà nước không chỉ phải chịu áp lực tìm kiếm nguồn mà còn phải chịu nhiều áp lực khi chi tiêu. Các cơ quan nhà nước buộc phải “có dự án” để được cấp ngân sách và phải chi tiêu hết số tiền được phân bổ đó để tránh việc bị cắt ngân sách vào năm sau. Do đó trong nhiều trường hợp có hiện tượng tiền nhà nước thường chi tiêu vào những thứ kém hiệu quả.
Anh bạn tôi cũng cho rằng những ý kiến sử dụng số tiền này để hỗ trợ người nghèo… như đề xuất của một đại biểu quốc hội hay tặng tiền như vị chuyên gia thực tế khó diễn ra dù lợi ích kinh tế, xã hội có cao đến đâu chăng nữa cũng sẽ không thể thực hiện được.
Tuy vậy, tôi vẫn thực sự không hiểu nổi tại sao chính quyền TP Hải Phòng lại đề xuất sử dụng số tiền khổng lồ đó cho một việc mà theo nhiều phân tích là kém hiệu quả đến như vậy. Đặc biệt, đề xuất này lại diễn ra trong thời điểm mà cả nước đang phải gồng mình chống lại dịch bệnh nCoV 19 đang lan rộng.
Chắc chắn nguồn ngân sách dùng cho việc chống dịch bệnh này là không hề nhỏ dẫn đến thâm hụt ngân sách nhà nước dự kiến năm 2020 sẽ rất lớn. Kinh tế trong nước và thế giới cũng chắc chắn sẽ trải qua một thời kỳ rất khó khăn.
Tôi tin vào sự trong sáng, vô tư, bất vụ lợi của những người đề xuất chính sách và chính quyền TP. Hải Phòng. Các quan điểm, phân tích của những người bạn của tôi cũng chỉ là một góc nhìn của người ngoài cuộc.
Một điều tôi chắc chắn là hiệu quả của chính sách này nếu được thực thi sẽ có nhiều bất cập. Tuy nhiên, lý do thực sự thì chắc chỉ một nhóm nhỏ người liên quan đến những đề xuất đó mới thực sự hiểu được.