Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích kế hoạch đánh thuế tiền gửi của Síp là "bất công, nghiệp dư và nguy hiểm", người phát ngôn của điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết.

Nhận xét trên được đưa ra trong cuộc họp khẩn cấp của ông Putin với nội các và nhóm cố vấn kinh tế ngày hôm qua (18/3). Tầng lớp thượng lưu Nga đang để khoảng 20 tỷ euro tại Síp, tương đương hơn một phần ba tiền gửi của người nước ngoài tại đây. Khoản tiền trên đã giúp hệ thống ngân hàng Síp phát triển khá vững chắc.

Chỉ riêng nhà băng lớn thứ hai của Nga - VTB đang có 10,4 tỷ euro (13,5 tỷ USD) tại Síp thông qua các chi nhánh. Theo AFP, VTB có thể mất khoảng một phần mười số tiền trên. Ngân hàng này cho biết: "VTB đang theo dõi sát tình hình này. Chúng tôi chỉ có thể đánh giá hậu quả sau khi đã nghiên cứu kỹ điều luật".

Tổng thống Putin cho rằng thuế tiền gửi của Síp là "nguy hiểm". Ảnh: AP

Khi ngành du lịch Síp bùng nổ, hàng ngàn người Nga đã kéo đến đây do mối quan hệ lâu dài giữa hai nước trong hàng thập kỷ. Rất nhiều người đã định cư hoặc mua nhà tại Síp. Thành phố Limassol, trung tâm tài chính của Síp, cũng được gọi là "Lima-grad". Ở đây có những cửa hàng sang trọng dành riêng cho người Nga, các công ty cho thuê nhiều xe Porches hơn là Fiat Pandas và ba tờ báo riêng bằng tiếng Nga.

Động thái của Síp đã bị chỉ trích rộng rãi do lo ngại việc này sẽ tạo ra tiền lệ với các nước châu Âu khác. Mark Bayley, chiến lược gia tại công ty tư vấn Aquasia cho biết việc này đã tạo ra một "tiền lệ nguy hiểm" và "đánh bẫy người gửi tiền". Ông giải thích: "Nỗi sợ hãi sẽ lan ra khắp giới đầu tư và khuyến khích những người gửi tiền tại các nước vùng rìa châu Âu chuyển tài sản sang nơi khác an toàn hơn, như Đức hay thậm chí là đặt dưới gối".

Trong một báo cáo, Barclays cũng cho biết thuế này là một "điềm gở" của gói cứu trợ. Lars Seier Christensen, CEO Ngân hàng Saxo ở Đan Mạch cho biết: "Nếu có thể làm một lần, anh sẽ làm lần thứ hai".

Cuối tuần trước, Cộng hòa Síp, quan chức eurozone, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã đồng ý gói giải cứu 10 tỷ euro cho hệ thống tài chính nước này. Đổi lại, người dân Síp sẽ phải đóng thuế tiền gửi lên tới 10% đối với khoản tiền trên 100.000 euro và 6,75% nếu ít hơn.

Síp là nước thứ 5 trong eurozone sau Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và Tây Ban Nha cần cứu trợ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tiền gửi của người dân bị đánh thuế để hỗ trợ gói giải cứu.

Theo dự kiến, Quốc hội Síp sẽ tiến hành bỏ phiếu về yêu cầu này ngày hôm qua (18/3). Tuy nhiên, cuộc họp đã tiếp tục bị lùi sang trưa hôm nay (19/3). Síp đã chặn tất cả các giao dịch ngân hàng, trong đó có giao dịch điện tử, và hệ thống nhà băng cũng sẽ đóng cửa hết hôm nay.

Theo Thùy Linh (vnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.