Trong những năm vừa qua, ngành sản xuất VLXD đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở.
Vật liệu xây dựng được ví như "bánh mì" của ngành xây dựng, bất động sản. Do đó. khi "người ốm chán ăn", thị trường VLXD cũng trở nên ế ẩm.
Giá vật liệu xây dựng liên tục tăng khiến nhiều người bị vỡ kế hoạch xây nhà
Tồn kho tăng cao
Với việc giá cả tăng cao, các dự án hạ tầng lớn gặp khó, chậm tiến độ khiến thị trường VLXD đang có dấu hiệu chững lại. Tiêu thụ hàng hóa khó khăn, tồn kho tăng cao đang là vấn đề chung của các doanh nghiệp chuyên mua bán sắt, thép, gạch, đá hiện nay.
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9.2022 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng khá cao kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho ở một số lĩnh vực vẫn tăng cao, điển hình là lĩnh vực VLXD.
Cụ thể, ở nhóm nhà ở và VLXD, chi số nhóm này trong tháng 9 đã tăng 0,94% so với tháng trước và tăng 4,43% do với cùng kỳ năm 2021 do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và nhà ở thuê tăng. Bên cạnh đó, giá vật liệu sửa chữa nhà ở cũng tăng 0,07% do giá xi măng, gạch xây, gạch bê tông, tấm lợp, sơn tường tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.
Tính từ đầu năm, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Trong đó, nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng, các sản phẩm gang, sắt thép, xi măng tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Lượng tồn kho xi măng từ đầu năm đến nay gần 6 triệu tấn, tương đương khoảng 25-30 ngày sản xuất
Đến cuối tháng 9.2022, lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 7,6 triệu tấn, giảm khoảng 1,26 triệu tấn so với tháng 8 trước đó và giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, sản lượng xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 5,4 triệu tấn; lượng xi măng xuất khẩu ước đạt khoảng 2,2 triệu tấn.
Chín tháng đầu năm, cả nước đã tiêu thụ khoảng gần 73 triệu tấn xi măng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ nội địa là 47,3 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ nhưng xuất khẩu xi măng lại giảm mạnh tới 28%, ở mức 24,7 triệu tấn.
Kênh xuất khẩu suy yếu, bán hàng trong nước chậm do giá xi măng tăng cao dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng, đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Hiện lượng tồn kho từ đầu năm đến nay gần 6 triệu tấn, tương đương khoảng 25-30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Việc không tiêu thụ được sản phẩm khiến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng càng thêm khó khăn. Có thể sắp tới, một số nhà máy xi măng phải làm việc lại với nhà phân phối để giảm giá nhiều hơn nhằm giải phóng hàng tồn.
Tương tự, ngành thép không khá hơn khi lượng hàng tồn kho tính đến ngày 31.6 của các doanh nghiệp thép niêm yết lên mức xấp xỉ 110.000 tỉ đồng khiến các khoản trích lập dự phòng trở thành nỗi lo lớn cho nhà đầu tư. Đây là mức tồn kho kỷ lục của ngành thép từ trước tới nay, vượt xa đỉnh cũ hồi cuối quý 3 năm ngoái.
Lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép giảm mạnh trong thời gian qua.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tiêu thụ thép trong tháng 9.2022 gần 2 triệu tấn, giảm 7,2% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 9, tồn kho của các nhà máy thép ở mức 1,6 triệu tấn trong bối cảnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu suy yếu.
Gốm sứ xây dựng đang tồn kho khoảng 80 triệu m2 sản phẩm mặc dù chỉ hoạt động 50-55% so với công suất thiết kế
Với các sản phẩm gốm sứ xây dựng, theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, ước có trên 80 triệu m2 gạch ốp lát các loại còn tồn tại các doanh nghiệp dù công suất chạy máy chỉ 50-55% so với công suất thiết kế.
Các mặt hàng gốm sứ khác cũng tồn kho khoảng 15-20%, đây là áp lực của thị trường gốm sứ xây dựng trong năm 2022, bởi không tiêu thụ được lượng tồn kho này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của năm và sản phẩm càng để lâu thì càng tụt giá.
Ế nhưng vẫn tăng giá
Năm 2022 là năm cực kỳ khó khăn của doanh nghiệp khi đầu ra thị trường VLXD hiện bị “chôn” theo thị trường bất động sản.
Theo đó, không chỉ ở dòng vốn bị ứ đọng bằng hiện vật, tình trạng lãi suất vay rất cao cũng góp phần không nhỏ làm tình hình trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Mặc khác, giá xăng, dầu, than liên tục được điều chỉnh tăng từ đầu năm đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.
Theo đó, các đơn vị phân phối đã tìm nhiều giải pháp để giải quyết bài toán chi phí đầu vào bằng cách tăng giá bán. Tuy nhiên, điều này cũng gặp nhiều khó khăn trong bán hàng, đặc biệt là cạnh tranh về giá giữa các công ty sản xuất rất gay gắt.
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá các loại VLXD liên tục biến động do những tác động từ thị trường
Ghi nhận thực tế trên thị trường, từ đầu năm 2022 đến nay, giá các loại VLXD liên tục biến động, trong đó có nhiều mặt hàng thay đổi, cập nhật giá mới liên tục do những tác động từ thị trường. Đến nay, tình hình biến động tăng giá các mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đơn cử, từ giữa tháng 6.2022, có khoảng 15 doanh nghiệp đồng loạt tăng giá bán xi măng thêm 50.000-80.000 đồng/tấn, có loại tăng 140.000 đồng/tấn. Đây là lần thứ ba trong năm nhiều doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán.
Hiện giá bán xi măng bình quân tại khu vực miền Trung có giá cao nhất, lên đến 19,5 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá bán xi măng tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 13,2-16 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu và loại xi măng.
Với mặt hàng thép xây dựng, trước sự biến động của nguyên liệu đầu vào, mặt hàng này liên tục được các doanh nghiệp điều chỉnh trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Mới đây, sau lần 3 lần điều chỉnh tăng liên tiếp hồi đầu tháng 9, giá thép xây dựng lại quay về với chu kỳ giảm giá khi giảm hơn 300.000 đồng/tấn trong ngày 7.10.
Tới ngày 12.10, các thương hiệu thép liên tục điều chỉnh giảm giá bán với mức giảm cao nhất lên tới 810.000 đồng mỗi tấn. Hiện giá mặt hàng này đang dao động quanh mức 14,5-15,5 triệu/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép.
So với thời điểm đầu năm, giá các loại gạch xây dựng đã tăng 7-8%, gạch ngói tăng từ 8-10%, gạch ốp lát tăng đến 15%. Tương tự, cát sỏi xây dựng cũng được điều chỉnh tăng thêm 10.000 đồng/m3.
Trong bối cảnh thị trường giá VLXD, nhất là giá thép, xi măng, cát, đá xây dựng, gạch ốp lát... liên tục tăng kéo theo chi phí xây dựng các công trình nhà ở bị "đội giá", khiến nhiều người bị vỡ kế hoạch xây nhà.
Tình trạng tồn kho đang ảnh hưởng đến những doanh nghiệp sản xuất VLXD, điều này đang được phản ánh cụ thể qua lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm rõ rệt, thậm chí thua lỗ.
-
Ngành vật liệu xây dựng đón sóng đầu tư công cuối năm
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ là “đầu kéo” cho nhiều nhóm ngành như vật liệu xây dựng, bất động sản.
-
Thủ tướng chỉ đạo nóng về vấn đề “sống còn” ảnh hưởng đến các dự án, công trình giao thông trọng điểm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao th...
-
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ra chỉ đạo “nóng” ngăn chặn nạn đầu cơ làm tăng giá cát xây dựng
Sau 3 tháng bỏ quy định kê khai giá cát, Quảng Ngãi yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kê khai giá cát trở lại để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ, độc quyền làm tăng giá cát xây dựng.
-
Lấp “lỗ hổng” thất thoát, lãng phí trong hệ thống định mức, đơn giá xây dựng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện chính sách, bảo đảm việc ban hành định mức, đơn giá xây dựng được kịp thời, phù hợp với thị trường, chống thất thoát, lãng phí....