Những bí quyết bỏ túi sau sẽ hữu ích nếu chủ nhà muốn tự bán nhà thay vì thông qua môi giới.

Hiểu thị trường và xu hướng

Môi giới thường nắm rất rõ thị trường nhà ở tại địa phương và các khu vực lân cận, nguồn cung sẵn có hoặc đã bán. Họ cũng hiểu về mặt bằng giá, nhu cầu khách hàng xu hướng thị trường trong tương lai, cũng như lý do tại sao một số ngôi nhà không thể bán được. Điều này sẽ giúp họ xác định được một ngôi nhà dễ thanh khoản, hoặc sửa đổi, bổ sung các yếu tố cần thiết để ngôi nhà được chuyển nhượng nhanh nhất.

Định giá chính xác

Giá chào bán nhà trên các sàn giao dịch trực tuyến có thể không chính xác như các chủ nhà vẫn nghĩ. Bởi giá một ngôi nhà thường mang tính cá nhân và địa phương rõ rệt, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, diện tích, trang thiết bị và kiến trúc, phong thủy, pháp lý, nhu cầu bán nhanh hay chờ để được giá cao nhất của chủ nhà.

Một môi giới giỏi có nhiều cách để cân đối tiêu chuẩn của thị trường, mong muốn của chủ nhà và các điều kiện của ngôi nhà để đưa ra mức giá chào bán tốt nhất. Họ không đưa ra định giá quá thấp khiến chủ nhà chịu thiệt, hoặc định giá quá cao khiến căn nhà không thể chuyển nhượng thành công.

Tối ưu tiếp thị

Hiện nay, môi giới thường tối ưu việc sử dụng các công cụ để tiếp thị và bán nhà, nhất là các nền tảng trực tuyến. Nhờ đó, họ tiếp cận khách hàng tiềm năng tốt hơn và bán nhà nhanh hơn. Ví dụ như Facebook cho phép quảng cáo ngôi nhà tới nhóm khách hàng cụ thể tại một khu vực nhất định. Họ cũng rất chuyên nghiệp trong việc sử dụng hình ảnh, video và nội dung hấp dẫn để ngôi nhà trở nên hấp dẫn trong mắt khách hàng.

Mạng lưới quan hệ tốt

Môi giới thường có một mạng lưới quan hệ rất lớn, bao gồm các môi giới khách và cả những khách hàng đang cần tìm mua nhà với các tiêu chí cụ thể. Kết quả là, họ có thể dễ dàng giới thiệu về ngôi nhà ở quy mô rộng hơn và tới đúng đối tượng khách hàng hơn.

Đàm phán chuyên nghiệp

Chủ nhà, do dồn nhiều tâm huyết để xây nhà hoặc đã sống tại căn nhà đó trong nhiều năm, đôi khi rất cảm tính trong việc định giá và đàm phán với người mua. Kết quả là, các giao dịch thất bại bởi những tình huống không đáng có, khi chủ nhà không thể “lèo lái” được cuộc giao dịch.

Với môi giới, cuộc đàm phán phải mang lại lợi ích cho cả người mua và người bán, đồng thời diễn ra một cách chuyên nghiệp và lịch sự nhờ những quy tắc đàm phán nhất định. Với vai trò trung gian, môi giới giữ một cái đầu lạnh để hiểu được mấu chốt vấn đề hay các điểm không thể thương lượng của cả người mua và người bán để cân bằng mọi việc nhằm mang lại thành công cho giao dịch.

Hiểu các nguy cơ tiềm ẩn

Đôi khi, một giao dịch nhà ở thất bại vào phút cuối do những yêu sách “từ trên trời rơi xuống” của chủ nhà hoặc khách hàng. Ví dụ như, khách hàng đột nhiên yêu cầu cải tạo phòng tắm, đòi giảm giá đã thương lượng, hay yêu cầu chủ nhà trả các khoản thuế phí. Một môi giới giỏi thường lường trước được các nguy cơ có thể xảy ra và tìm ra phương án cân bằng lợi ích phù hợp của cả người mua và người bán.

Hiểu về đầu tư và khách hàng mục tiêu

Môi giới có thể cung cấp cho khách hàng các cách thức để tăng lợi tức đầu tư, như cải tạo và lắp đặt thêm trang thiết bị, hay cho thuê ngắn hạn trong thời gian không sử dụng. Nhiều khi, việc thay thế một món đồ cũ kỹ hay sơn lại phòng khách có thể khiến giá trị căn nhà tăng lên đáng kể. Tùy tình trạng căn nhà, môi giới có thể tư vấn đối tượng mua nhà phù hợp. Ví dụ, với những căn nhà đã cũ những có diện tích rộng, môi giới có thể tiếp cận những nhà đầu tư đang muốn tìm kiếm không gian để phát triển một chung cư mi-ni làm cho thuê, hoặc xây dựng một biệt thự hạng sang để bán cho những người giàu có.

Lam Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.